Lạm dụng thuốc BVTV
Một báo cáo mới đây của Tổng cục Môi trường (Bộ TNMT) cho thấy, trung bình mỗi năm nước ta sử dụng từ 15.000 - 25.000 tấn thuốc BVTV. Đáng chú ý, nếu những năm 1960 chỉ có 0,48% diện tích đất canh tác sử dụng thuốc BVTV, thì đến nay gần 100% diện tích đất canh tác nông nghiệp đều có sử dụng thuốc BVTV, áp dụng cho tất cả các loại cây trồng.
|
Việc lạm dụng thuốc BVTV sẽ gây nhiều nguy cơ ngộ độc. (ảnh chụp tại xã Tây Tựu, huyện Từ Liêm, Hà Nội). |
Ước tính hiện có trên 1.000 chủng loại thuốc BVTV có độc tính cao đang được sử dụng trên đồng ruộng nước ta. Các hóa chất BVTV hiện nay có một số nhóm chính như phospho hữu cơ, chlor hữu cơ, carbamat, pyrethroid và một số chất khác như aldicarb, camphechlor… với hàng trăm tên thương mại và nguồn gốc xuất xứ khác nhau dẫn đến nhiều khó khăn trong việc sử dụng và quản lý.
Khảo sát của các cơ quan chức năng thuộc Bộ NNPTNT cho thấy, tại một số tỉnh, thành đã phát hiện các hóa chất Diazinon và Cypermethrin đang được sử dụng phổ biến trong các loại rau, đậu, kể cả thuốc BVTV đã bị cấm dùng như Monitor (Methamidophos) cũng vẫn thấy lượng tồn dư đáng kể trong rau quả.
Chính thuốc BVTV với lượng tồn dư quá cao trong rau quả là một trong những thủ phạm nhân gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm, gây nguy hại đến tính mạng người tiêu dùng. Triệu chứng ở người ngộ độc hóa chất thường biểu hiện như: Gây rối loạn thần kinh trung ương, mất ngủ, kém trí nhớ, mờ mắt, giảm thị lực, giảm thính lực, suy nhược cơ thể, có thể dẫn đến tử vong. Các hoá chất BVTV thường gây nhiễm độc qua đường hô hấp, qua đường tiêu hoá và qua da.
Phòng tránh ngộ độc không khó
Một trong những khuyến cáo quan trọng của Cục BVTV (Bộ NNPTNT) đối với bà con nông dân là phải sử dụng thuốc theo nguyên tắc "4 đúng" (đúng thuốc; đúng lúc; đúng nồng độ, liều lượng và đúng phương pháp). Bên cạnh đó, cần sử dụng theo đúng hướng dẫn về đối tượng phòng trừ, liều lượng, nồng độ (có dụng cụ đong, đo chính xác lượng thuốc, nước pha thuốc) và phải đảm bảo thời gian cách ly theo hướng dẫn của từng loại thuốc.
Một số chuyên gia BVTV cũng khuyến cáo, bà con khi sử dụng các loại thuốc BVTV cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc an toàn vệ sinh lao động như mặc bảo hộ lao động, đeo găng tay, đeo khẩu trang, đứng ở đầu gió khi phun thuốc…
Theo đánh giá của Cục BVTV, nguyên nhân gây ngộ độc mãn tính hóa chất BVTV thường do tiếp xúc hàng ngày như: Người sử dụng khi phun thuốc bị ngộ độc qua đường hô hấp, qua da, niêm mạc; Do ăn các loại rau củ quả vẫn còn dư lượng hóa chất BVTV chưa phân hủy hết; Sử dụng các nguồn nước bị nhiễm hóa chất BVTV...
Đặc biệt, khi thu hoạch rau quả cần phải chờ hết thời gian cách ly (là thời gian hoá chất BVTV còn tồn dư). Đối với người tiêu dùng, các chuyên gia cũng khuyến cáo: Khi lựa chọn rau quả nên chọn rau quả còn tươi, nguyên vẹn, không bị trầy xước, có hình dạng bình thường, màu sắc tự nhiên, giòn chắc, cầm nặng tay. Rau quả không bị héo úa, giập nát, hoặc dính các chất lạ hoặc mùi vị lạ.
Tránh mua các loại rau quả gọt vỏ và cắt sẵn, ngâm nước ở ngoài chợ vì có thể nước ngâm không đảm bảo vệ sinh hoặc có hoà lẫn hoá chất độc hại để giữ vẻ trắng, giòn của rau tươi.
Đối với rau quả, phải ngâm ngập trong nước sạch 15 - 20 phút, rửa nhiều lần (ít nhất 3 - 4 lần) trong chậu nước đầy để loại bỏ tồn dư thuốc BVTV còn đọng trên rau quả.
Nguyễn Văn
Vui lòng nhập nội dung bình luận.