Từ thương vụ MobiFone-AVG: Cổ phần hóa sẽ giúp tránh thất thoát vốn NN

Hoàng Nhật Thứ sáu, ngày 16/03/2018 06:00 AM (GMT+7)
Từ số tiền thất thoát trong thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG và việc trì hoãn cổ phần hóa của MobiFone trong nhiều năm, ông Nguyễn Hoàng Hải – Phó chủ tịch VAFI cho rằng, cách duy nhất để không xảy ra những thương vụ gây mất vốn Nhà nước là tiến hành cổ phần hóa, đưa các DNNN niêm yết trên sàn chứng khoán.
Bình luận 0

img

Ngày 14.3, Thanh tra Chính phủ đã công bố Kết luận thanh tra toàn diện Dự án Tổng công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu.

Trong kết luận, Thanh tra Chính phủ cho biết, Mobifone đã để xảy ra nhiều khuyết điểm, vi phạm trong việc: đề xuất đầu tư, đánh giá thực trạng tài chính, kinh doanh của AVG; lựa chọn các đơn vị tư vấn thẩm định giá trị doanh nghiệp AVG, tư vấn mua bán, sáp nhập doanh nghiệp; nghiệm thu, sử dụng kết quả thẩm định giá trị AVG làm căn cứ đàm phán giá mua cổ phần; lập dự án đầu tư, trình Bộ TTTT phê duyệt dự án đầu tư; ký kết thỏa thuận và hợp đồng chuyển nhượng cổ phần; thanh toán các chi phí liên quan đến dự án.

Những vi phạm, làm trái quy định, thiếu trách nhiệm nêu trên của Mobifone, nguy cơ hiện hữu thiệt hại nghiêm trọng vốn của Nhà nước tại Mobifone khoảng 7.006 tỷ đồng, trong đó thiệt hại do mua nợ phải trả của AVG 1.134 tỷ đồng; việc thực hiện đầu tư dự án đã trực tiếp ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh viễn thông, làm sụt giảm lớn hiệu quả kinh doanh ngay từ năm 2016 và nhiều năm tiếp theo, trong đó lợi nhuận hoạt động tài chính năm 2016 đã giảm so với năm 2015 là 321,7 tỷ đồng; số lỗ lũy kế đến 31.12.2017 là 1.982,7 tỷ đồng; đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến việc cổ phần hóa Mobifone.

Nhìn lại quá trình diễn ra sự việc từ thời điểm bắt đầu cho tới lúc kết thúc, ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư Tài chính (VAFI) cho rằng, nguyên nhân dẫn tới việc MobiFone và AVG cùng đồng ý hủy hợp đồng chuyển nhượng cổ phần đã ký đầu năm 2016, ông Hải cho rằng: “Đây là một tin vui vì hơn 7.000 tỷ đồng là tài sản của Nhà nước không bị thất thoát”.

img

Ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư Tài chính (VAFI)

Theo ông Hải, thương vụ mua bán giữa MobiFone và AVG vốn không minh bạch. Phía VAFI lúc đó cũng có văn bản gửi tới các cơ quan báo chí, nêu rõ quan điểm phải công khai thương vụ mua bán này.

“AVG do một công ty 100% vốn tư nhân điều hành quản lý, chứng tỏ các ngành nghề kinh doanh của AVG không ảnh hưởng an ninh, bí mật quốc gia. Còn Mobifone là Doanh nghiệp nhà nước, không phải doanh nghiệp gia đình hay doanh nghiệp tư nhân, mọi hoạt động của Mobifone cần phải đảm bảo tính minh bạch công khai và chịu sư giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước và của xã hội…

Người đại diện MobiFone lúc đó đã vi phạm chế độ công bố thông tin của doanh nghiệp Nhà nước theo Điều 23 Nghị định 81/2015/NĐ-CP  qui định về xử lý vi phạm trong công bố thông tin.

Song bản thân MobiFone lúc đó cũng là một doanh nghiệp thiếu minh bạch khi không công bố báo cáo tài chính năm 2015 và các năm trước đó cũng không được công khai. Ngoài ra, cũng không có báo cáo chế độ tiền lương, tiền thưởng của doanh nghiệp, báo cáo kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư của năm 2016…

Vậy nên, việc MobiFone không công khai thương vụ mua 95% cổ phần AVG, lấy lý do đó là tài liệu mật chỉ là một cách bưng bít thông tin. Pháp luật hiện hành đã phân định rõ những ngành nghề quan trọng, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, an ninh kinh tế như sau: Chỉ có doanh nghiệp trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được kinh doanh những ngành nghề liên quan đến bí mật, an ninh chính trị quốc gia; Doanh nghiệp nhà nước 100% vốn điều lệ hay nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối với những ngành kinh doanh quan trọng và có điều kiện;

Nếu mua bán đàng hoàng thì chuyện công khai thông tin là bình thường. Hiện tại, nhiều thương vụ mua bán, sáp nhập được tổ chức rất bài bản, mời nhiều cơ quan báo chí tham dự để quảng bá cho doanh nghiệp mới sáp nhập nhưng ở đây họ lại tìm nhiều cách để lẩn tránh thì rõ ràng là không minh bạch”, ông Nguyễn Hoàng Hải phân tích.

Trả lời câu hỏi của phóng viên: “Việc này có gây thất thoát nguồn vốn nhà nước MobiFone sử dụng để mua cổ phần AVG?”

Ông Hải cho biết, không chỉ thương vụ MobiFone-AVG, có một vấn đề là MobiFone đã có kế hoạch cổ phần hóa từ năm 2004, nhưng thuê tư vấn, định giá xong rồi bỏ đấy, mọi việc gác lại. Đó là một sự lãng phí lớn.

Nếu MobiFone có thể cổ phần hóa, niêm yết trên sàn chứng khoán cách đây 2 năm, hiệu quả quản trị doanh nghiệp tăng lên rất nhiều. Lúc đó, lợi nhuận của MobiFone sẽ tăng lên nhiều, Nhà nước cũng sẽ thu về rất nhiều tiền từ cổ phần hóa và nhận được cổ tức về sau.Song 2 năm vừa qua, MobiFone bị vướng chân ở thương vụ mua 95% cổ phần AVG, trong khi công tác quản trị doanh nghiệp không có nhiều thay đổi.

Trước thông tin MobiFone sắp được chuyển về dưới sự quản lý của Ủy ban quản lý vốn Nhà nước ở doanh nghiệp, ông Hải cho biết: “Việc về Ủy ban quản lý vốn Nhà nước ở doanh nghiệp cũng không tạo ra phép màu cho MobiFone. Về đó mà không chịu cải cách, tiến hành cổ phần hóa, niêm yết thì tình hình vẫn sẽ như vậy. Vấn đề là khi cổ phần Nhà nước còn chiếm tỷ trọng quá lớn, công tác quản trị doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng”.

Từ đây, ông Hải tiếp tục bày tỏ quan điểm: “Quan điểm của tôi là Nhà nước cần có quy định, chủ chương cấm đầu tư ngoài ngành, cấm mua bán, sáp nhập. Trừ trường hợp đặc biệt, có sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ và phải công khai, minh bạch.

Chỉ có một con đường là cổ phần hóa, niêm yết trên sàn chứng khoán. Trong quá khứ, nhiều doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước khi đầu tư, kinh doanh ngoài ngành đã thua lỗ, thất bại”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem