Tuyên Quang: Về miền "toàn gái đẹp" thưởng thức thứ bánh đen xì, dẻo quẹo, ngon quên lối về

Thanh Thảo - Phạm Mơ Thứ bảy, ngày 17/04/2021 20:00 PM (GMT+7)
Được làm từ các nguyên liệu chính như: lá gai, gạo nếp, đậu xanh..., đặc sản bánh gai Chiêm Hóa của đồng bào dân tộc Tày ngon nức tiếng vì thơm ngon, ngọt dẻo, không phụ phẩm. Đặc sản bánh gai Chiêm Hoá đã được nhiều người lựa chọn làm quà biếu bạn bè, người thân sau mỗi lần đến Tuyên Quang.
Bình luận 0

Bí quyết độc đáo khiến bánh gai Chiêm Hóa thơm ngon nức tiếng

Ai đã một lần đặt chân đến vùng đất Chiêm Hóa (Tuyên Quang), thưởng thức đặc sản bánh gai của người Tày hẳn sẽ nhớ mãi. Đó là hương vị đặc trưng của lá gai hòa quyện với gạo nếp dẻo thơm, đỗ xanh bùi bùi, cùi dừa giòn sần sật, mỡ lợn béo ngậy. Đặc biệt bánh gai Chiêm Hoá có vị ngọt thanh, ăn nhiều mà không bị ngán.

Tuyên Quang: Về miền gái đẹp thưởng thức thứ bánh đen sì, dẻo quánh, nhân đỗ vàng ươm ngon quên lối về - Ảnh 1.

Chị Phương Thị Minh Hằng đã có hơn 10 năm kinh nghiệm làm bánh gai.

Gắn bó với nghề làm bánh gai 10 năm nay, chị Phương Thị Minh Hằng (Thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang) luôn tâm niệm chữ sạch lên hàng đầu, vì vậy nguyên liệu làm bánh được chị Hằng lựa chọn kỹ càng và tuân thủ nghiêm ngặt các công đoạn chế biến đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Chị Hằng cho biết: Ai cũng biết những nguyên liệu chính để làm bánh gai, song lựa chọn thế nào và chế biến ra sao cho bánh ngon, dẻo, chất lượng thì không phải ai cũng làm được. 

Nguyên liệu chính làm nên hương vị đặc trưng của bánh gai Chiêm Hóa là những lá gai không quá non, cũng không quá già, phơi khô sau đó rửa sạch. Còn với gạo nếp thì lựa chọn gạo nếp cái hoa vàng, loại gạo này không chỉ thơm ngon mà còn rất dẻo...

Tuyên Quang: Về miền gái đẹp thưởng thức thứ bánh đen sì, dẻo quánh, nhân đỗ vàng ươm ngon quên lối về - Ảnh 2.

Lá gai là linh hồn của chiếc bánh nên chỉ tính riêng quá trình sơ chế lá gai cũng tốn ít nhất 10 tiếng.

"Lá gai là linh hồn của chiếc bánh nên chỉ riêng quá trình sơ chế lá gai cũng tốn ít nhất 10 tiếng. Theo đó, lá gai được luộc trong 4 tiếng để loại bỏ xơ, rồi rửa sạch nhiều lần. Sau đó lá gai được giã nhuyễn rồi cho vào máy trộn với bột nếp theo tỷ lệ 20-80, tạo thành hỗn hợp bột màu chàm. Quy trình làm bánh gai tuy không khó nhưng khá công phu " – chị Hằng cho biết.

Nhân bánh gai Chiêm Hóa gồm đậu xanh, cùi dừa, mỡ lợn, không có thêm các loại mứt bí, hạt sen hay dừa khô như các nơi khác. Vỏ bánh được làm từ lá gai, bột gạo nếp, đường.

Điểm đặc biệt nhất của bánh gai Chiêm Hóa còn ở cách ướp mỡ lợn với đường. Theo chị Hằng, người Tày dùng loại mỡ khổ (mỡ đầu mông), thái hạt lựu, ướp đường 3 ngày giúp nhân bánh trong và ngon hơn, ăn nhiều không bị ngấy.

Tuyên Quang: Về miền gái đẹp thưởng thức thứ bánh đen sì, dẻo quánh, nhân đỗ vàng ươm ngon quên lối về - Ảnh 3.

Nguyên liệu làm nhân bánh gai bao gồm đậu xanh, mỡ lợn, dừa. Theo kinh nghiệm của người Tày, mỡ lợn được thái hạt lựu, ướp đường 3 ngày làm bánh sẽ ngon và ngậy.

Bánh gai Chiêm Hóa của người Tày ở Tuyên Quang sử dụng lá chuối rừng khô để gói bánh. Bánh gói xong buộc thành cặp. Lý giải cách làm này, chị Hằng cho biết lá chuối rừng tươi lấy về trần qua nước sôi rồi phơi khô, làm như vậy bánh sẽ thơm và lá có màu đẹp hơn.

Là loại bánh ngọt, nhưng vị ngọt của bánh gai Chiêm Hóa rất thanh, không gây cảm giác khé cổ. Khi thưởng thức, vỏ bánh mềm và thơm, không quá dày, nhân đậu xanh hòa quyện với dừa tươi, mỡ lợn cho vị bùi bùi, béo ngậy một hương vị rất khác.

Tuyên Quang: Về miền gái đẹp thưởng thức thứ bánh đen sì, dẻo quánh, nhân đỗ vàng ươm ngon quên lối về - Ảnh 4.

Bánh gai có vị ngọt thanh, bùi bùi của đậu, thơm thơm mùi lá gai, lá chuối.

Sản phẩm OCOP 4 sao của Tuyên Quang

Theo thống kê, thị trấn Vĩnh Lộc hiện có hơn 100 hộ làm bánh gai. Sản lượng bánh mỗi ngày ước đạt trên 2.000 cặp.

Cũng theo chị Hằng, trung bình gia đình chị sản xuất khoảng 100-200 cặp bánh/ngày, chủ yếu là khách đặt hàng. Lúc cao điểm vào ngày Rằm tháng Bảy, Tết Nguyên đán, số lượng rơi vào 500-800 cặp/ngày, phải thuê thêm 3-4 người làm mới kịp. 

Tuyên Quang: Về miền gái đẹp thưởng thức thứ bánh đen sì, dẻo quánh, nhân đỗ vàng ươm ngon quên lối về - Ảnh 5.

Vỏ bánh gai khi sống có màu chàm, khi chín sẽ chuyển sang màu đen tuyền

Bà Hoàng Thị Thảo, Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp Đồng Lộc cho biết. HTX có 7 hộ thành viên, trước đây nghề làm bánh gai của huyện vẫn còn nhỏ lẻ, quy mô gia đình, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, chưa gắn kết sâu vào chuỗi cung ứng sản phẩm.

Do đó, HTX Nông lâm nghiệp Đồng Lộc đã phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng nhãn hiệu tập thể "Bánh gai Chiêm Hóa". Năm 2020, sản phẩm bánh gai tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và được xếp hạng 4 sao.

Tuyên Quang: Về miền gái đẹp thưởng thức thứ bánh đen sì, dẻo quánh, nhân đỗ vàng ươm ngon quên lối về - Ảnh 6.

Bánh gai Chiêm Hóa được xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh Tuyên Quang.

 "Từ khi được xếp hạng OCOP, bánh gai Chiêm Hóa đã được khoác lên mình một mẫu mã bao bì đẹp hơn, có đầy đủ mã QR code, truy xuất nguồn gốc và đã xuất bán đi khắp mọi miền đất nước" - bà Thảo chia sẻ.

Năm 2020, các thành viên hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ trên 126.000 cặp bánh gai, đem lại doanh thu hơn 1,2 tỷ đồng. 

"Dự kiến năm 2021, HTX Nông lâm nghiệp Đồng Lộc sẽ đẩy mạnh xúc tiến thương mại để đưa bánh gai Chiêm Hóa vào hệ thống các nhà hàng, siêu thị giúp sản phẩm bánh gai Chiêm Hóa đến với người tiêu dùng ngày càng gần hơn nữa và tăng thu nhập cho các thành viên" – bà Thảo cho biết thêm.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem