Tuyên Quang: Nông dân ở vùng đất trù phú này "nuôi" thứ cỏ dại Nam Mỹ tốt um trong vườn cam để làm gì?

Thứ hai, ngày 20/09/2021 06:25 AM (GMT+7)
Những cây cỏ dại có nguồn gốc từ Nam Mỹ đang được phủ kín trên các triền đồi ở Phù Lưu (Hàm Yên). Mô hình này giúp giữ độ ẩm cho đất, cải tạo hệ sinh thái và tăng năng suất của các vườn cam.
Bình luận 0

Cam là sản phẩm chủ lực của xã Phù Lưu (huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang) với hơn 2400 ha. Trung bình một hộ dân tại xã này có 1 ha đất trồng cam.

Hàng năm, sản lượng cam thu hoạch tại đây đạt hơn 40 nghìn tấn. Để đảm bảo cho sự phát triển của mặt hàng này, người nông dân đã ứng dụng nhiều mô hình độc, lạ, nhưng đầy hiệu quả.

Tuyên Quang: Nông dân ở vùng đất trù phú này "nuôi" thứ cỏ dại Nam Mỹ tốt um trong vườn cam để làm gì? - Ảnh 1.

Mô hình trồng cây lạc dại cho hiệu quả tốt tại các vườn cam ở xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang.

Nhiều năm trở lại đây, thay vì dùng thuốc trừ sâu để diệt cỏ, các hộ trồng cam đã “lấy độc trị độc”, trồng cây cỏ lạc dại để nuôi cam.

Cây lạc dại có nguồn gốc từ Nam Mỹ, du nhập vào Việt Nam qua dự án hệ thống canh tác trên các loại đất nghèo dinh dưỡng, đất đồi núi dốc. Tại tỉnh Tuyên Quang, mô hình trồng xen cây này tại các vườn cam được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến khích thực hiện từ nhiều năm nay.

Các nghiên cứu khoa học cho thấy khả năng thích nghi sinh trưởng của cây lạc dại là rất tốt. Đặc biệt trồng xen cây này dưới gốc cam giúp tạo nên một thảm thực vật tươi trên mặt vườn, chống xói mòn hiệu quả. Điều này thực sự có ý nghĩa khi Tuyên Quang bước vào mùa mưa lũ.

Việc trồng lạc dại che phủ cho đất bằng thảm thực vật tươi hay các phụ phẩm cây trồng giúp tăng cường độ xốp. Đồng thời, bổ sung các nguyên tố dinh dưỡng, tạo ra môi trường thích hợp cho hoạt động của bộ rễ cây cam.

Anh Nguyễn Hoài Nam, một hộ dân trồng cam tại Phù Lưu chia sẻ: “Có thể nhìn thấy được sự khác biệt rõ rệt giữa phần đất trồng cây xen dại và phần đất sạch cỏ trên vườn cam. Việc trồng xen cây dại giúp cam xanh và tươi tốt hơn. Ngoài ra, loại cây này còn có khả năng giữ ẩm cho đất, nhất là vào mùa khô ở Tuyên Quang”.

Tuyên Quang: Nông dân ở vùng đất trù phú này "nuôi" thứ cỏ dại Nam Mỹ tốt um trong vườn cam để làm gì? - Ảnh 2.

Trồng cỏ dại giúp chống xói mòn, tăng độ phì cho đất và hạn chế tối đa lượng thuốc diệt cỏ trên các vườn cam.

Sau nhiều năm thực hiện dự án, các vườn cam tại Phù Lưu đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt. Tiếng lành đồn xa, quy mô của dự án được nhân rộng lên các địa phương lân cận trong huyện Hàm Yên.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Đàm Ngọc Hưng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, mô hình trồng cây xen dại cho hiệu quả rất tốt.

Các vườn cam tại Phù Lưu đạt hiệu quả cao hơn sau khi ứng dụng mô hình này lên mặt vườn. Hiện tại, nhiều vườn đồi trồng cây ăn quả khác cũng đã thực hiện dự án trồng lạc dại và cho kết quả tích cực. Sau khi xã Phù Lưu đi tiên phong, nhiều xã khác trên địa bàn huyện Hàm Yên cũng tiếp bước đi theo.

Với mô hình trồng xen cây lạc dại vào các vườn cam, hệ sinh thái tại các vườn đồi Phù Lưu được cải thiện rõ rệt. Trước đây, mỗi năm người dân sử dụng từ 10 - 12 kg/ha/năm thuốc diệt cỏ, các loại phân bón hỗn hợp cũng được sử dụng vô tội vạ.

Tuy nhiên, sau khi loại cây này xuất hiện, việc dùng thuốc diệt cỏ đã cơ bản được chấm dứt. Độ phì của đất cũng được tăng đáng kể nhờ các sản phẩm hữu cơ.

Trồng xen cây lạc dại là cách thức sản xuất nông nghiệp theo hướng sinh học, hạn chế tối đa các chất hoá học. Vì vậy, mô hình này nên được nhân rộng, góp phần tạo ra sản phẩm cam an toàn theo hướng VietGAP.

Phong Quang-Phùng Minh (Báo Lao động)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem