Bài học gì sau thương vụ sai phạm ngàn tỷ Mobifone mua AVG?

Thanh Xuân (thực hiện) Chủ nhật, ngày 03/06/2018 14:51 PM (GMT+7)
Trao đổi với Dân Việt sau khi Ủy Ban kiểm tra T.Ư đưa ra kết luận về thương vụ Tổng công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của AVG, chuyên gia kinh tế TS. Ngô Trí Long cho biết: Kết luận của Ủy Ban kiểm tra T.Ư lần này đã tạo lòng tin cho các đảng viên và quần chúng nhân dân, thể hiện sự quyết tâm trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng.
Bình luận 0

img

Thương vụ Mobifone – AVG là bài học xương máu cho các nhà quản lý (Ảnh: IT)

Thưa ông, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có kết luận, vi phạm của nguyên Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn trong vụ AVG là rất nghiêm trọng, ông có nhận định gì sau những kết luận này?

- Qua kết luận của Ủy Ban kiểm tra T.Ư lần này cho thấy đã tạo lòng tin cho các đảng viên và quần chúng nhân dân, thể hiện sự quyết tâm trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng. Qua đó cũng cho thấy, sự quyết liệt của Đảng, không có hiện tượng đánh trống bỏ dùi, không có vùng cấm, xử lý triệt để những vụ việc đã đưa ra.

Với vụ việc này, bên Đảng xử lý về mặt Đảng, bên Chính quyền sẽ xử lý về mặt chính quyền. Sau khi có kết luận của Ủy Ban kiểm tra T.Ư, thông thường là các cá nhân vi phạm sẽ phải tự làm kiểm điểm, tự nhận hình thức xử lý và trình lên cấp trên, sau đó cấp trên xem xét mà thấy không hợp lý thì sẽ vẫn đưa ra mức xử lý cuối cùng theo ý kiến của cấp trên và yêu cầu các cá nhân vi phạm phải chấp hành. Từ những vấn đề vi phạm nghiêm trọng, các cơ quan chức năng có thể chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra. Nếu cơ quan điều tra thấy có dấu hiệu hình sự thì sẽ xử lý về mặt hình sự.

Trước đó, việc Thanh tra Chính phủ công bố kết luận Dự án Tổng công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của AVG, theo ông có phải là quá chậm hay không?

- Thực ra, thông tin vụ việc này đã có từ cách đây 2 năm nhưng bây giờ mới có kết luận được công bố thì chắc chắn là sẽ có nhiều người đặt câu hỏi tại sao lại chậm như thế. Tuy nhiên, theo tôi có được kết luận thanh tra như vậy cũng cần phải động viên vị Tổng Thanh tra Chính phủ mới, vì sau khi có chỉ đạo trực tiếp của Tổng Bí thư, người đứng đầu Thanh tra Chính phủ cũng đã nỗ lực để sớm đưa ra được kết luận này.

Thực tế, trước đó cũng đã có thông tin đưa ra “Dự thảo” kết luận của Thanh tra Chính phủ nhưng còn nhiều ý kiến khác nhau và trong đó có cả ý kiến không đồng tình với Dự thảo kết luận đó. Do đó,  những nỗ lực để có được kết luận nhanh, chính xác như chỉ đạo của Ban Bí thư vào thời điểm này cũng cần tuyên dương Thanh tra Chính phủ, đặc biệt là ông Tổng Thanh tra Chính phủ mới đã quyết liệt hơn. Còn trước đó, cả một thời gian dài Thanh tra Chính phủ cũng không đưa ra được kết luận là cách làm chậm trễ, thiếu khách quan, chưa công tâm khiến cho người dân có nhiều dấu hỏi cần phải đặt ra.

img

Ông Ngô Trí Long cho rằng, qua vụ việc này người dân cũng cảm thấy phấn khởi khi Đảng ta quyết tâm chống tham nhũng mà người đứng đầu là Tổng Bí thư đã thực hiện đúng khẩu hiệu “không có vùng cấm” (Ảnh: IT)

Trước khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ chỉ một vài ngày, các bên đã họp lại để thanh lý hợp đồng của thương vụ này, ông có đánh giá gì về hành động này?

"Đằng sau vụ việc này có thể thấy rõ lợi ích nhóm, lợi ích của bản thân một số cá nhân đã làm hao tổn lợi ích của Nhà nước và đó là tiền thuế, tiền từ mồ hôi nước mắt của người dân. Khoản tiền hơn 7.000 tỷ đồng là vô cùng lớn, chưa kể khoản tiền đó nếu không bị thất thoát mà đầu tư vào chỗ khác thì đến nay có thể còn sinh lời thêm nhiều nữa", TS. Ngô Trí Long nói.

- Trước hết, tôi cho rằng đây là một thương vụ mà phải xem xét cả một quá trình lâu dài, thậm chí cần phải xem xét lại cả những cán bộ tham gia vào thanh tra, điều tra chứ không chỉ phía vi phạm.  

Với kết luận của Thanh tra Chính phủ chỉ ra rất nhiều vấn đề nghiêm trọng, gây thất thóat số tiền lớn cho ngân sách Nhà nước, theo ông vấn đề lớn nhất ở thương vụ này là gì?

- Vấn đề lớn nhất có thể nói là động cơ trục lợi, vụ lợi cá nhân, vì quyền lợi của mình để sẵn sàng chà đạp, loại bỏ tất cả lợi ích của quốc gia. Một nhóm lợi ích đã bất chấp luật lệ biểu hiện như: thực hiện thương vụ không phù hợp với luật đấu thầu; báo cáo không trung thực, chỉ nghe nước ngoài mua 700 triệu USD không xem lại, chưa làm hết vai trò... Có biểu hiện vụ lợi, tham nhũng, thu vén lợi ích cá nhân, từ đó gây thiệt hại lớn cho nhà nước. Thực tế, trong đàm phán kinh tế chẳng ai giao dịch lại chỉ nghe từ đối tác, đó là sự ngụy biện để che giấu hành vi xấu, hành vi tội lỗi của bản thân.

Thông qua vụ việc này, theo ông chúng ta rút ra được bài học gì?

- Đây là bài học xương máu cho các nhà quản lý, nhất là trong bối cảnh đất nước còn nghèo, ngân sách luôn thâm hụt. Tất nhiên, người dân cũng cảm thấy phấn khởi khi Đảng ta quyết tâm chống tham nhũng mà người đứng đầu là Tổng Bí thư đã thực hiện đúng khẩu hiệu “không có vùng cấm”.  

Thực tế cho thấy, nền kinh tế của chúng ta bị kìm hãm phát triển trong thời gian vừa qua là do tham nhũng. Tuy nhiên, người đứng đầu của Đảng đã tháo dần nút thắt này bằng hành động, tư duy quyết liệt và lấy lại lòng tin của người dân. Qua vụ việc này tôi cho rằng chúng ta cũng cần phải xem xét lại việc lựa chọn cán bộ trong vị trí công tác quan trọng của nhà nước. Khi bố trí, sắp xếp cán bộ, ngoài năng lực cần xét đến cả phẩm chất đạo đức.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem