Từ vụ triệt phá đường dây bán giống lúa giả VST-899 thu lợi bất chính 7,8 tỷ đồng, chuyên gia khuyến cáo gì?
Từ vụ triệt phá đường dây bán giống lúa giả VST-899 thu lợi bất chính 7,8 tỷ đồng, chuyên gia khuyến cáo gì?
Minh Ngọc
Thứ sáu, ngày 05/07/2024 15:06 PM (GMT+7)
Từ vụ Công an tỉnh Thái Bình triệt phá đường dây bán giống lúa giả VST-899, thu lợi bất chính 7,8 tỷ đồng, các chuyên gia khuyến cáo nông dân cần mua giống ở những cơ sở uy tín và được công nhận lưu hành. Đồng thời, đề nghị cơ quan quản lý thị trường cần "mạnh tay" xử lý các đối tượng bán giống giả trên mạng xã hội.
Chiều 4/7, Công an tỉnh Thái Bình thông tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố 3 vụ án hình sự, khởi tố 7 bị can về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, xảy ra trên không gian mạng.
7 bị can gồm: Nguyễn Văn Thịnh (SN 1987), Trần Thị Hương (SN 1987), Nguyễn Văn Đại (SN 1981), Nguyễn Thị Thu (SN 1988), Nguyễn Văn Dương (SN 1986), Nguyễn Tiến Lâm (SN 1988), Hà Thị Châm (SN 2000) cùng trú tại huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc.
Các đối tượng đã rao bán giống lúa VST-899 trên mạng xã hội. Tuy nhiên, tại Việt Nam, giống lúa này không có thật, 7 đối tượng đã thu lợi bất chính 7,8 tỷ đồng.
Trước đó, dư luận phản ánh việc đã mua phải giống lúa kém chất lượng mang nhãn mác VST-899 được rao bán trên mạng xã hội. Trước tình hình trên, Công an tỉnh Thái Bình chỉ đạo Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự xác minh, điều tra làm rõ.
Với thủ đoạn dùng thóc thu hoạch của gia đình và mua thêm các loại thóc giá rẻ sau đó tự đóng túi nylon loại 1kg, đặt in nhãn mác giống lúa VST-899 dán lên bao bì. Sau đó, các đối tượng lấy hình ảnh, video trên mạng sau đó chạy quảng cáo trên các trang mạng xã hội để tiếp cận nhiều người.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan công an đã xác định được 3 nhóm với 7 đối tượng trên cùng trú tại huyện Sông Lô (tỉnh Vĩnh Phúc) đã có hành vi gian dối.
Quá trình điều tra xác định, từ tháng 5/2023 đến nay, với hành vi tương tự, 3 nhóm đối tượng trên đã giao trên 23.000 đơn hàng đến người dân khắp cả nước, tương đương với số tiền chiếm đoạt khoảng 7,8 tỷ đồng.
Theo phản ánh, tại phường Tân Dân (TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương) nông dân cũng mua phải giống lúa "lạ", cho năng suất thấp, ngày 5/7, trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Tiến Tráng, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hải Dương cho biết, Chi cục đang cử cán bộ kiểm tra, rà soát toàn bộ diện tích lúa trên địa bàn tỉnh.
Từ vụ việc công an triệt phá đường dây bán giống lúa giả VST-899, ông Tráng cho rằng, nguyên nhân chính là do người dân "nhẹ dạ cả tin" từ lời mời chào "về giống lúa cho năng suất cao gấp 4 đến 5 lần các giống lúa bình thường" của những đối tượng kinh doanh trên mạng.
"Các đối tượng thường lợi dụng facebook để giới thiệu, quảng cáo về những giống lúa kém chất lượng, không được cho phép lưu hành. Sau đó, giống được ship đến tận nhà người mua, bởi vậy các cơ quan chức năng rất khó để quản lý, kiểm soát", ông Tráng nói.
Ông Tráng khuyến cáo bà còn cần mua giống tại những cơ sở uy tín. Riêng đối với giống lúa, bà con phải mua giống đã được Bộ NNPTNT công nhận cho phép sản xuất kinh doanh và Sở NNPTNT đưa vào cơ cấu giống và thời vụ gieo trồng của địa phương.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Trọng Khanh, Viện trưởng Viện Cây lượng thực và Cây thực phẩm (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) cho hay, thời gian qua trên các nền tảng mạng xã hội tình trạng buôn bán, kinh doanh giống cây trồng diễn ra sôi động nhưng cũng không ít bát nháo. Nhiều người đã phải ngậm "trái đắng" khi bỏ ra số tiền lớn nhưng sản phẩm nhận được chỉ là giống cây giả, kém chất lượng.
Theo thống kê của Trạm Khuyến nông huyện Tân Sơn (Phú Thọ), diện tích cấy giống lúa VST 899 trong huyện là 17,7ha, trong đó nhiều có xã Tân Sơn 23 mẫu, Lai Đồng 9,1 mẫu, Kiệt Sơn 5,9 mẫu… Đa số bà con mua giống trên mạng và một vài cửa hàng tại địa phương.
"Khi mua bán qua mạng xã hội, người mua hàng không thể trực tiếp kiểm tra xem giống cây trồng đó có nguồn gốc từ đâu, chất lượng ra sao, có đạt quy chuẩn, tiêu chuẩn không. Trong khi đó chỉ nghe các đối tượng quảng cáo từ các hình ảnh, clip cắt ghép rồi đăng tải lên mạng để lừa dối khách hàng", ông Khanh nói.
Theo ông Khanh, hiện nay, khi các đối tượng giao bán giống cây trồng là các loại hạt thì người mua rất khó nhận biết, chỉ khi nào đem về trồng, vài tháng sau không cho trái hoặc năng suất thấp thì mới phát hiện là đã bị lừa.
Để ngăn chặn tình trạng buôn bán giống cây trồng giả, kém chất lượng trên mạng xã hội, ông Khanh cho rằng, cơ quan quản lý thị trường cần vào cuộc "mạnh tay" hơn nữa. Đồng thời, khi mua giống, nông dân phải tìm đến những cơ sở cung ứng chất lượng, uy tín.
Trước đó, đầu tháng 6/2024, Cục Trồng trọt đã có văn bản đề nghị Sở NNPTNT các địa phương trên cả nước tăng cường thanh, kiểm tra sản xuất, buôn bán giống cây trồng nông nghiệp trên thị trường.
Văn bản nêu rõ, trong thời gian qua, một số tổ chức, cá nhân có hành vi sản xuất, buôn bán các giống cây trồng nông nghiệp khi chưa được phép sản xuất, buôn bán theo quy định của pháp luật, đặc biệt là các giống lúa, gây ảnh hưởng tới sản xuất.
Cục Trồng trọt đề nghị Sở NNPTNT các tỉnh, thành phố tập trung rà soát, thanh tra, kiểm tra những đơn vị sản xuất, buôn bán giống lúa nói riêng và các giống cây trồng nông nghiệp khác nói chung trên địa bàn, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm và báo cáo về Cục Trồng trọt.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.