Từ vụ ông Trần Hùng: Tài liệu của phạm nhân cùng buồng giam khi nào được xem là chứng cứ?

Quang Trung Thứ năm, ngày 25/01/2024 12:14 PM (GMT+7)
Sau phiên tòa phúc thẩm vụ án liên quan ông Trần Hùng, chuyên gia pháp lý cho biết, chứng cứ phải là những thứ có thật, liên quan đến vụ án hình sự và được thu thập hợp pháp.
Bình luận 0

Ông Trần Hùng bị tuyên y án 9 năm tù

Tối 23/1, sau 2 ngày xét xử, TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên y án sơ thẩm 9 năm tù với bị cáo Trần Hùng, cựu Cục phó Cục Quản lý thị trường về tội nhận hối lộ.

Trong phiên tòa này, có một chi tiết đáng chú ý là luật sư và ông Trần Hùng có trình tòa bản viết tay của một phạm nhân cho rằng Nguyễn Duy Hải (người môi giới hối lộ 300 triệu đồng) đã nói muốn đưa tiền cho ông Hùng nhưng khi lên gặp, ông Hùng không cầm tiền, đuổi ra ngoài.

Từ vụ ông Trần Hùng: Tài liệu của phạm nhân cùng buồng giam khi nào được xem là chứng cứ?- Ảnh 1.

Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Trần Hùng kêu oan, nói không nhận hối lộ 300 triệu đồng. Ảnh: XH

Tuy nhiên, HĐXX cho rằng, văn bản do phạm nhân cùng buồng giam với Trần Hùng, thể hiện Nguyễn Duy Hải được công an dụ dỗ vu khống cho bị cáo Hùng là không có giá trị do không được xác nhận của cơ quan có thẩm quyền hoặc được thu thập đúng trình tự tố tụng. Do đó không được sử dụng làm nguồn chứng cứ.

Đây là một trong những căn cứ để HĐXX bác bỏ kháng cáo kêu oan, giữ nguyên mức án sơ thẩm 9 năm tù về tội nhận hối lộ đối với ông Trần Hùng.

Trước đó, trong phần luận tội, đại diện VKS cũng xác định đây không phải nguồn chứng cứ vì là bản khai của phạm nhân nhưng không có chứng nhận của trại giam và đề nghị HĐXX không xem xét văn bản này.

Chứng cứ được thu thập thế nào là hợp pháp?

Sau thông tin này, bạn đọc đặt câu hỏi, trong vụ án hình sự, tài liệu, đồ vật được thu thập thế nào mới được xem là nguồn chứng cứ hợp pháp?

Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, trong tố tụng hình sự, chứng cứ và chứng minh là những vấn đề rất quan trọng, quyết định đến việc giải quyết đúng đắn vụ án hình sự.

Xác định tài liệu, đồ vật nào là chứng cứ, có giá trị chứng minh và việc sử dụng chứng cứ, đánh giá chứng cứ như thế nào trong quá trình tranh tụng có thể quyết định đến việc giải quyết vụ án.

Điều 86 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.

Như vậy, có thể thấy chứng cứ phải là những thứ có thật, có liên quan đến vụ án hình sự và được thu thập theo trình tự thủ tục luật định. Chứng cứ có 3 thuộc tính là tính khách quan, tính liên quan và thu thập hợp pháp.

Nếu thiếu một trong các thuộc tính trên, tài liệu, đồ vật đó không được coi là chứng cứ. Chứng cứ dùng để chứng minh hành vi có tội (buộc tội), không có tội (gỡ tội) hoặc để chứng minh tính chất, mức độ hành vi, nhân thân và các tình tiết khác của vụ án hình sự.

Ngoài ra, theo ông Cường, Điều 87 Bộ luật Tố tụng hình sự cũng quy định, chứng cứ được thu thập, xác định từ các nguồn: Vật chứng, lời khai, lời trình bày, dữ liệu điện tử, kết luận giám định, định giá tài sản, biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác, các tài liệu, đồ vật khác.

Bên cạnh đó, khoản 2, Điều 87 Bộ luật Tố tụng hình sự còn quy định: Những gì có thật nhưng không được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định sẽ không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự.

Chính vì vậy, đối với các bị can, bị cáo, người đang chấp hành án, họ bị cách ly với đời sống xã hội, mọi thứ từ văn bản, ý kiến của họ chuyển ra bên ngoài phải có sự xét duyệt, xác nhận của cơ sở giam giữ.

Vì thế, những nội dung lời khai giấu diếm, lén lút của bị can, bị cáo, người đang phải chấp hành hình phạt tù mà không được cơ sở giam giữ xác nhận sẽ không được coi là chứng cứ, không được dùng để sử dụng làm căn cứ chứng minh trong vụ án hình sự.

Trong trường hợp các bị can, bị cáo, người bào chữa hoặc những người khác biết được bị can, bị cáo khác hoặc phạm nhân khác có những thông tin quan trọng có thể làm chứng cứ, là người làm chứng phải liên hệ với cơ sở giam giữ để được xác nhận, thu thập, sau đó có xác nhận của cơ sở giam giữ mới được coi là hợp lệ và có thể sử dụng.

Ngoài ra, vị chuyên gia cho biết, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự hiện nay, người bào chữa, bị cáo và những người khác đều có quyền thu thập chứng cứ, tài liệu, đồ vật và có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, tài liệu, đồ vật đó cho cơ quan tiến hành tố tụng.

Nếu trong giai đoạn xét xử, họ có thể cung cấp cho thẩm phán, cho tòa án hoặc tại phiên tòa phải giao nộp tại bàn thư ký để tòa án xem xét.

Trong phần tranh tụng các bên sẽ kiểm tra đánh giá chứng cứ và sử dụng chứng cứ để buộc tội hoặc gỡ tội theo chức năng của mình. Nếu tại phiên tòa xuất hiện các chứng cứ quan trọng mà chưa thể kiểm tra đánh giá được, tòa án có thể hoãn phiên tòa hoặc trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Tuy nhiên, trong trường hợp tại phiên tòa xuất hiện các tài liệu, đồ vật mới nhưng HĐXX đánh giá đó không phải là chứng cứ vì không khách quan, không liên quan hoặc không được thu thập hợp pháp, HĐXX có quyền không sử dụng để chứng minh trong vụ án đó.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem