Từ hội Gióng tới Thành Sơn

Thứ sáu, ngày 19/11/2010 10:14 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tổ chức Văn hóa - Khoa học - Giáo dục Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã chính thức công nhận Lễ hội Gióng là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại, một sự vinh danh xứng đáng dành cho nhân dân Việt Nam.
Bình luận 0

Vậy UNESCO sẽ có ý kiến gì nếu họ được chứng kiến cảnh "trùng tu" thành cổ Sơn Tây - một di sản vật thể dù chưa được UNESCO vinh danh nhưng đã sống trong lòng nhân dân Việt Nam từ gần 200 năm nay?

Chắc chắn, UNESCO sẽ rất thất vọng khi tận mắt chứng kiến thành Sơn Tây sau khi được "trùng tu" và những hình ảnh thành Sơn Tây trước khi bị biến dạng do trùng tu. Hai hình ảnh hoàn toàn khác nhau về một thành cổ theo đúng nghĩa, và một thành "mới" bị biến dạng, vô cảm và phản lịch sử.

Với việc tôn vinh Lễ hội Gióng, UNESCO đã nhấn mạnh một điều:

Đây là lễ hội thực sự của nhân dân, và cho tới bây giờ vẫn diễn ra về cơ bản không khác với nghi thức đã diễn ra cách đây hàng nghìn năm. Đã không có một sự "trùng tu" nào về nghi thức và các hình thức diễn xướng ở Lễ hội Gióng, chính điều đó đã thực sự thuyết phục những chuyên gia khó tính nhất của UNESCO.

Những lễ hội của nhân dân, do nhân dân sáng tạo và thể hiện, thì trước như thế nào, sau này vẫn cứ duy trì như vậy. Chính đó là sự "trùng tu" tốt nhất, hợp lý và giàu tính nhân văn, tính văn hoá, tính lịch sử nhất. Với những lễ hội thuộc về văn hoá phi vật thể là vậy, mà với những di tích vật thể cũng cần phải như vậy, thậm chí cần nghiêm túc hơn, cẩn trọng hơn nữa.

Vì, một khi đã "thay áo" cho di tích, thì khả năng phục hồi lại nguyên trạng là gần như không thể. Một lễ hội phi vật thể bị thay đổi khiến biến dạng có thể được sửa chữa lại, dĩ nhiên vẫn do chính chủ thể của lễ hội là nhân dân làm việc sửa chữa này, nhưng một di tích vật thể khi bị "sửa chữa" một cách tùy tiện, thì quả thật nhân dân rất khó có thể thò tay vào để uốn nắn lại.

Nếu hiểu sâu sắc điều đó, về sự đơn nhất không lặp lại khiến di tích trở nên độc đáo ấy, thì người ta sẽ không "xuống tay" tàn sát các di tích theo kiểu "trùng tu" vô tội vạ và vô trách nhiệm. Trách nhiệm đây không chỉ là trách nhiệm trước chính quyền - nơi bỏ tiền cho các dự án trùng tu - mà còn là trách nhiệm trước nhân dân và trước lịch sử, những chủ thể có vẻ vô hình nhưng không bao giờ vắng mặt trong bất cứ sự tồn tại của di tích nào.

Phục hồi di tích là phục hồi nguyên trạng di tích sau khi bị thời gian hay con người làm phôi pha, hư hoại. Nhưng thế nào là "phục hồi nguyên trạng" thì cần hết sức cân nhắc, hết sức tuân thủ những nguyên tắc của văn hoá và lịch sử, để di tích sau khi được phục hồi vẫn là di tích từng tồn tại trong thời gian và lịch sử, chứ không phải là một tác phẩm tùy tiện của đương đại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem