Từ vụ cà phê bị nhuộm đen bằng lõi pin: Pin đã qua sử dụng đi đâu?

Danh Hùng Thứ tư, ngày 18/04/2018 16:15 PM (GMT+7)
Gần đây vụ việc một cơ sở sản xuất cà phê sử dụng lõi pin Con Ó làm tạp chất trộn lẫn với cà phê gây xôn xao dư luận, lúc này nhiều người mới “ớ” ra với hàng loạt câu hỏi: Pin đã qua sử dụng sẽ đi đâu, về đâu? Ai là người quản lý?
Bình luận 0

Hầu hết vào thùng rác

Nhiều người trong chúng ta vẫn cho rằng những cục pin sử dụng trong các thiết bị điện tử chỉ là vật dụng nhỏ bé vô hại. Thông thường, khi pin không còn giá trị sử dụng, chúng ta có thói quen vứt bừa bãi hoặc bỏ chúng vào thùng rác gia đình như các loại rác thải khác, để rồi người ta sẽ xử lý chúng bằng hai phương pháp: chôn lấp hoặc đốt.

img

Hầu hết pin đã qua sử dụng đều bị ném vào thùng rác một cách không thương tiếc. Ảnh: IT

Các viên pin thường có các kim loại nặng như chì, thủy ngân, kẽm, cadmium, lithium… Nếu chỉ được chôn lấp, các kim loại nặng này thấm vào đất và nguồn nước ngầm, gây ra ô nhiễm nguồn nước.

Hoặc khi đốt, các thành phần nguy hại trong pin sẽ bốc lên thành khói độc, hay chất độc còn đọng lại trong tro sẽ gây ô nhiễm không khí.

Ở Anh có một chiến dịch mang tên Bring Back Heavy Metal (tạm dịch: Tái chế pin cũ) nhằm khuyến khích người tiêu dùng không vứt pin cũ mà mang đến những điểm thu gom để tái chế. Các nhà bán lẻ lớn hiện nay như Asda, B&Q, Currys PC World, Marks & Spencer và Morrisons đều tham gia chiến dịch và sẽ hỗ trợ khách hàng bằng cách cung cấp những điểm thu gom pin tại các cửa hàng bán lẻ.

“Những tấm bảng nhắc nhở vui và ấn tượng sẽ xuất hiện trong các cửa hàng giúp nâng cao ý thức cho người tiêu dùng về tầm quan trọng của tái chế pin cũ”-ông Trewin Restorick, Giám đốc điều hành kiêm đồng sáng lập tổ chức từ thiện vì môi trường Hubbub, chia sẻ.

img

Pin cũ đang được nhiều quốc gia coi như "mỏ vàng" để khai thác các kim loại. Ảnh: IT

Trước đó, một cuộc khảo sát được thực hiện đối với 3.055 người tiêu dùng Anh cho thấy, 52% thường vứt pin cũ như rác thải thông thường mà không biết rằng pin được làm từ kim loại nặng, có thể tái sử dụng và chúng có thể gây hại tới môi trường nếu không được xử lý đúng cách.

Ngoài ra, cứ 10 người có con nhỏ dưới 5 tuổi thì 4 người thừa nhận rằng họ thường để pin bừa bãi trong nhà. Việc này được xem là rất nguy hiểm do trẻ em hoặc vật nuôi có thể tử vong nếu nuốt phải pin.

Hiện tại, pin cũ thường được vận chuyển đến Phần Lan, Đức và Pháp để tái chế. Trong tương lai gần, nước Anh sẽ có nhà máy tái chế pin cũ đầu tiên có khả năng tái chế lên đến 20.000 tấn pin mỗi năm, đáp ứng nhu cầu xử lý tất cả số pin cũ hiện tại của xứ sở Sương mù.

Việt Nam chúng ta cũng đã có các nghị định và quyết định của Chính phủ về việc hướng dẫn quản lý, thu hồi, xử lý chất thải và phế liệu trong đó có pin và ắc quy đã qua sử dụng.

Tuy nhiên, có lẽ do thiếu truyền thông và hướng dẫn, phần lớn người dân chưa có ý thức phân loại rác thải độc hại và pin tại nguồn.

Hầu hết các cơ quan xử lý rác và chất thải ở Việt Nam cũng không có hướng dẫn hay truyền thông đến người dân cách phân loại, bảo quản, vận chuyển và xử lý các sản phẩm pin và ắc quy sau khi sử dụng cũng như không chỉ rõ nơi thu gom và xử lý các rác thải độc hại này.

Đối với các nước phát triển, các nhà chức năng có quy định rất nghiêm ngặt về việc dán nhãn ghi rõ thành phần cấu tạo nên pin và ắc quy cũng như như cách phân loại, bảo quản, thu gom và tái chế sau khi sử dụng.

Tuy nhiên, các nhà máy sản xuất pin ở Việt Nam hiện chưa thực hiện tốt việc này. Đây cũng là một điểm còn khiếm khuyết trong công tác quản lý và sản xuất loại sản phẩm này.

Làm gì với pin đã qua sử dụng?

Trong khi chờ các cơ quan chức năng có hành động cụ thể trong việc hướng dẫn phân loại, bảo quản, vận chuyển và xử lý các sản phẩm pin và ắc quy đã qua sử dụng, có lẽ chúng ta cần thực tự mình tìm lấy giải pháp tạm thời:

Kiếm một chiếc lọ thủy tinh sạch, bỏ các thỏi pin đã qua sử dụng vào lọ để đảm bảo chúng không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, lưu ý để lọ xa tầm với của trẻ em.

Mỗi năm một lần, bạn hãy trực tiếp chuyển pin trong lọ cho công nhân thu gom rác thải sinh hoạt và thông báo rằng chúng là pin đã qua sử dụng để họ có cách xử lý theo đúng quy định.

img

Phân loại rác là cách để kiểm soát lượng chất thải nguy hiểm tuồn ra môi trường. Ảnh: IT

Đối với những bình ắc quy đã qua sử dụng, hãy tìm chỗ khô ráo, sạch sẽ và xa tầm tay trẻ em để bảo quản tạm thời, rồi ngay lập tức chuyển chúng trực tiếp kèm theo thông báo cho các công nhân thu gom rác thải sinh hoạt.

Nếu ở Hà Nội hoặc TP. Hồ Chí Minh, bạn có thể trực tiếp chuyển pin và ắc quy đã qua sử dụng đến các địa điểm hoặc tổ chức có chương trình thu gom loại rác thải này.

Lượng thủy ngân có trong một cục pin cũng có thể làm ô nhiễm 500 lít nước hoặc 1m3 đất trong vòng 50 năm... Khi con người hấp thụ qua đường ăn uống hoặc hít thở, các độc tố phát tán từ pin có thể gây hại não, thận, hệ thống sinh sản và tim mạch.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem