Tự nguyện ra khỏi danh sách hộ nghèo, bà con nông dân xã vùng cao của tỉnh Sơn La nói gì?

Văn Ngọc Thứ tư, ngày 26/01/2022 18:45 PM (GMT+7)
Trong các đợt đánh giá tiêu chí hộ nghèo, những năm gần đây, nhiều hộ dân xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu (Sơn La) tự nguyện xin rút khỏi danh sách hộ nghèo. Điều đó cho thấy, nhận thức của người dân đã được nâng lên, không còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước, nỗ lực vươn lên, xóa đói, giảm nghèo.
Bình luận 0

Clip: Nhiều hộ nông dân ở vùng cao Phổng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La tự nguyện ra khỏi danh sách hộ nghèo

Người dân tự nguyện xin ra khỏi danh dách hộ nghèo

Là xã miền núi còn nhiều khó khăn của Huyện Thuận Châu (Sơn La) nhưng ở xã Phổng Lái những ngày này có nhiều hộ gia đình tự nguyện làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo.

Gặp chúng tôi sau khi tự nguyện nộp lá đơn xin ra thoát nghèo, chị Lò Thị Lượng ở bản Mường Chiên 1, xã Phổng Lái, chia sẻ: Gia đình thuộc diện hộ nghèo đã nhiều năm nay. Thế nhưng, chị thấy sức khỏe mình vẫn còn tốt, còn lao động được nên quyết định làm đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo của xã.

Nhiều hộ dân ở vùng cao Sơn La tự nguyện ra khỏi hộ nghèo - Ảnh 2.

Hộ chị Lò Thị Lượng ở bản Mường Chiên 1, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo.

Trong phát triển kinh tế, nguồn thu nhập của gia đình chị Lượng chủ yếu từ 2.600 m2 trồng chè, cà phê. Gia đình chị luôn nỗ lực, cố gắng trong lao động sản xuất để thoát khỏi đói nghèo; ngoài ra chị còn đi hái chè thuê để có thêm nguồn thu nhập, cải thiện đời sống.

Nhờ vậy, mỗi năm gia đình chị Lượng có thu nhập gần 60 triệu đồng, cuộc sống ngày càng khấm khá hơn.

 "Xã cũng đã đạt chuẩn Nông thôn mới, bản cũng lên Nông thôn mới rồi và tôi thấy nhiều chị em ở bản khác còn nghèo hơn mình nên tôi đã xin ra khỏi hộ nghèo. Xin ra khỏi hộ nghèo đã tạo động lực để giúp gia đình tôi phát triển kinh tế cũng như dạy bảo con cái cố gắng học tập để sau này phát triển hơn nữa và trong tương lai tôi sẽ mua thêm các con giống để về nuôi để phát triển kinh tế gia đình ngày càng ổn định..., chị Lượng nói.

Theo chị Lượng, phải cố gắng thoát nghèo, cố gắng phát triển kinh tế ổn định cuộc sống của gia đình để làm tấm gương cho con cái. Chứ mãi trông chờ vào chính sách hỗ trợ của nhà nước thì chẳng bao giờ cuộc sống hết được khó khăn...

Nhiều hộ dân ở vùng cao Sơn La tự nguyện ra khỏi hộ nghèo - Ảnh 3.

Chị Lò Thị Lượng ở bản Mường Chiên 1, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La đang thu hái diện tích chè của gia đình. Ảnh: Gia Hưng

Tương tự, năm 2017, gia đình anh Thào A Tỉnh ở bản Cổng Chặp, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu được bản bình xét vào hộ nghèo. Nhiều hộ dân trong bản đã biết phát huy thế mạnh của địa phương như trồng chè, cà phê, trồng cây sa nhân, chăn nuôi...để phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo và làm giàu.

Trong đợt bình xét hộ nghèo cuối năm qua, anh Tỉnh đã là hộ đầu tiên viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo của xã Phổng Lái. Ra khỏi danh sách hộ nghèo, anh Tỉnh xem đó là động lực để vươn lên.

Hiện nay, với sự nỗ lực trong lao động sản xuất, gia đình anh Tỉnh đã có nguồn thu nhập ổn định từ 80-90 triệu đồng/năm.

Nhiều hộ dân ở vùng cao Sơn La tự nguyện ra khỏi hộ nghèo - Ảnh 4.

Tuy cuộc sống còn không ít khó khăn nhưng anh Thào A Tỉnh vẫn tình nguyện xin thoát nghèo bởi bản thân còn trẻ, đủ sức khỏe để lao động sản xuất. Ảnh: Gia Hưng

Anh Tỉnh, chia sẻ: Là hộ nghèo cũng được Nhà nước hỗ trợ nhưng tôi xin ra thoát nghèo vì tôi còn trẻ, có sức khỏe lao động, sản xuất để từng bước vươn lên .

Từ khi thoát nghèo gia đình tôi đã chăm chỉ trồng cà phê, chăn nuôi bò, có điều kiện chăm lo con cái học hành chu đáo.

Nhiều hộ dân ở vùng cao Sơn La tự nguyện ra khỏi hộ nghèo - Ảnh 5.

Anh Thào A Tỉnh ở bản Cổng Chặp, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La chăm sóc vườn cà phê của gia đình: Ảnh: Gia Hưng

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Báu, Bí thư Đảng ủy xã Phổng Lái, cho biết: Để giúp các hộ nghèo có nguồn thu nhập, cải thiện đời sống vươn lên thoát nghèo, Đảng ủy xã đã tìm hiểu rõ nguyên nhân dẫn đến đói, nghèo của từng hộ. Từ đó, có phương án hỗ trợ phù hợp và hiệu quả; chính bản thân mỗi hộ dân phải luôn cố gắng, nỗ lực trong phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Không để dân tái nghèo

Ngoài việc khơi dậy ý chí để người dân tự thoát nghèo, những năm gần đây, xã Phổng Lái còn quyết tâm không để các hộ dân này tái nghèo bằng cách hỗ trợ cho họ con giống hay cây giống để làm tư liệu sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.

Nhiều hộ dân ở vùng cao Sơn La tự nguyện ra khỏi hộ nghèo - Ảnh 6.

Người dân xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La luôn cố gắng, nỗ lực trong phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Gia Hưng

Chia sẻ về vấn đề hỗ trợ phương thức cũng như tư liệu sản xuất để người dân thoát nghèo, có cuộc sống ổn định, ông Nguyễn Văn Báu, Bí thư Đảng ủy xã Phổng Lái, cho biết thêm: Đảng bộ xã đã xây dựng Nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế, đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. 

Trong Nghị quyết này, xã chú trọng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, chuyển trồng cây lương thực trên đất dốc sang trồng cây ăn quả; áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo điều kiện để người dân được tiếp cận với các nguồn vốn phát triển kinh tế.

Nhiều hộ dân ở vùng cao Sơn La tự nguyện ra khỏi hộ nghèo - Ảnh 7.

Nhờ nhiều chính sách hỗ trợ người dân, tỉ lệ hộ nghèo của xã xã Phổng Lái giảm theo từng năm. Ảnh: Gia Hưng

Về Phổng Lái những ngày này sẽ thấy công tác giảm nghèo tại đây không chỉ nâng cao đời sống vật chất cho người nghèo mà con thay đổi nhận thức của họ. 

Những tấm gương tự nguyện làm đơn ra khỏi họ nghèo sẽ là động lực cho những hộ nghèo khác lỗ lực vươn lên. Tâm lý trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước đang dần được xóa bỏ, nhiều mô hình kinh tế giảm nghèo bền vững đã và đang được nhân rộng. Xã Phổng Lái phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 2%.

Nhiều hộ từ nghèo đói giờ có cuộc sống ổn định với những mô hình sản xuất kinh tế tốt, cho hiệu quả cao, thậm chí có hộ còn vươn lên mức khá giả. 

Với những giải pháp cụ thể, thiết thực của chính quyền địa phương, đặc biệt là sự thay đổi về nhận thức của mỗi người dân, chủ động, tích cực tự mình vươn lên phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo đã góp phần nâng cao đời sống người dân, thực hiện hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem