T.Ư Hội Nông dân Việt Nam giao cá song giống cho hội viên, nông dân huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình
T.Ư Hội Nông dân Việt Nam giao cá song giống cho hội viên, nông dân huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình
Vũ Thượng
Thứ năm, ngày 12/09/2024 13:40 PM (GMT+7)
Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình tổ chức tập huấn, bàn giao giống, thức ăn và chế phẩm vi sinh xử lý nước để nuôi cá song (cá mú) theo hướng an toàn sinh học tại 5 hộ dân thuộc xã Kim Trung (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình).
Mô hình "Xây dựng mô hình chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế và phát triển bền vững năm 2024" được triển khai tại xã Kim Trung (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình). Đây là chương trình do Văn phòng Phát triển bền vững-Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình triển khai thực hiện.
Từ đây, một mô hình mới bắt đầu được triển khai với kỳ vọng giúp nhiều hộ nông dân tại huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình làm giàu, cũng như thay đổi tập quán canh tác cho người dân và mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững.
Với mô hình này, việc nuôi con cá song trong ao kết hợp với áp dụng chế phẩm vi sinh vật trong xử lý môi trường ao nuôi, tạo môi trường sống sạch, giúp cá song sinh trưởng và phát triển tốt nhất.
Được biết, có 5 hộ dân tham gia mô hình, đây là hội viên hộ nông dân thuộc xã Kim Trung (huyện Kim Sơn) đủ các điều kiện như: Về diện tích ao nuôi, có lao động, đủ điều kiện vốn đối ứng, tự nguyện viết đơn tham gia dự án…
Ông Vũ Duy Tùng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kim Sơn cho biết: "Thực hiện mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học nuôi cá song (cá mú) tại xã Kim Trung (huyện Kim Sơn) sẽ giúp nâng cao hiệu quả kinh tế và năng suất lao động, giải quyết việc làm cho các lao động địa phương, đảm bảo môi trường trong sản xuất".
"Chúng tôi cũng kỳ vọng chương trình sẽ là điểm nhấn để người dân các nơi đến tham quan, học hỏi phát triển mô hình. Qua đây, thu hút được đông đảo bà con nông dân tham gia tổ chức Hội", ông Tùng nói.
Tự tin nhận nuôi cá song thành công
Thông qua lớp tập huấn giúp các hộ dân được hướng dẫn, đào tạo kỹ thuật chăm sóc và phòng trị bệnh cho con cá song; xây dựng mô hình trình diễn; tuyên truyền và nhân rộng mô hình…
Qua tìm hiểu, thực hiện mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học nuôi cá song (cá mú) tại xã Kim Trung (huyện Kim Sơn), Trung ương Hội Nông dân Việt Nam hỗ trợ 5 hộ dân 5.000 con cá song (cá mú) giống; 7.200kg thức ăn; 50kg chế phẩm vi sinh (tương đương 50%) tổng kinh phí thực hiện. Thời gian thực hiện năm 2024.
Bà Đặng Thị Kim Chi (xóm 5, xã Kim Trung) chia sẻ: "Biết tin được bàn giao cá song giống, thức ăn, chế phẩm nuôi cá song các thành viên trong gia đình ai cũng vui mừng, phấn khởi. Đây là sự quan tâm của lãnh đạo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đến gia đình nên chúng tôi hứa chăm sóc đàn cá song khỏe mạnh, lớn nhanh đạt năng suất cao để vươn lên làm giàu".
Ông Nguyễn Văn Xuân (xóm 5, xã Kim Trung) bày tỏ: "Gia đình tôi có 7.000 m2 ao nuôi trồng thủy sản, bản thân tôi cũng gần 20 năm nuôi con cá, tôm, cua…các loại. Đây cũng là một phần kinh nghiệm để tôi tự tin nuôi con cá song (cá mú) thành công.
Theo ông Xuân, con cá song hay mắc một số dịch bệnh nên người nuôi cần chủ động phòng trước khi đàn cá mắc bệnh sẽ giảm được thiệt hại. Đối với giống cá song vừa được nhận, ông Xuân đánh giá cỡ cá đồng đều, bơi lội nhanh nhẹn…
Kỹ thuật thiết kế ao nuôi cá song
Ông Dương Trần Trung Kiên-Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Yên Khánh cho biết: Để nuôi cá song thành công, trước tiên bà con cần chuẩn bị ao nuôi có diện tích từ 1.000 - 5.000m2 (diện tích ao nuôi phù hợp nhất từ 1.500-3.000m2), độ sâu ao nuôi từ 1,8-2,5 m, độ sâu mực nước từ 1,5 - 2,0 m.
Bờ ao được kè bê tông hoặc lót bạt, hệ số mái bờ từ 1,0-1,5. Nền đáy ao là đất sét pha cát hoặc đáy cát hoặc cát pha bùn (tốt nhất là đáy cát). Đáy ao không bị rò rỉ nước, thoát nước và bị xì phèn.
Khi thả giống, bà con lưu ý, tháo cạn nước trong ao, loại bỏ các sinh vật không mong muốn còn ở trong ao (cá, tôm, cua tạp, rong, cỏ...), vét bỏ bùn thối, phơi khô đáy ao 1-2 tuần, khử trùng đáy ao và bờ ao bằng vôi bột.
Bên cạnh đó, lấy nước vào ao chứa nên chọn con nước tốt (thời điểm đầu kỳ con nước cường) để lấy nước. Nước được lấy trực tiếp qua mương dẫn hoặc dùng máy bơm và được lọc qua lưới lọc để ngăn địch hại.
Khử trùng nước bằng Chlorine 10 ppm, sục khí hoặc quạt nước ít nhất 1 ngày cho hết dư lượng Chlorine. Sau 5 -7 ngày, kiểm tra chất lượng nước ao chứa đạt yêu cầu quy định tại Bảng 2 thì cấp nước vào ao nuôi.
Thời gian thả cá song tốt nhất từ tháng 5 đến tháng 9 dương lịch. Nên chọn mua cá giống được sản xuất từ những cơ sở sản xuất giống có uy tín, có nguồn gốc rõ ràng.
Từ khi thả cá song (cỡ cá 8-9 g/con,) đến khi đạt khối lượng 200g/con nên sử dụng thức ăn công nghiệp chuyên dụng cho cá song có hàm lượng protein từ 45 - 48%, hàm lượng lipid từ 8 - 14%, dạng viên tròn dẹt, có đặc tính chìm chậm để nuôi cá. Tiếp theo cá có khối lượng >200g/con, sử dụng thức ăn công nghiệp.
Cách chăm sóc, thu hoạch đàn con cá song hiệu quả
Ông Dương Trần Trung Kiên khuyến cáo, bà con cần thăm ao hằng ngày, chú ý quan sát tình trạng sức khỏe của cá và chất lượng nước trong ao để khi có hiện tượng bất thường xảy ra thì có thể xử lý kịp thời.
Khi thấy nước ao bẩn, người nuôi cần nhanh chóng thay nước. Nước mới đưa vào ao phải được lắng lọc và xử lý cẩn thận để ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập từ bên ngoài. Trong quá trình nuôi cá cần định kỳ thay nước ít nhất 2 tuần/lần, thay khoảng 20 - 30 % lượng nước ao.
Thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, khi có sự thay đổi thời tiết đột ngột hoặc trước những cơn mưa to cần bón xung quanh bờ ao và hòa vôi vào nước tạt đều khắp ao để ổn định pH ao nuôi. Khi hàm lượng oxy giảm thấp (< 4 mg/l), đặc biệt là vào ban đêm cần tích cực chạy quạt.
Cần cho cá ăn đầy đủ, thức ăn cho cá phải đảm bảo chất lượng. Thức ăn thừa cần được vớt khỏi ao để tránh ô nhiễm. Người nuôi cần theo dõi quá trình sinh trưởng và phát triển của cá để điều chỉnh lượng thức ăn và chọn loại thức ăn với kích cỡ phù hợp.
Định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý nước và nền đáy ao vì thức ăn thừa, chất thải của cá…sẽ dần tích tụ ở đáy ao trong quá trình nuôi sinh ra khí độc.
Vào mùa dịch bệnh (thường là thời điểm giao mùa tháng 7 - 8 và tháng 10 - 11), để phòng bệnh cần định kỳ bổ sung vitamin C, khoáng chất, men tiêu hóa vào thức ăn nhằm tăng sức đề kháng của đàn cá nuôi.
Thời gian nuôi từ 12-15 tháng, con cá song đạt kích cỡ 800-1.200 g/con là có thể tiến hành thu hoạch. Trước khi thu hoạch từ 3-5 ngày, cần kéo lưới để cá quen dần với thao tác khi thu hoạch. Trước khi thu hoạch cần cho cá nhịn đói ít nhất 1 ngày để giảm chất bài tiết và giảm stress trong quá trình vận chuyển.
Sau khi thu hoạch, cá được vận chuyển sống trong thùng, bể chuyên dụng. Trong khi vận chuyển cần hạ thấp nhiệt độ xuống khoảng 22 - 24 độ C, có thể sử dụng đá lạnh và cho vào túi nilon kín rồi thả vào bể vận chuyển để độ mặn trong bể không bị thay đổi làm cá sốc. Cần sục khí mạnh đảm bảo đủ oxy trong suốt quá trình vận chuyển cá.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.