Dù sinh sống ở xa nhưng trước đây khi bố mẹ còn sống năm nào cứ đến những ngày giáp Tết,
ông Đinh Lương Giáo (Hoàn Lão, Bố Trạch) không quên làm một mâm cơm vượt chặng
đường hơn 100km lên quê nhà ở xã Xuân Hoá (Minh Hoá) để dâng lên bậc sinh
thành. Bây giờ bố mẹ ông đã về với tổ tiên ông bà, thì đến lượt những đứa con của
ông Giáo, dù đều lấy chồng xa cũng không bao giờ quên mâm cơm này đối với ông.
Ông Giáo bảo, đó là một tâp tục đẹp của người dân Minh Hoá.
Anh Đinh Xuân Phòng ở Quy Đạt, huyện Minh Hoá xới cơm cho bố trong bữa cơm “giỗ sống”.
Ông Đinh Thanh Dự, một người chuyên nghiên cứu văn hoá ở huyện
Minh Hoá nói: “Đã thành lệ, đã là người dân Minh Hoá thì dù người giàu hay người
nghèo, mỗi dịp cuối năm đều phải tự tay làm một bữa cơm bưng đến nhà bố mẹ để tỏ
lòng hiếu thảo. Dù ông bà, cha mẹ không đòi hỏi, nhưng bổn phận con cái khi đã
có cửa nhà riêng, đã làm chủ được cuộc sống thì không thể bỏ qua lệ này. Nếu
không lo nổi bữa cơm tươm tất theo tục “giỗ sống” thì cả làng sẽ chê cười, năm
mới lộc tài sẽ chẳng ghé nhà”.
Nói về tục “giỗ sống”, ông Đinh Xuân Niên, một bậc cao
niên ở thị trấn Quy Đạt, giải thích: “Bất
kể nam hay nữ, khi đã có gia đình phải tuân thủ luật tục này một cách tự giác.
Gần đến cuối năm, anh em sẽ họp lại ở nhà con trai trưởng để bàn chuyện bưng
cơm cho cha mẹ, ông bà. Mọi người sẽ bàn để các món ăn và ngày bưng cơm không
trùng nhau, tổ chức làm sao để cha mẹ được vui lòng.
Một phụ nữ Minh Hoá chuẩn bị mâm cỗ chuẩn bị gánh đến nhà cha mẹ.
Mâm cơm không nhất thiết
phải cầu kỳ, nhưng thường là những món mà ông bà, cha mẹ yêu thích hằng ngày.
Khi mâm cơm được dâng lên, con cháu lần lượt sẽ nói với ông bà cha mẹ những lời
sám hối nếu như trong năm qua mình phạm phải điều gì làm bậc sinh thành buồn
lòng. Rồi cả nhà cùng dùng chung bữa cơm thân mật để cầu mong năm mới gia đình
đầm ấm, nương rẫy tốt tươi”.
Không biết bữa cơm hiếu nghĩa có từ bao giờ. Theo ông Đinh
Thanh Dự, ngày xưa, ở vùng rừng núi Minh Hóa dân cư thưa thớt, nghèo nàn. Có một
người lên rừng đặt bẫy đơm thú được con lợn lòi to. Anh đem về chọn những miếng
thịt ngon nhất dâng mẹ già ăn với cơm thổi từ lúa rẫy mới.
Năm sau vào gần dịp
Tết Nguyên đán, nhớ lại bữa cơm đầm ấm năm qua, mẹ già bệnh nặng buột miệng thở
dài: “Giá mà được ăn một bữa ngon như năm trước thì có nhắm mắt cũng thỏa
lòng!”. Vợ anh nghe được đem chuyện kể lại cho chồng. Hai vợ chồng anh thương mẹ,
bèn lấy thóc giống còn lại đem giã gạo thổi cơm.
Anh chồng đi câu cá ngoài suối
xa, còn con gà rừng cuối cùng đang đẻ cũng thịt luôn nấu cho mẹ ăn. Lạ thay, mẹ
anh dần dần khỏi bệnh và mạnh khỏe trở lại. Năm sau đó, cây lúa trên rẫy lại tốt
tươi, mẹ anh lại vui vẻ bên đàn cháu!
Dân làng nói, nhờ có người con hiếu thảo như anh nên được trời
đất phù hộ cho dân bản được mùa. Tục ấy từ đó truyền lại đến ngày nay.
Phan Phương (Trang Trại Việt) (Phan Phương (Trang Trại Việt))
Vui lòng nhập nội dung bình luận.