Năm nay, lượng hồ sơ và tỉ lệ
“chọi” của nhiều ngành khối nông lâm ngư thuộc ĐH Nông Lâm (ĐH Huế) tăng cao.
Theo thống kê của phòng đào tạo nhà trường, một số ngành năm nay tăng gồm: Chăn
nuôi tỉ lệ chọi 6,8 (năm 2013 là 4,19); Nông học tỉ lệ chọi 3,15 (năm 2013 là
2,97); Khoa học Cây trồng tỉ lệ chọi 6,92 (năm 2013 là 5,54); Lâm nghiệp tỉ lệ
chọi 8,82 (năm 2013 là 6,5); Quản lý Tài nguyên rừng tỉ lệ chọi 11,05 (năm 2013
là 6,92); Nuôi trồng Thủy sản tỉ lệ chọi 11,37 (năm 2013 là 7,43)…
Tuy nhiên, ở khối ngành này năm nay có ngành Quản lý đất đai giảm khá sâu, tỉ lệ
chọi 8,36 (năm 2013 là 20,27).
Tại ĐH Cần Thơ, năm nay khối ngành nông lâm - ngư cũng có tỉ lệ chọi khá cao.
Cụ thể, ngành Chăn nuôi có tỉ lệ chọi 6 (năm 2013 là 2);
Khoa học cây trồng tỉ lệ chọi 5 (năm 2013 là 4); Công nghệ rau quả và cảnh quan
tỉ lệ chọi là 6 (năm 2013 là 2); Lâm sinh tỉ lệ chọi là 5 (năm 2013 là 2); Bệnh
học thủy sản tỉ lệ chọi là 4 (năm 2013 là 1)…
Theo đại diện phòng đào tạo nhà trường: “Một số ngành năm nay có tỉ lệ chọi giảm
sâu so với năm 2013 nhưng nếu tính về lượng hồ sơ đăng ký theo ngành thì lại tăng.
Chẳng hạn, ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường năm nay có tỉ lệ chọi là 17
(năm 2013 là 19), song lượng hồ sơ năm nay là 1,681 (năm 2013 là 1,505); ngành
Bảo vệ thực vật tỉ lệ chọi là 9 (năm 2013 là 11) nhưng nhượng hồ sơ năm nay là
1,381 (năm 2013 là 1,286)…”.
Tương tự, tại ĐH Nông lâm TP.HCM, dù tổng số lượng hồ sơ giảm
mạnh so với năm 2013 (giảm hơn 7.500 hồ sơ) nhưng lượng hồ sơ dự thi khối ngành
nông lâm ngư lại có xu thế tăng so với năm trước.
Ông Trần Đình Lý, Trưởng phòng đào tạo nhà trường cho biết: “Các ngành tăng hồ
sơ gồm: Chăn nuôi, Phát triển nông thôn, Nuôi trồng thủy sản, Sư phạm Kỹ thuật Nông
nghiệp…”.
Cũng theo ông Lý: “Sở dĩ khối ngành nông lâm vẫn thu hút được TS vì năm nay
công tác tuyên truyền được triển khai mạnh mẽ, TS đã ý thức được khối ngành
nông lâm sau khi ra trường không phải chỉ gắn với đất đai, núi rừng… nên cũng lựa
chọn nhiều, thêm vào đó tỉ lệ TS hàng năm của trường có việc làm đều đạt trên
85% nên cũng tạo được hiệu ứng xã hội tốt”.
Còn tại ĐH Tây Nguyên, ông Nguyễn Tấn Vui, Hiệu trưởng nhà
trường cũng hồ hởi: “Nếu như mọi năm lượng TS dự thi khối nông lâm ngư vào trường
chỉ đạt khoảng 50% chỉ tiêu do nhiều quan điểm như: ngành này ít có cơ hội làm
giàu, không “sang”, không được làm việc tại thành phố mà phải về nông thôn; số lượng
công việc quá ít để lựa chọn… thì năm nay tình hình lại rất khả quan với lượng
hồ sơ tăng vọt”.
Sở dĩ có tình hình này là vì tại Trường ĐH Tây Nguyên có những
chính sách thu hút đào tạo khá tốt như: ưu tiên cho SV ngành nông - lâm chỉ cần
học lực khá là có học bổng (các ngành khác phải có học lực giỏi).
Ngoài ra, mức học phí dành cho sinh viên nhóm ngành này cũng được ưu ái hơn so với
các nhóm ngành còn lại. Đồng thời trường cũng liên kết với các doanh nghiệp
trong ngành trên địa bàn để thường xuyên hỗ trợ học bổng khuyến khích học tập đối
với sinh viên.
Q.H (Q.H)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.