Tuổi thơ của Đại tướng Lê Đức Anh

Theo Vietnamnet Thứ ba, ngày 15/12/2015 10:33 AM (GMT+7)
Đại tướng Lê Đức Anh: "Tôi tuổi đã cao nên quên nhiều... Nhưng quê hương với những kỷ niệm thời thơ ấu và những ngày tham gia cách mạng, đi theo Đảng vẫn in đậm trong trí nhớ...".
Bình luận 0

Sáng nay (15.12.2015) tại Hà Nội diễn ra lễ tiếp nhận tập Hồi ký "Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng" của Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng bộ Quốc phòng tặng cho hệ thống thư viện trong Quân đội.

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc trích đoạn Chương 1 cuốn "Hồi ký - Tuổi thơ và những ngày đầu tham gia cách mạng" của Đại tướng Lê Đức Anh:

Tôi sinh ngày 1/12/1920 trong một ngôi nhà tranh tại gia đình ông bà nuôi ba tôi ở làng Trường Hà, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Quê gốc của tôi ở xứ Truồi, làng Bàn Môn, xã Lộc An, huyện Phú Lộc. Tên ba má đặt là Lê Văn Giác.

Năm đầu tiên đi học, mắt kém, lại tên là Giác, vần G thì phải ngồi ở phía sau nên thầy giáo nói với ba má tôi đổi tên sang vần A để được lên phía trên, nhìn bảng cho rõ hơn. Ba má tôi nhất trí với thầy đổi tên Giác thành tên Anh. Và tôi mang tên Lê Đức Anh.

Gia đình tôi mấy đời làm ruộng. Ông nội tôi là Lê Thảng, sinh ngày 6/11/1861, mất ngày 11/5/1939. Ông là một sĩ phu từng tham gia phong trào Cần Vương chống Pháp. Bà nội là Cung Thị Quyến, ngày tháng năm sinh gia đình không nhớ, chỉ nhớ là bà mất ngày 18/9. Ông bà sinh được 6 người con (2 trai, 4 gái). Ba tôi là con trai cả, tên khai sinh là Lê Quang Túy, sinh ngày 25/11/1885, dân làng thường gọi là "Thầy khó Túy". Ba tôi mất ngày 23/6/1969. Khi đó tôi đang cùng Bộ Tư lệnh Quân khu 9 chỉ huy đánh địch trên chiến trường miền Tây Nam Bộ.

img

Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Quân giải phóng miền Nam Lê Đức Anh tại Bộ Tư lệnh miền - khu căn cứ Tà Thiết, năm 1966. (Ảnh trong cuốn Hồi ký).

Má tôi là Lê Thị Thoa, sinh năm 1886, mất ngày 16/11/1967. Khi đó tôi đang cùng Bộ Chỉ huy Miền khẩn trương chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết mậu Thân 1968.

Ông bà nội, ông bà ngoại và ba má tôi đều ở xứ Truồi, làng Bàn Môn, xã Lộc An, huyện Phú Lộc. Phú Lộc là huyện cửa ngõ phía nam tỉnh Thừa Thiên - Huế, cách thành phố Huế 39km.

Bà cô của ba tôi là Lê Thị Kiêm lấy chồng ở làng Trường Hà, xã Vĩnh Phú, huyện Phú Vang. Chồng bà là ông Lý Quang Cản làm thầy thuốc và dạy chữ Nho. Ông bà sống hiền lành, chân chất nhưng không có con. Theo sự sắp xếp của gia đình, ba tôi sang làm con nuôi của ông bà. Ông bà nuôi truyền nghề làm thuốc Đông y cho ba tôi và cho ba tôi học chữ Nho rồi cưới vợ cho.

Ba má tôi sinh được 13 người con, 4 người chết lúc nhỏ, còn 9 người. Anh chị em chúng tôi đều sinh ra ở làng Trường Hà, huyện Phú Vang.

Trường Hà là một làng quê nghèo bên phá Tam Giang. Ruộng canh tác rất ít, đất pha cát rất khó cấy trồng và trồng cây gì cũng phải khổ công chăm bón. Ngày trước, người dân quê tôi thường xuyên phải chịu cảnh làm ruộng nhờ trời. Mùa màng thất bát liên miên. Đa số các gia đình trong làng quanh năm thiếu ăn, nên người dân phải đi các nơi làm thuê kiếm sống. Người dân đi làm cật lực từ lúc gà gáy sáng đến tối mịt mới về, vậy mà tiền công chỉ được một hào mỗi người; trong khi đó còn phải nộp thuế thân, mỗi suất đinh là một đồng mỗi năm.

Thực dân Pháp coi chế độ thuế thân là nguồn thu quan trọng. Thuế điền thổ cũng là gánh nặng đối với nông dân. Ai không có tiền nộp thì bọn hương kiểm, trương tuần bắt ra đình làng, lấy cây đóng nẹp dưới nền đất và cột hai chân vào đó. Người nhà phải mang khoai sắn ra nuôi, rồi chạy cầm cố ruộng nương, vườn tược để lấy tiền đóng sưu nộp thuế.

Thừa cơ, bọn địa chủ lợi dụng lúc người dân khó khăn xùy tiền, xùy thóc cho vay nặng lãi. Nhà thiếu sưu thuế, có người đau ốm phải đến vay để thuốc thang, chạy chữa. Vay đến hạn không trả nổi thì địa chủ xiết ruông đất, nhà cửa và cho người ăn vạ, đì nợ. Khi nào gia đình trả hết nợ, chúng mới ra khỏi nhà. Quê hương xơ xác, tiêu điều, người dân lương thiện sống lam lũ, khổ nhục, đói, ốm đau, sợ hãi quanh năm suốt tháng.

Bộ máy cai trị ở quê tuy ít nhưng quản lý người dân rất chặt. Nhà nào, người nào làm gì, đi đâu hưởng kiểm đều biết hết. Người dân sống nghèo đói nên thường xuyên ốm đau, bệnh tật mà không có thuốc chữa. Những trận dịch đầu mùa, rồi dịch thổ tả như những cơn gió độc đã quét đi hàng loạt mạng sống của người dân. Một trận dịch đậu mùa đã khiến tôi bị hỏng một bên mắt trái, đôi chân yếu không đi lại được.

Tôi tự luyện tập kiên trì cũng phải mất một năm trời. Nạn đói kém, ốm đau, bệnh tật, cộng với sự bóc lột hà khắc của chế độ thực dân, phong kiến đã đẩy người dân quê tôi đến bước khốn cùng. Tôi đã nghe nhiều cụ già than thở: Cơ sự thế này thì rồi dân làng mình cũng chết mòn chết mỏi hết thôi!

Sự nghèo đói cũng đi liền với thất học. Hầu hết người dân quê tôi không biết chữ, một vài người được gọi là có học thì cũng chỉ học được một ít chữ Nho, biết đọc, biết viết chữ Quốc ngữ, và biết mấy phép tính cộng, trừ, nhân chia. Muốn học lên tiếp thì phải đi xa nhà, nhưng cũng chỉ được đi học một vài năm khi còn nhỏ tuổi, lớn lên một chút là phải đi làm để kiếm sống.

Nhà tôi, ông và ba tôi có thêm nghề thầy thuốc, phần lớn là chữa bệnh cứu người, làm phúc, song cuộc sống cũng đỡ cơ cực hơn. Tuy nhiên gia đình đông con nên ba má tôi phải tần tảo, bươn chải, vừa làm ruộng, vừa làm thuốc, vừa đi làm thuê kiếm sống.

Làm lụng vất vả, ăn uống kham khổ, khoai sắn là chính nhưng ba má tôi vẫn chăm lo cho các con học hành. Tôi được ba má cho là sáng dạ nên ưu tiên cho đi học từ nhỏ.

img

Đại tướng Lê Đức Anh và phu nhân cùng các con, cháu tại nhà riêng ở TP.HCM năm 2008. (Ảnh trong cuốn Hồi ký).

Lên 5 tuổi, tôi học chữ Nho tại nhà. Từ 6 tuổi đến 10 tuổi, tôi học chữ Quốc ngữ ở làng Dưỡng Mong và trường An Lương Đông, huyện Phú Lộc. Trường xa nhà, nên buổi sáng đi học tôi thường nhịn đói. Ngày ấy, những đứa học trò nhà quê như chúng tôi không có giày dép, đi đâu cũng chân trần. Trên chặng đường tới trường ở Dưỡng Mong phải qua một trảng cát, những ngày trời nắng, cát bỏng như rang, chúng tôi phải lấy những bẹ nang của cây tre, rồi dùng dây bẹ chuối cột dưới bàn chân để đi qua trảng cát cho đỡ bỏng chân.

Năm tôi 11 tuổi, ba má cho tôi ra thành Vinh (Nghệ An) để chị gái Lê Thị Hiệp (tức Nở) và anh rể nuôi ăn học.

Anh rể tôi là Trần Quát, cũng người làng Trường Hà, Phú Vang, làm nghề dạy học ở thành Vinh. Người xứ Nghệ cũng nghèo, bữa ăn chỉ khoai, sắn, tương, cà, thường có canh chua và một món rất phổ biến, hầu như nhà nào cũng có, đó là xơ mít muối với dọc mùng, dân xứ Nghệ gọi là món "nhút".

Tôi ở với anh chị, hằng ngày ăn cơm độn khoai, sắn với canh chua và món "nhút" cổ truyền ấy. Dân thành Vinh hồi đó sống trong không khí trầm lặng bao trùm, suốt ngày cặm cụi làm ăn. Thực ra đây là kết quả của sự đàn áp, kìm kẹp của chính quyền thực dân Pháp.

Sau khi cao trào cách mạng 1930-1931 mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ - Tĩnh bị thực dân Pháp dìm trong "biển máu", phong trào cách mạng ở Nghệ - Tĩnh những năm sau đó gặp muôn vàn khó khăn. Cuộc khủng bố, tàn sát những năm 1930, 1931 để lại nỗi uất hận, buồn đau cho người dân nơi đây. Phú Vang quê tôi cũng nghèo khó, nhưng thỉnh thoảng còn có chút văn nghệ, người dân vừa làm nương vừa hát đôi câu hò xứ Huế để vơi bớt nhọc nhằn. Còn ở Nghệ An thì không khí thật buồn.

Thời gian đầu, nhớ nhà, nhớ quê... tôi định bỏ về, vì anh tôi lương cũng có bao nhiêu, nay lại phải nuôi thêm tôi ăn học và gửi tiền nuôi em ăn học ở Huế. Anh chị nhủ tôi:

- Nhiều no, ít đủ, em cố gắng nán lại học thêm chút đỉnh.

- Anh chị xem có việc gì để em làm thêm, giúp anh chị?

- Em cứ tập trung học cho tốt, về quê không có điều kiện để học đâu - Anh chị tôi lại động viên.

Người xứ Nghệ hiếu học, cùng học với tôi có nhiều bạn giỏi và rất thương nhau.

Học trò tiểu học phải học toàn bằng tiếng Pháp. Những ngày sống ở thành Vinh, một hình ảnh đã ăn sâu trong ký ức của tôi là dân ta nghèo khổ quá, đói triền miên.

(Trích Hồi ký "Đại tướng Lê Đức Anh - Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng").

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem