Từ vụ tấn công trụ sở xã ở Đắk Lắk, các vụ khủng bố từng bị xử lý như thế nào?

Bách Thuận Thứ bảy, ngày 24/06/2023 19:00 PM (GMT+7)
Theo thông tin từ nhà chức trách, trước vụ việc khủng bố xảy ở Đắk Lắk, lịch sử tố tụng Việt Nam cũng từng xử lý những vụ án khủng bố.
Bình luận 0

Đặt trái nổ vào trụ sở Công an phường

Như Dân Việt đã đưa tin, liên quan vụ mất an ninh nghiêm trọng ở tỉnh Đắk Lắk, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk đã ra quyết định khởi tố vụ án "Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân, che giấu tội phạm, không tố giác tội phạm và tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép".

Các đơn vị liên quan đang khẩn trương điều tra, làm rõ hành vi, thủ đoạn của các đối tượng. Bộ Công an đánh giá, đây là vụ khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Trở lại các diễn biến trước đây, ở một số tỉnh, thành của Việt Nam cũng từng bị các đối tượng khủng bố thực hiện các hành vi phá hoại.

Cụ thể, năm 2018 đã xảy ra vụ khủng bố vào trụ sở Công an phường 12, quận Tân Bình, TPHCM khiến một cán bộ tiếp dân và một người khác bị thương, nhiều xe máy và tài sản khác hư hỏng.

Bộ Công an từng phát đi thông báo về các tổ chức khủng bố - Ảnh 1.

Một trong các đối tượng liên quan vụ khủng bố ở tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: CACC

Theo nhà chức trách, trong vụ án này Nguyễn Khanh (SN 1964, ngụ huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) là đối tượng cầm đầu, lãnh đạo tổ chức "Triều đại Việt" ở trong nước.

Khanh tham gia tổ chức Triều đại Việt do Ngô Văn Hoàng Hùng (68 tuổi, tức Ngô Hùng, ở Canada) thành lập năm 2017, được hứa phong chức Tỉnh trưởng tỉnh Đồng Nai. Ngô Hùng từng bị TAND TP.Mỹ Tho (Tiền Giang) tuyên án tử hình, sau giảm xuống chung thân về tội "Âm mưu lật đổ chính quyền" năm 1979.

Nhóm Hùng chủ trương tập hợp người Việt trong và ngoài nước sử dụng phương pháp bạo động, khủng bố, nhằm chống phá Nhà nước Việt Nam. Các thành viên tổ chức thường xuyên đăng tải video vu cáo lãnh đạo Đảng và Nhà nước, kêu gọi người dân bạo động, mua vật liệu nổ, chế tạo trái nổ ném vào các trụ sở cơ quan nhà nước, công an... đồng thời, chuẩn bị vũ khí, thành lập các căn cứ tại nhiều tỉnh thành nhằm lật đổ chế độ.

Nguyễn Khanh được Hùng gửi 315 triệu đồng, 1.600 CAD và 100 USD về làm chi phí chiêu dụ thêm thành viên. Khanh đã đặt Nguyễn Trung Trực mua 12 kg thuốc nổ, 45 kíp nổ rồi chuyển cho đồng bọn chế tạo 10 quả nổ điều khiển từ xa để thực hiện các hoạt động khủng bố, phá hoại.

Tối 19/6/2018, Khanh giao 2 trái nổ cho Võ Hoàng Nam, Dương Khắc Minh và hướng dẫn cách kích nổ. Trưa 20/6/2018, hai đối tượng này chở nhau đến trụ sở Công an phường 12 trên đường Trường Chinh, quận Tân Bình.

Bộ Công an từng phát đi thông báo về các tổ chức khủng bố - Ảnh 2.

Đối tượng Nguyễn Khanh. Ảnh: Lao động

Minh đứng chờ ở ngoài, Nam vào gặp nữ cán bộ công an phường vờ xin phiếu xác nhận hạnh kiểm cá nhân rồi để balô có một quả nổ lên ghế chờ tiếp dân. Hắn đi ra ngoài đặt hộp quà, đựng quả nổ còn lại tại khu vực để xe ngoài sân. Tiếp đó, Nam dùng điều khiển từ xa kích nổ hai quả bom, rồi lên xe Minh chở tẩu thoát về Đồng Nai. Vụ nổ khiến một cán bộ tiếp dân và một người khác bị thương, nhiều xe máy và tài sản khác hư hỏng.

Công an TP.HCM huy động lực lượng phối hợp Công an Đồng Nai bắt cha con Nguyễn Khanh. Lúc bị bao vây, Khanh đe dọa cho nổ bom nhưng bất thành. Cơ quan An ninh điều tra còn cho rằng, ngày 23/6/2018, sau khi chỉ đạo ném mìn trụ sở công an, Khanh tiếp tục giao cho Nguyễn Minh Tấn (quê Hậu Giang, thành viên trong tổ chức) 3 trái nổ để gây án tại Hậu Giang và Kiên Giang. Tuy nhiên, khi các đối tượng chưa thực hiện được thì bị bắt.

Ngày 22/9/2020, Tòa án nhân dân TP.HCM đã tuyên phạt Nguyễn Khanh mức án 24 năm tù về hai tội "Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân" và "Chế tạo, tàng trữ, mua bán trái phép vật liệu nổ". Các bị cáo khác lần lượt lĩnh mức án thích đáng cho hành vi của mình.

Bộ Công an từng phát đi thông báo về các tổ chức khủng bố - Ảnh 3.

Bộ Công an từng phát đi thông báo về các tổ chức khủng bố - Ảnh 4.

Hiện trường vụ khủng bố năm 2018 và tang vật. Ảnh: CACC

Ngoài ra, theo Bộ Công an, tháng 7/2018, nhóm đối tượng gồm Nguyễn Minh Tấn, Phạm Trần Phong Vũ, Võ Công Hải và Hứa Hoàng Anh, nhận 3 quả nổ tự tạo từ Nguyễn Khanh và tiến hành gây nổ tại cổng sau Công an tỉnh Hậu Giang nhưng không gây thiệt hại về người, tài sản.

Tháng 8/2018, Ngô Văn Hoàng Hùng chỉ đạo nhóm "Biệt đội bóng ma" tại Thái Lan do tên Nguyễn Văn Hùng cầm đầu, ý đồ cùng 6 đối tượng khác về Campuchia, sau đó xâm nhập về các tỉnh miền Đông Nam Bộ Việt Nam theo đường tiểu ngạch gây nổ, sát hại lực lượng chức năng và người dân vào dịp Lễ Quốc khánh 02/9/2018 nhưng đã bị ngăn chặn.

Tháng 9/2018, Ngô Văn Hoàng Hùng móc nối, chỉ đạo các đối tượng Trần Văn Đoan, Điểu A Nam, Điểu Lé lôi kéo 15 đối tượng khác tại Bình Phước tìm cách thành lập "chiến khu Tây Nguyên" để chế tạo, thử nghiệm thuốc nổ, cất giấu vũ khí nhưng đã bị lực lượng chức năng của Việt Nam kịp thời phát hiện, ngăn chặn.

Nhóm khủng bố ném bom xăng vào kho tạm giữ xe của Công an

Ngày 30/1/2018, Bộ Công an phát đi thông báo, tổ chức "Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời" là tổ chức khủng bố.

Tổ chức "Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời" tiền thân là tổ chức "Tân Dân Chủ". Trụ sở đặt tại 2807 Anaheim, CA 92814, Mỹ; trang web: chinhphuquocgia.com, cuutuchinhtri.org, phamvanlong.com, cpqgvnlt.com.

Đối tượng cầm đầu, chỉ huy là Đào Minh Quân (Đào Văn), sinh 27/7/1952 tại Thừa Thiên - Huế, quốc tịch Mỹ, trú tại Santa Ana, California, Mỹ, tự xưng "Thủ tướng" của "Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời"; Quách Thế Hùng, sinh 01/4/1948, trú tại 5386 Somerset St, Los Angeles, California 90032, Mỹ; Kelly Triệu (Triệu Thanh Hoa), sinh 1968, quốc tịch Mỹ; Phạm Lisa (Phạm Anh Đào), sinh 1979, trú tại 614 Progressive Way, Denmark, South California 29042, Mỹ. Tổ chức "Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời" do Đào Minh Quân (nguyên Trung úy Ngụy) cùng một số đối tượng ngụy quân, ngụy quyền thành lập năm 1991, tại Mỹ.

Bộ Công an từng phát đi thông báo về các tổ chức khủng bố - Ảnh 5.

Các đối tượng (Từ trái sang, từ trên xuống): Đào Minh Quân (Đào Văn); Quách Thế Hùng; Phạm Lisa (Phạm Anh Đào); Kelly Triệu (Triệu Thanh Hoa). Ảnh: Bộ Công an

Sau khi thành lập, Đào Minh Quân và số cầm đầu "Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời" đến các trại tỵ nạn người Việt ở Hồng Kông và các nước Đông Nam Á tuyển mộ lực lượng, đưa về Việt Nam theo đường hồi hương để tiến hành các hoạt động khủng bố, phá hoại.

Năm 2015, số cầm đầu "Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời" chỉ đạo cơ sở móc nối, lôi kéo phát triển lực lượng, thành lập các "chí nguyện đoàn" trong nước; khảo sát tìm địa điểm lập căn cứ, mua vũ khí nhằm thực hiện các hoạt động manh động, khủng bố, nhưng đã bị Cơ quan An ninh Việt Nam kịp thời phát hiện ngăn chặn, bắt, xử lý 4 đối tượng (Hà Ngọc Hân, Mai Xuân Nghĩa, Lương Tuấn Vinh, Nguyễn Văn Hội).

Riêng Mai Xuân Nghĩa lẩn trốn sang Lào, sau đó xâm nhập về nước cùng với Đào Quang Thực lên kế hoạch mua vũ khí tấn công khủng bố nhưng bị cơ quan chức năng Việt Nam phát hiện, bắt giữ.

Năm 2017, số cầm đầu "Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời" bên ngoài ráo riết phát triển lực lượng, thành lập các nhóm "Phượng Hoàng", "Mãng Xà", "Biệt động quân", "Đại Việt" nhằm khủng bố, phá hoại, ám sát cán bộ; chúng đã cử 02 thành viên là Phan Angel (Phan Thị Đào, sinh 1956, quốc tịch Mỹ) và Nguyen James Han (Nguyễn Thanh Hân, sinh 1967, quốc tịch Mỹ) về nước cung cấp tài chính và trực tiếp chỉ đạo hoạt động.

Theo sự chỉ đạo của số cầm đầu "Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời", các đối tượng trong nước đã thực hiện ném bom xăng gây cháy 320 chiếc xe tại Kho tạm giữ xe vi phạm giao thông của Công an TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai vào ngày 08/4/2017; đặt bom xăng tại nhà xe và cổng ga đến quốc tế sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất ngày 22/4/2017 và tiến hành khảo sát, lên kế hoạch gây cháy, nổ trụ sở các cơ quan công quyền và một số nhà máy, xí nghiệp nhưng đã bị cơ quan chức năng Việt Nam ngăn chặn.

Tháng 4/2017, cơ quan chức năng Việt Nam đã khởi tố, bắt tạm giam 15 đối tượng là thành viên của tổ chức "Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời" về tội "Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân" (Điều 84 BLHS Việt Nam năm 1999); tháng 12/2017, Tòa án nhân dân TP.HCM đã đưa vụ án trên ra xét xử và tuyên phạt các đối tượng từ 04 đến 16 năm tù.

Trước đó, căn cứ pháp luật Việt Nam và quốc tế, Bộ Công an cũng từng phát đi thông báo một số tổ chức đã và đang tiến hành hoạt động khủng bố như "Việt Tân", "Triều đại Việt".

Theo Luật phòng, chống khủng bố, khủng bố là một, một số hoặc tất cả hành vi sau đây của tổ chức, cá nhân nhằm chống chính quyền nhân dân, ép buộc chính quyền nhân dân, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế, gây khó khăn cho quan hệ quốc tế của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc gây ra tình trạng hoảng loạn trong công chúng.

Cụ thể:

a) Xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tự do thân thể hoặc đe dọa xâm phạm tính mạng, uy hiếp tinh thần của người khác;

b) Chiếm giữ, làm hư hại, phá hủy hoặc đe dọa phá hủy tài sản; tấn công, xâm hại, cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet, thiết bị số của cơ quan, tổ chức, cá nhân;

c) Hướng dẫn chế tạo, sản xuất, sử dụng hoặc chế tạo, sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán vũ khí, vật liệu nổ, chất phóng xạ, chất độc, chất cháy và các công cụ, phương tiện khác nhằm phục vụ cho việc thực hiện hành vi quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này;

d) Tuyên truyền, lôi kéo, xúi giục, cưỡng bức, thuê mướn hoặc tạo điều kiện, giúp sức cho việc thực hiện hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này;

đ) Thành lập, tham gia tổ chức, tuyển mộ, đào tạo, huấn luyện đối tượng nhằm thực hiện hành vi quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

e) Các hành vi khác được coi là khủng bố theo quy định của điều ước quốc tế về phòng, chống khủng bố mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem