Xét xử vụ AIC: Luật sư nói bị cáo đang bỏ trốn sẽ về chấp hành án?

Gia Bình Thứ hai, ngày 26/12/2022 20:10 PM (GMT+7)
Bào chữa cho Đỗ Mỹ Hạnh, Giám đốc Công ty Cát Vân Sa, luật sư nói thân chủ của mình có nguyện vọng “quay về chấp hành bản án” và mong hưởng khoan hồng của pháp luật.
Bình luận 0

Ngày 26/12, TAND TP.Hà Nội tiếp tục phần tranh luận trong phiên tòa xét xử vụ án Công ty AIC gian lận đấu thầu gây thiệt hại 152 tỷ đồng tại Bệnh viện tỉnh Đồng Nai.

Vụ án có 36 bị cáo nhưng Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch AIC cùng 7 người khác bị xác định "bỏ trốn", chịu xét xử vắng mặt và tòa án chỉ định luật sư bào chữa cho họ.

Xét xử vụ AIC: Luật sư nói bị cáo đang bỏ trốn sẽ về chấp hành án? - Ảnh 1.

Phiên xử vụ AIC gian lận đấu thầu tại Đồng Nai được xét xử ở Hà Nội.

Bào chữa cho Đỗ Mỹ Hạnh, Chủ tịch Công ty Cát Vân Sa, cho biết thân chủ của mình đã gửi "tâm thư" tới Hội đồng xét xử, thêm rằng bà Hạnh "sẽ quay về chấp hành bản án và mong được hưởng sự khoan hồng của pháp luật".

Trong vụ án, bà Hạnh bị cáo buộc làm "quân xanh" đi đấu thầu, giúp Nguyễn Thị Thanh Nhàn trúng 16 gói thầu cung cấp thiết bị tại Đồng Nai. Đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố đề nghị phạt bà Hạnh từ 6 – 7 năm tù,

Luật sư của bà Hạnh cho rằng, trong "quy trình 70 bước" để gian lận thầu, bà Hạnh chỉ là: "Tiểu tiết khi ký báo giá giúp Công ty AIC và tại thời điểm ký các báo giá; bị cáo không biết báo giá được sử dụng vào mục đích gì".

Người bào chữa nêu quan điểm, bị cáo Hạnh có vai trò giúp sức nhưng chỉ là vai trò thứ yếu bởi có Công ty Cát Vân Sa hoặc bị cáo Hạnh hay không, việc gian lận thầu vẫn diễn ra vì mọi thứ đã được lập trình sẵn trong quy trình 70 bước. Do vậy, luật sư đề nghị tòa cho bị cáo Hạnh được hưởng khoan hồng.

Bào chữa cho Ngô Thế Vinh, Giám đốc Công ty Việt Tiên, luật sư cho hay thân chủ của mình có quốc tịch Mỹ và Việt Nam và người này có "thời gian đã quay về Việt Nam hợp tác với cơ quan điều tra để cung cấp tài liệu liên quan vụ án".

Theo luật sư, ông Vinh phải quay lại Mỹ vào tháng 8/2022 để điều trị bệnh nhưng khi đó người này ủy quyền hợp lệ cho Phó giám đốc Công ty Việt Tiên làm việc với cơ quan chức năng. Vị này cũng nộp 500 triệu đồng để khắc phục hậu quả.

Luật sư trình bày: "Có căn cứ xác định bị cáo không bỏ trốn và sẵn sàng hợp tác với các cơ quan có thẩm quyền. Bị cáo Vinh mong muốn được gỡ bỏ lệnh truy nã, được hưởng khoan hồng đặc biệt, miễn hình phạt. Ông Vinh hứa sẽ khắc phục toàn bộ hậu quả dù đại diện Công ty AIC cho biết sẽ đền bù toàn bộ thiệt hại".

Theo cáo trạng, Nguyễn Thị Thanh Nhàn là người thành lập và điều hành hoạt động Công ty AIC – doanh nghiệp đa ngành, hoạt động trong các lĩnh vực như y tế, môi trường, cung cấp thiết bị.

Năm 2007, trước khi UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt Dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện Đồng Nai, bà Nhàn tiếp cận các lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành để "giới thiệu Công ty AIC", xin tham gia các dự án của tỉnh.

Do vậy, khi dự án Bệnh viện Đồng Nai đấu thầu, Công ty AIC đã trúng thầu dù dùng các báo giá nâng không lến từ 1,3 - 2 lần so với thực tế. Tổng cộng, nhóm doanh nghiệp của AIC trúng 16/19 gói thầu thiết bị y tế với tổng giá trị 665 tỷ đồng.

Theo Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự, việc AIC nâng giá và trúng thầu đã gây thiệt hại tổng cộng hơn 152 tỷ đồng.

Cũng theo cơ quan truy tố, để được tạo điều kiện trúng các gói thầu thiết bị y tế tại Bệnh viện Đồng Nai, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã chi tiền hối lộ cho các bị cáo Trần Đình Thành; Đinh Quốc Thái, cựu Chủ tịch UBND tỉnh; Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai tổng số 43,8 tỷ đồng. Số tiền này đã được thu hồi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem