Điểm nhấn từ Dự án 5 triệu ha rừng
Tuyên Quang là một tỉnh miền núi, có diện tích tự nhiên 587.038ha, trong đó đất lâm nghiệp 445.547ha. Những năm qua, bên cạnh nỗ lực bảo vệ rừng, Tuyên Quang còn thực hiện tốt việc trồng mới và phát triển rừng. Sau khi thực hiện thành công Chương trình 327 về trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc, từ năm 1998 đến năm 2010, tỉnh đã triển khai hiệu quả dự án (DA) trồng mới 5 triệu ha rừng (DA 661).
|
Nhờ trồng rừng mà đời sống của người dân Tuyên Quang đang ngày càng được cải thiện. |
Ông Nguyễn Văn Minh - Chi Cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Tuyên Quang cho biết: Để thực hiện DA 661, Tỉnh ủy, UBND đã ban hành một số nghị quyết về trồng và bảo vệ rừng. Ngoài ra, tỉnh còn thành lập 10 ban quản lý dự án về DA 661 và thành lập 118 ban phát triển rừng đối với các xã có từ 500ha trở lên. Đồng thời, lập 1.080 ban phát triển rừng ở thôn, bản đối với các thôn, bản có từ 100ha rừng trở lên.
Một bước tiến trong việc quản lý và phát triển rừng ở Tuyên Quang là thực hiện tốt việc giao đất, giao rừng đến người dân và chuyển đổi lâm trường quốc doanh. Hiện tỉnh đã hoàn thành bản đồ địa chính đất lâm nghiệp tại 134/134 xã, thị trấn và đã giao, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất cho 38.319 hộ trên 63.438ha và giao, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 7 tổ chức với 8.331ha.
Ông Minh cho hay: "Thực hiện Quyết định 284 của Thủ tướng Chính phủ, tháng 1.2006, Chủ tịch UBND tỉnh đã ra Quyết định số 49 về việc sắp xếp, đổi mới và phát triển các nông, lâm trường quốc doanh trên địa bàn tỉnh. Đến năm 2008, tỉnh đã cơ bản hoàn thành công việc này. Sau khi chuyển đổi, các công ty lâm nghiệp đều đã hoạt động tốt, hàng năm tăng từ 500 - 800ha rừng, nhờ đó đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động trên địa bàn”.
Xây dựng vùng nguyên liệu bền vững
Hiện trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có 1 nhà máy sản xuất bột giấy và giấy lớn là Công ty cổ phần Giấy An Hòa, cùng hàng chục công ty chế biến lâm sản. Do đó, nhu cầu về gỗ nguyên liệu rất lớn, người dân không lo đầu ra cho sản phẩm.
Để có đủ nguyên liệu phục vụ các nhà máy, công ty, tỉnh đã phê duyệt 5/6 cơ sở chế biến lâm sản với diện tích 120.620ha, trong đó Công ty cổ phần Nông nghiệp Hùng Thắng được quy hoạch trồng rừng trên diện tích 1.100ha tại xã Yên Lâm (Hàm Yên), Công ty cổ phần Gỗ Đông Dương trồng 2.000ha tại xã Yên Lâm, Yên Phú, Thành Long (Hàm Yên); Công ty cổ phần Giấy An Hòa gần 10.000ha…
Sản lượng khai thác của các dự án trồng rừng ước đạt 5,7 triệu m3 gỗ, cơ bản cung cấp đủ nguyên liệu cho các cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh.
Ông Minh cho biết: "Để chủ động nguồn nguyên liệu trong những năm tiếp theo, năm 2012 này, Chi cục Lâm nghiệp có kế hoạch trồng mới 15.500ha rừng. Để có nguồn giống cây trồng đảm bảo chất lượng, tỉnh đã thực hiện việc cấp chứng chỉ sản xuất giống cho một số đơn vị".
Hiện Tuyên Quang có 3 trung tâm nghiên cứu, sản xuất và chuyển giao khoa học, công nghệ giống cây lâm nghiệp, có 21 vườn ươm kiên cố, 23 đơn vị sản xuất cây giống với 42 vườn ươm được cấp chứng nhận sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp đảm bảo chất lượng. Trong đó, nổi bật là cơ sở của ông Hà Văn Điệt ở thôn Phúc Tâm, xã Phúc Thịnh (Chiêm Hóa) - với diện tích 1,7ha, trung bình mỗi năm sản xuất khoảng 2 triệu cây giống (chủ yếu là lát, keo, mỡ...).
Xã Thái Long (TP. Tuyên Quang) là một trong những xã có nhiều người giàu lên từ trồng và bảo vệ rừng. Ông Trịnh Lương - Chủ tịch UBND xã cho biết: "Thái Long có hơn 600ha đất lâm nghiệp, trong đó có 570ha rừng trồng sản xuất.
Từ năm 1999 - 2010, trung bình mỗi năm Tuyên Quang trồng mới được 8.518ha rừng. Qua đánh giá kết quả 13 năm thực hiện DA 661, Tuyên Quang đã có những thay đổi tích cực về cơ cấu loài cây trồng, các biện pháp kỹ thuật lâm sinh nhằm tăng cao chất lượng rừng trồng và khả năng thành rừng. Đặc biệt từ năm 2000 đến nay, Tuyên Quang đã áp dụng tốt việc trồng cây bản địa, tăng thời gian chăm sóc, điều chỉnh mật độ… nên chất lượng và khả năng thành rừng nâng lên rõ rệt.
Nhận thấy lợi ích từ việc trồng rừng, trong những năm qua, chính quyền xã đã tuyên truyền, vận động người dân trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Sau 5 - 6 năm, hầu hết các quả đồi của xã đã được phủ xanh, nhiều hộ đã có thu nhập vài chục triệu, thậm chí vài trăm triệu đồng/năm từ rừng, như hộ ông Lý Xuân Mạ ở thôn Phú An 2 trồng 3 ha, ông Ma Văn Ninh ở thôn Phú An 1… ".
Anh Hà Ngọc Sơn (thôn Phú An 2), một trong những hộ trồng rừng điển hình của xã cho hay: "Tôi trồng và bảo vệ rừng từ năm 1995, với diện tích 4,6ha. Trước đây, rừng toàn gỗ tạp nên giá trị kinh tế không cao. Thấy bà con các nơi trồng mỡ, lát, keo hiệu quả, tôi quyết định phát rừng tạp để trồng mới. Năm 2004, tôi khai thác lứa đầu tiên thu về 150 triệu đồng, vừa có tiền xây nhà vừa có tiền đầu tư trồng tiếp. Rừng của tôi cứ 6 - 7 năm cho thu hoạch một lần, thu về khoảng 50 triệu đồng".
Nhờ việc trồng và bảo vệ rừng mà đời sống người dân xã Thái Long đã được cải thiện đáng kể. "Năm 2010, chúng tôi còn 17% hộ nghèo, năm 2011 giảm xuống 12%, chúng tôi đang phấn đấu đến năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 4%, vì đây là một trong những tiêu chí để xây dựng nông thôn mới"- ông Lương cho hay.
Việt Tùng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.