Tư vấn: Sau khi tiêm bao lâu sẽ miễn dịch sởi?

Thứ tư, ngày 23/04/2014 14:38 PM (GMT+7)
Vaccin sởi tiêm hai mũi khi trẻ 9 tháng tuổi và nhắc lại vào lúc 18 tháng tuổi. Sau 10 ngày tiêm sẽ có miễn dịch.
Bình luận 0
Hỏi:

Con em 15 tháng tuổi nhưng chưa tiêm sởi mũi nào, bây giờ đang có dịch thì có nên tiêm hay không? Vì có nhiều người lại nói không nên tiêm vào lúc này mà chờ hết dịch. Nếu tiêm thì nên tiêm mũi 3 trong 1 (sởi-quai bị-rubella) hay sởi đơn. Và bao lâu thì tiêm nhắc lại mũi hai? Cách phòng tránh sởi thế nào?

TT (t4-love…@yahoo.com)

Con em 23 tháng tuổi đã tiêm ngừa đủ 2 mũi vaccine phòng sởi. Bây giờ bệnh sởi đang nhiều, vậy em có nên tiêm thêm vaccine sởi cho con nữa không?

Thanh Bình (hoangthanh…@gmail.com)

img

Trả lời:

Vaccin sởi đơn là vaccin nằm trong chương trình Tiêm chủng mở rộng, tiêm miễn phí cho trẻ từ hai tuổi trở xuống. Còn vaccin 3 trong 1 (phòng sởi- quai bị- rubella) là vaccin dịch vụ, cha mẹ trẻ phải trả tiền, với giá khoảng 150.000 đồng/mũi. Tất cả các loại vaccin này đều theo tiêu chuẩn quốc tế.

Vắc xin sởi được đánh giá là an toàn. Các phản ứng sau tiêm thường nhẹ, có thể biểu hiện như với các vắc xin khác: sốt (5-15%), phát ban (5%), sưng, nóng, đỏ đau tại chỗ tiêm… Hầu hết những tác dụng phụ sẽ hết trong khoảng từ 1-2 ngày mà không cần điều trị gì. Việt Nam đã sử dụng khoảng 50 triệu liều vaccin sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng mà chưa ghi nhận trường hợp nào bị tai biến.

Sau khi tiêm 10-15 ngày, trẻ sẽ có miễn dịch đối với bệnh sởi. Do đó, chị nên đưa cháu đi tiêm phòng ngay chứ không nên đợi dịch sởi qua. Vì rất có thể, con chị sẽ tiếp xúc với nguồn bệnh và rất dễ lây. Hiện các tỉnh đang tổ chức tiêm vét vaccin sởi cho trẻ, chị nên đến các trạm y tế xã, phường để liên hệ, biết thêm thông tin.

Trẻ tiêm đủ 2 mũi vaccin sởi thì sẽ có miễn dịch suốt đời. Do vậy, nếu con chị đã tiêm đủ 2 mũi thì không nên tiêm nữa. Tuy nhiên, vaccin không bảo vệ 100% trẻ được tiêm mà có khoảng 5% trẻ đã tiêm đủ 2 mũi mà vẫn bị bệnh sởi. Việc đáp ứng miễn dịch còn tuỳ thuộc vào tuổi tiêm vaccin, loại vaccin và tuỳ thuộc đặc điểm miễn dịch, tình trạng sức khoẻ của từng trẻ.

TS Nguyễn Trần Hiển (Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư)

Tính đến ngày 16/4, theo thống kê, cả nước đã có hơn 7.000 ca mắc sởi. 111 trẻ em qua đời do sởi trong khoảng thời gian chỉ vỏn vẹn 3 tháng. Số lượng người lớn phải vào viện cấp cứu do những biến chứng của sởi cũng đang tăng vọt. Dịch bệnh nguy hiểm này ngày càng lan tràn và có diễn biến vô cùng phức tạp.

Nhằm giúp độc giả có những kiến thức cơ bản để phòng và chữa bệnh, Dân Việt mở chuyên đề "Tư vấn ứng phó với dịch sởi". Những thắc mắc của độc giả về bệnh sởi sẽ được giải đáp nhanh, chính xác và đầy đủ qua sự giúp đỡ của các chuyên gia y tế.

Các câu hỏi xin gửi về địa chỉ mailloisongsuckhoe@gmail.com.


Diệu Linh (Diệu Linh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem