Nghiên cứu về mô hình đối tác PPP và liên kết “4 nhà” được T.Ư Hội NDVN giao cho Ban Hợp tác quốc tế triển khai tại 5 tỉnh: Đăk Lăk, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn; với các ngành hàng như mía đường, miến dong, chè và cà phê. Điểm nhấn của báo cáo kết quả nghiên cứu là đã chỉ ra được những ưu, khuyết điểm của mô hình hợp tác PPP; mô hình liên kết “4 nhà”...
2 nhà “hời hợt”, 2 nhà “ngoại tình”
Liên kết “4 nhà” ra đời sau Quyết định (QĐ) 80 ngày 24.6.2002 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng. Sau hơn 10 năm thực hiện, QĐ80 đã bộc lộ nhiều điểm không hợp lý, khó khả thi.
Một trong những điểm yếu trong liên kết “4 nhà” là kỳ vọng của chính sách chưa sát với thực tiễn sản xuất nông nghiệp của Việt Nam là manh mún, nhỏ lẻ và quy mô nông hộ. Tình trạng phổ biến trong liên kết “4 nhà” là vai trò của Nhà nước và nhà khoa học “hời hợt và mờ nhạt”, còn nhà nông và doanh nghiệp (DN) “chung thủy” thì ít mà “ngoại tình” thì nhiều.
“QĐ 80 ra đời, chúng tôi hồ hởi ký hơn 2.000 hợp đồng với ND. Nhưng Thái Nguyên có tới hơn 30 nhà máy chè. Họ đâu có tốn công tốn sức ký hợp đồng và hỗ trợ ND. Họ trả giá cao hơn một chút là ND “lén” bán chè nguyên liệu cho họ. DN chúng tôi tính kiện ND, nhưng số hợp đồng nhiều quá, với lại tòa án bảo án phí có khi còn nhiều hơn cả tiền đền bù nếu được thắng kiện… Thế là chúng tôi cũng đành âm thầm tự “khắc phục” hậu quả…” - ông Nguyễn Văn Bốn - Phó Giám đốc Chi nhánh Sông Cầu thuộc Tổng Công ty Chè Việt Nam bày tỏ.
DN “tố” ND “ngoại tình”, còn ND cũng tố DN không “chung thủy”. Ông Ma Doãn Hùng - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: “Mối quan hệ giữa ND và DN là quan trọng nhất trong liên kết “4 nhà”, nhưng đến nay 2 nhà này chưa chơi được với nhau, lúc khó khăn DN chê không mua, hoặc mua với giá thấp. Còn khi thị trường thuận lợi thì ND lại lén lút “đi đêm” với thương nhân, DN ngoài hợp đồng.”.
Để khắc phục những bất cập của QĐ80, ngày 25.10.2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành QĐ62 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn...
Kỳ vọng từ mô hình PPP
Từ năm 2010 trở lại đây, trong lĩnh vực nông nghiệp bắt đầu xuất hiện mô hình hợp tác đối tác PPP. Điểm nhấn của mô hình PPP là nhà nước T.Ư, chính quyền địa phương bảo đảm cơ chế, chính sách khuyến khích các tập đoàn kinh tế lớn (thường là tập đoàn, công ty đa quốc gia) bỏ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ cho ND, HTX, DN trong nước sản xuất nông nghiệp đúng quy trình, quy chuẩn rồi sau đó tiến hành thu mua lại nông sản.
Tại địa bàn tỉnh Tuyên Quang, Công ty Unilever Việt Nam đang triển khai chương trình huấn luyện nông hộ trồng chè quy mô nhỏ theo chứng chỉ RA. Anh Trần Văn Tuấn - ND trồng chè ở huyện Yên Sơn cho biết: “Chúng tôi phải tuân thủ quy định, quy trình rất chặt chẽ trong sản xuất chè về môi trường, an toàn sức khoẻ lao động, quản lý mùa vụ… Đó là điều rất khác với cách chúng tôi sản xuất theo thói quen trước đây và nhờ thế thu nhập của người trồng chè được nâng lên”.
Tại tỉnh Đăk Lăk, mô hình hợp tác PPP đang được áp dụng trên cây cà phê. Công ty Nestlé Việt Nam hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, quy trình canh tác, phối hợp ngân hàng cho ND vay vốn ưu đãi để trồng cà phê. Sản phẩm cà phê nguyên liệu được DN thu mua với giá cao hơn giá thị trường.
“DN thu mua cà phê nguyên liệu với giá cao hơn DN bên ngoài, nhưng theo đó họ yêu cầu tay nghề canh tác cũng như chất lượng cà phê cao hơn. Mô hình hợp tác PPP phù hợp với điều kiện của ND là “ăn trước trả sau” - anh Nguyễn Khắc Tiệp - Chủ nhiệm HTX Cà phê Nguyên Trường Thịnh, xã Ea Kênh (Krông Păk, Đăk Lăk) chia sẻ.
4 Đề xuất của Hội ND về mô hình PPP
Thông tin cho Hội ND về các nhóm PPP bởi hiện Hội không có thông tin về các dự án thực hiện ở đâu, mang lại lợi ích gì cho ND.
Hội ND cần được tham gia vào các cơ chế của PPP ở tất cả các cấp huyện, tỉnh, T.Ư.
Tăng cường năng lực cho ND, Hội ND các cấp trong xây dựng kinh tế tập thể, nâng cao chất lượng nông sản.
Hội ND cần được hỗ trợ tư vấn pháp lý, nhất là trong đàm phán, ký kết hợp đồng với công ty.
Tuy được kỳ vọng sẽ tạo sự đột phá trong liên kết sản xuất nông nghiệp, nhưng PPP vẫn bộc lộ những khó khăn khi thực hiện. “Sự tham gia của khối công (T.Ư, địa phương) còn hạn chế, thiếu vốn đối ứng, cơ chế quản lý khi nhà nước tham gia vốn đối ứng với DN PPP chưa rõ ràng. DN nước ngoài chủ yếu vẫn thu mua nông sản qua thương lái, đơn vị trung gian nên ND vẫn còn bị ép giá”- ông Phạm Quang Huy- Phòng Hội nhập và Đầu tư-Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NNPTNT) cho hay...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.