Tướng Giáp - Yêu tha thiết điệu hò khoan quê hương

Thứ ba, ngày 23/08/2011 13:17 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trong tâm khảm của những người dân Quảng Bình, mỗi lần họ đón Đại tướng không đơn thuần chỉ là đón một vị lãnh đạo mà bao giờ cũng là đón tiếp một người con của quê hương đi xa về thăm quê.
Bình luận 0

Quyện hòa trong tiếng hò khoan

Trong ký ức của ông Võ Đại Hàm vẫn còn vẹn nguyên những kỷ niệm và tình cảm mà Đại tướng dành cho quê hương trong những lần về thăm nhà.

Ông Hàm kể: Mỗi lần về thăm quê, Đại tướng thường cho dừng xe ở xa cổng nhà rồi đi bộ vào thôn để nắm tay, ôm hôn bà con xóm làng. Lúc còn khỏe, ít khi Đại tướng ở nhà khách mà ở ngay căn nhà gỗ của gia đình, rồi mời bạn đồng niên, bà con hàng xóm tới hàn huyên tâm sự.

img
Người dân làng An Xá đón Đại tướng về thăm quê năm 2004.

Những người bạn của Đại tướng nay không còn ai, nhưng trong ký ức dân làng, An Xá vẫn còn nguyên hình ảnh mỗi lần Đại tướng về thăm quê là đối đãi với bạn rất ân nghĩa; trọng bạn, thương bạn và nhớ rõ gia cảnh từng người.

Lúc nào cũng vậy, Đại tướng đều dành thời gian để nói chuyện với dân làng An Xá, trăn trở cùng bà con về cách làm ăn để thoát nghèo, vui cùng niềm vui được mùa với bà con nông dân, lo cùng cái lo của người miền quê chân lấm tay bùn...

Cũng như bao người con xứ Lệ xa quê, Đại tướng luôn nhớ và yêu tha thiết điệu hò khoan quê hương. Biết Đại tướng rất thích nghe hò khoan nên mỗi lần Đại tướng về thăm quê, huyện Lệ Thủy đều tổ chức các buổi văn nghệ quần chúng để đón tiếp.

Ông Hoàng Đại Hữu – nguyên Giám đốc Nhà văn hóa huyện Lệ Thủy, người được giao trọng trách tổ chức các buổi văn nghệ, nhớ lại: “Bà con ngồi quây quần bên Đại tướng ở trên sân nhà. Các làn điệu hò khoan quê hương bắt đầu cất lên. Mọi người cùng lắng nghe những giai điệu ngọt ngào, uyển chuyển, linh hoạt của giai điệu hò khoan Lệ Thủy do chính các “nghệ sĩ” quê hương biểu diễn. Không khí lúc đó trở nên lắng đọng. Tình cảm của Đại tướng dành cho quê hương, và tình cảm của bà con quê hương dành cho ông như cùng hòa quyện vào trong từng câu hò khoan”.

Ông Hữu kể câu chuyện khác: “Năm 2002, Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm quê hương trước Quốc khánh 2.9 đúng 10 ngày. Năm đó, huyện Lệ Thủy quyết định tổ chức lễ hội đua thuyền truyền thống 2.9 sớm hơn so với mọi năm để đón Đại tướng. Ngày lễ hội diễn ra, từng dòng người đổ về chật kín các ngả đường ở trung tâm huyện. Hai bên con đường chạy dọc sông Kiến Giang đông nghịt người.

Và họ đã thật xúc động khi nhìn thấy Đại tướng đứng trên ca nô chạy dọc sông Kiến Giang, tay vẫy chào mọi người. Dòng Kiến Giang như dậy sóng bởi tiếng hô vang: “Hoan hô Đại tướng! Hoan hô Đại tướng!”. Có lẽ xa quê đã lâu, ít có cơ hội gặp lại lễ hội truyền thống của quê hương nên ngày đó Đại tướng vui lắm”.

Ngon miệng với bữa cơm dưa, cà

Ông Hàm kể rằng, trừ lần về thăm quê hương năm 2004, lúc đó sức khỏe của Đại tướng không được như xưa, những lần trước lúc nào Đại tướng cũng dành thời gian ăn nghỉ ngay tại ngôi nhà của mình để có dịp tiếp đón bà con, xóm làng. Thường thì thời gian ở nhà, cơm nước cho Đại tướng đều do bà Trần Thị Vân (vợ ông Hàm) nấu nướng.

“Là con cháu trong nhà đó, nhưng lần đầu nấu cơm cho ông ăn, tui run lắm, dù răng ông cũng là một vị Tướng. Như đọc được tâm lý của tui, ông bảo “bình thường cháu nấu răng thì chừ nấu như rứa thôi”. Tui cũng chỉ nấu cho ông những món như: Cá bống kho tộ, canh chua cá lóc, thêm đĩa rau muống luộc, đĩa cà pháo muối... Cũng lạ, thế mà tui thấy ông ăn rất ngon miệng” – bà Vân kể.

“Đi khắp mọi miền đất nước, trên mọi tuyến chiến trường nhưng không phải vì thế mà tình cảm của tôi kém sâu đậm. Ra đi trên dòng sông Kiến Giang, làm sao mà quên được cảnh sông, núi hiền từ và hùng vĩ. Quê hương và gia đình đã hun đúc nên nhân cách của tôi, quyết định con đường đi của tôi”. Những lời thân thương, sâu đậm tình quê hương đó, Đại tướng đã nói với người dân Quảng Bình, người dân làng An Xá trong một lần ông về thăm quê.

Theo ông Hàm, ngồi ăn cơm với Đại tướng rất thoải mái. Không khí của bữa ăn lúc nào cũng vui tươi, ngon miệng. Thường thì trước lúc vào bữa ăn, Đại tướng hay kể những câu chuyện tếu làm mọi người thường bật cười và quên đi khoảng cách giữa một vị Tướng với một người dân, chỉ còn lại sự sum vầy của không khí gia đình.

Ông Hàm kể: “Có một lần cơm nước đã dọn lên nhưng Đại tướng đang bận đọc sách, mọi người sợ làm phiền ông nên không ai dám mời. Cuối cùng thì ông Hàm vào mời ông ra ăn cơm. Đại tướng đi ra, thấy cơm đã dọn, biết mọi người chờ nên ông cố ý nói lớn: “Chà, cơm bữa ni nhiều món ngon hè, mọi người mau vào bàn đi kẻo nguội, mất ngon”. Khi đó trông ông như một người cha, người ông gọi con cháu lại để ăn cơm”.

Tuy vậy, Đại tướng vẫn rất tuân thủ ý kiến của bác sĩ trong ăn uống, đặc biệt là những năm gần đây khi sức khỏe của ông kém hơn. Thường thì khi dùng bữa xong, Đại tướng cảm thấy còn rất ngon miệng và muốn ăn thêm một cái bánh lọc, hay quả trứng lộn, ông thường hỏi bác sĩ: “Tớ ăn thêm cái bánh này nữa được không?”, và ông chỉ ăn thêm khi có sự đồng ý của bác sĩ.

(Còn nữa)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem