Từ vụ giáo viên đánh học sinh ở Bắc Giang: Giáo viên phải tự biết cách kiềm chế

Đỗ Văn Nhân (Kon Tum) Thứ ba, ngày 04/05/2021 08:53 AM (GMT+7)
Vừa qua, mạng xã hội lan truyền đoạn clip ghi lại cảnh một thầy giáo tại Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) bắt học sinh lên bục giảng rồi liên tục tát, đá, lăng mạ nhiều học sinh trước cả lớp, khiến nhiều người bức xúc.
Bình luận 0

Theo lãnh đạo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Lục Ngạn, người đánh các học sinh được xác định là ông Khúc Xuân H. (SN 1997), giáo viên tại trung tâm.

Đây là hành vi rất phản cảm trong môi trường giáo dục, dù thầy giáo có biện minh cho hành vi của mình với lý do gì đi chăng nữa nhưng việc sử dụng hành vi bạo lực và lời lẽ thô tục để giáo dục học sinh là không thể chấp nhận được. 

Hành vi này phải được lên án và có hình thức xử lý nghiêm theo quy định.

Thực tế thời gian qua, tình trạng giáo viên đánh học sinh vẫn thường xuyên xảy ra, gây bức xúc trong dư luận; phụ huynh thì lên tiếng phản đối kịch liệt, yêu cầu nhà trường phải có hình thức xử lý thích đáng; không cho giáo viên đánh học sinh tiếp tục dạy học và yêu cầu bố trí công tác khác. 

Nhiều giáo viên bị kỷ luật và buộc phải công khai xin lỗi hoặc có trường hợp giáo viên bị kỷ luật ra khỏi ngành vì đã có hành vi bạo lực đối với học sinh...

Thay-Giao-Danh-Hoc-S.jpg

Hình ảnh thầy giáo đánh học sinh tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên huyện Lục Ngạn. Ảnh cắt từ clip

Giáo viên đánh học sinh với nhiều lý do như các em học yếu, nghịch ngợm, không nghe lời... Ở góc độ nào đó cũng cần có sự thông cảm, chia sẻ với giáo viên, vì việc giáo dục, quản lý học sinh là rất khó khăn và áp lực. 

Mỗi người thầy khi đứng trên bục giảng đều mong học sinh của mình ngoan ngoãn, nghe lời, chú ý tiếp thu bài giảng,… Và đôi khi trong lớp xuất hiện một vài học sinh ngỗ nghịch, phá vỡ trật tự của lớp nên giáo viên phải có biện pháp để duy trì trật tự. 

Một giáo viên có kỹ năng sư phạm sẽ biết cách duy trì trật tự của lớp sao cho phù hợp, hiệu quả. 

Khi xảy ra tình trạng giáo viên xử phạt học sinh bằng những đòn roi và lời nói thô tục thì có thể khẳng định rằng giáo viên đó không có kỹ năng sư phạm và không biết tự trọng, tự kiềm chế bản thân mình.

Thời gian qua, tình trạng giáo viên sử dụng đòn roi và có lời nói thô tục đối với học sinh vẫn còn xảy ra, tuy là số ít nhưng nó vẫn tồn tại trong môi trường giáo dục nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu để khắc phục tình trạng này.

Học sinh cần phải được giáo dục bằng phương pháp mền dẻo, linh hoạt và có sự phối hợp chặt chẽ giữa giáo viên và phụ huynh. 

Sử dụng đòn roi và những lời lẽ thô tục để giáo dục học sinh là phản tác dụng, sẽ làm các em thêm căm gắt, thù hận và mất dần đi sự kính trọng đối với giáo viên.

Để không còn xảy ra tình trạng giáo viên sử dụng đòn roi và có lời nói thô tục đối với học sinh, trước hết mỗi giáo viên phải biết cách kiềm chế, tự tìm tòi biện pháp giáo dục tối ưu nhất, vừa nhẹ nhàng, vừa có tác dụng giáo dục mà không cần phải sử dụng đòn roi… 

Phải để môi trường giáo dục luôn là nơi thể hiện tình thầy trò một cách chân thành, kính trọng và thương yêu nhất; để các thế hệ học sinh được hình thành nhân cách đúng đắn; để khi các em trưởng thành luôn luôn lưu luyến, trân trọng tình cảm của thầy và trò khi xưa.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem