Từ vụ việc người mẫu Ngọc Trinh bị bắt, tội làm giả tài liệu, giấy tờ sẽ có khung hình phạt ra sao?

Quang Minh Thứ sáu, ngày 20/10/2023 06:54 AM (GMT+7)
Theo luật sư, người làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và hậu quả của hành vi vi phạm pháp luật và từng trường hợp cụ thể mà có thể bị xử lý theo chế tài hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bình luận 0

Làm giả tài liệu, giấy tờ có thể bị phạt tù

Ngày 19/10, Công an TP.HCM cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh khám xét chỗ ở và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Trần Thị Ngọc Trinh (người mẫu Ngọc Trinh, SN 1989, ngụ TP.Thủ Đức) về hành vi gây rối trật tự công cộng.

Bên cạnh đó, công an khởi tố Trần Xuân Đông về tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Các quyết định đã được Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM phê chuẩn.

Luật sư Ma Văn Giang – Công ty luật TNHH Niềm tin công lý, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho hay, việc làm giả tài liệu, giấy tờ của cơ quan, tổ chức là hành vi xâm phạm đến hoạt động đúng đắn bình thường của các cơ quan Nhà nước, tổ chức trong hoạt động quản lý hành chính.

Hành vi làm giả tài liệu, giấy tờ của cơ quan, tổ chức được hiểu là hành vi viết, vẽ, in… các loại giấy tờ, tài liệu giả giống như các loại tài liệu, giấy tờ của cơ quan, tổ chức đang sử dụng để sử dụng vào những việc trái pháp luật.

Từ vụ việc người mẫu Ngọc Trinh bị bắt, tội làm giả tài liệu, giấy tờ sẽ có khung hình phạt ra sao? - Ảnh 1.

Người mẫu Ngọc Trinh bị Công an TP.HCM khởi tố, bắt giam. Ảnh: D.V.

Tuỳ thuộc vào mức độ nghiêm trọng và hậu quả của hành vi vi phạm pháp luật và từng trường hợp cụ thể mà người thực hiện hành vi vi phạm có thể bị xử lý theo chế tài hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.

Theo luật sư Giang, một số hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, có thể bị xử phạt hành chính là phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 40 triệu đồng. Mức phạt trên áp dụng đối với cá nhân vi phạm, đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP.

Ngoài ra, việc truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức theo quy định tại Điều 341 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. 

Theo đó, người nào có hành vi làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật thì sẽ bị xử lý về tội danh này và khung hình phạt thấp nhất là bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm theo quy định tại khoản 1 Điều 341 Bộ luật hình sự năm 2015.

Khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 3 năm đến 7 năm theo quy định tại khoản 3 Điều 341 Bộ luật hình sự. Người thực hiện hành vi phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng theo quy định tại khoản 4 Điều 341 Bộ luật hình sự.

Mức phạt nghiêm khắc đối với hành vi gây rối trật tự công cộng

Luật sư Giang cho biết, gây rối trật tự công cộng được hiểu là hành vi xâm phạm đến trật tự an ninh xã hội, cuộc sống sinh hoạt ổn định của cộng đồng, xâm phạm đến nguyên tắc an toàn nơi công cộng tại nơi có nhiều người qua lại, đồng thời xâm phạm đến sức khỏe, tài sản của những người xung quanh.

Hành vi này cũng làm ảnh hưởng đến việc thực hiện những đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước trong quá trình ổn định đời sống của người dân. Chủ thể của loại hình tội phạm này là người đủ 16 tuổi trở lên.

Tuỳ thuộc vào mức độ nghiêm trọng và hậu quả của hành vi vi phạm pháp luật và từng trường hợp cụ thể mà người thực hiện hành vi vi phạm có thể bị xử lý theo chế tài hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Từ vụ việc người mẫu Ngọc Trinh bị bắt, tội làm giả tài liệu, giấy tờ sẽ có khung hình phạt ra sao? - Ảnh 3.

Luật sư Ma Văn Giang – Công ty luật TNHH Niềm tin công lý, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.

Theo Điều 7 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình quy định về mức phạt vi phạm về trật tự công cộng thì mức phạt thấp nhất là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng;

Mức phạt cao nhất là phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng. Mức phạt trên áp dụng đối với cá nhân vi phạm, đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP.

Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức phạt bổ sung theo quy định tại khoản 13 Điều 7 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP và có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 14 Điều 7 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP.

Đối với tội danh này, người thực hiện hành vi phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng với khung hình phạt thấp nhất là phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm theo quy định tại khoản 1 Điều 318 Bộ luật hình sự 2015; khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 02 năm đến 07 năm theo quy định tại khoản 2 Điều 318 Bộ luật hình sự.

Ngoài ra, theo luật sư Giang, việc đăng tải, phát tán thông tin dưới dạng video chứa nội dung phản cảm, vi phạm pháp luật như hành động lái xe nguy hiểm, tư thế phản cảm, không mặc đồ bảo hộ, nằm, quỳ gối trên yên xe… gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự và an toàn xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức, lối sống và văn hóa ứng xử của giới trẻ.

Hành vi hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện cung cấp, chia sẻ đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung bị cấm sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP.

Người thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm theo quy định tại khoản 3 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem