Tướng tài Chu Du gánh tiếng đố kỵ nghìn năm

Thứ ba, ngày 06/06/2017 08:46 AM (GMT+7)
Là tướng giỏi, tinh thông âm luật, Chu Du gánh tiếng xấu đố kỵ cả nghìn năm. Nhiều nhà sử học cho rằng ông không chết vì uất ức Gia Cát Lượng.
Bình luận 0

Chu Du là bậc tướng tài ở Trung Quốc thời tam quốc. Ông tên tự Công Cẩn, người đời thường gọi là Chu Lang. Vị danh tướng khai quốc công thần của nhà Ngô nổi danh với trận Xích Bích, đánh bại quân Tào.

Tuy nhiên, dưới ảnh hưởng của Tam Quốc diễn nghĩa do nhà văn La Quán Trung xây dựng theo quan điểm tôn Lưu biếm Tào, Chu Du gắn liền hình ảnh tướng quân tuổi trẻ tài cao nhưng lòng dạ hẹp hòi, luôn ghen ghét, đố kỵ hiền tài.

Đây cũng là hình tượng Chu Du trong suy nghĩ của nhiều người.

Trong Tam quốc diễn nghĩa, Chu Du vì ghen tỵ với tài năng của Gia Cát Lượng, cộng thêm 3 lần bị Khổng Minh chọc tức mà hộc máu chết. Trước lúc chết, vị tướng này còn buông câu thống thiết: “Trời đã sinh ra Du sao còn sinh Lượng?”.

Nhiều nhà sử học khẳng định chi tiết này chỉ là do La Quán Trung sáng tác để theo tư tưởng lấy nhà Thục Hán làm chính thống.Họ đưa ra giả thuyết Chu Du không chết vì đố kỵ.

img

Chu Du là danh tướng có công phụ tá anh em Tôn Sách, Tôn Quyền lập ra nhà Đông Ngô. Ảnh: Sina.

Tam Quốc chí của Trần Thọ đánh giá rất cao về ông với lời nhận xét con người Chu Công Cẩn “cởi mở, khí phách hơn người”, “tính tình khoáng đạt, đại lượng…, là bậc kỳ tài!”.

Lưu Bị cũng từng khen ngợi vị tướng khai quốc công thần nhà Đông Ngô “rất độ lượng”.

Chu Du vốn tuổi trẻ tài cao, nổi tiếng hào hoa, phong nhã khắp vùng Giang Đông, được người dân thời bấy giờ tán tụng. Ông khổ công học hành từ nhỏ, đam mê nghiên cứu binh pháp.

Công Cẩn nổi danh tinh thông âm luật, có tầm nhìn sâu rộng, là kỳ tài quân sự, hết lòng trung thành với quân vương.

Vị tướng kiệt xuất ấy phò tá Tôn Sách đánh đâu thắng đó rồi lại cùng Tôn Quyền làm nên trận Xích Bích phân định thiên hạ, vang danh thiên cổ.

img

Chu Công Cẩn chỉ huy liên quân Tôn - Lưu đánh bại quân Tào trong trận Xích Bích. Ảnh minh họa.

Như lời Trần Thọ đánh giá vị “Giang Nam đệ nhất nam tử” này, Chu Du là người “trong chính trị thì có tầm nhìn xa trông rộng, trung thành, tận tâm, trong quân sự lại đảm lược hơn người, trí dũng song toàn, nhân cách tốt đẹp”.

Người như thế chắc chắn không thể ôm lòng đố kỵ hiền tài mà chết một cách hậm hực như La Quán Trung kể trong Tam Quốc diễn nghĩa.

Thế nhưng, bao lâu nay, các nhà sử học xác nhận sự thật cũng khó lòng thay đổi hình tượng của Chu Du trong lòng hậu thế bởi cái suy nghĩ đó đã ăn sâu vào tiềm thức con người đời này qua đời khác dưới sự ảnh hưởng mạnh mẽ của một trong Tứ đại danh tác.

Tuy nhiên, người khiến danh tướng nhà Đông Ngô ôm nỗi oan khuất nghìn năm chưa hẳn là La Quán Trung bởi cái ông xây dựng chỉ là hình tượng văn học dựa trên nhân vật lịch sử. Nó có thể chính xác hoặc không.

PV (Zing)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem