Tuyên truyền về môi trường - đi thẳng vào vấn đề nóng

Đông Hoàng Thứ bảy, ngày 05/12/2015 09:32 AM (GMT+7)
Mục đích công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường của các cấp Hội ND cả nước là góp phần nâng cao nhận thức, kiến thức, từ đó thay đổi hành vi của hội viên, nông dân (ND). Nhưng công tác tuyên truyền cần đi vào những vấn đề bức xúc thường ngày của ND.
Bình luận 0

Tránh “kêu gọi” chung chung

Nhiều năm qua, hoạt động tham gia bảo vệ môi trường luôn là lĩnh vực công tác được Hội ND các cấp chú trọng và thực hiện thường xuyên. Hội ND các cấp đã tổ chức nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường cho cán bộ, hội viên, ND. Hình thức tuyên truyền ngày càng phong phú, đa dạng chuyển tải kiến thức, thông tin hướng dẫn về bảo vệ môi trường một cách hiệu quả nhất đến cán bộ, hội viên, ND. Đó là việc tổ chức các cuộc mít tinh, diễn đàn, hội thảo về lĩnh vực tài nguyên, môi trường, phòng, chống, thích ứng với biến đổi khí hậu…

img

 Nông dân xã Hồ Đắc Kiệm, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) áp dụng quy trình ủ rác thải nông nghiệp thành phân bón hữu cơ bằng chế phẩm sinh học. Ảnh:    Chúc Ly

Một trong những hoạt động tuyên truyền được đánh giá là sinh động, mang lại hiệu quả tác động trực tiếp tới nhận thức của ND là việc tổ chức hội thi, giao lưu dưới hình thức sân khấu hóa… Tiểu phẩm tuyên truyền là phần thi hấp dẫn nhất bởi các tình huống “xung đột” môi trường ở nông thôn gần gũi, được ND xây dựng từ chính những bức xúc hàng ngày. Phần thi “Trả lời câu hỏi” thường khô khan với nhiều kiến thức chủ trương, chính sách, quy định của luật về bảo vệ môi trường. Không ít thí sinh không thể học thuộc, nếu có thuộc thì cũng khó diễn đạt được câu trả lời với những định nghĩa, khái niệm trừu tượng nên rất lúng túng. Nguyên do Ban tổ chức hội thi, buổi giao lưu đã ôm đồm đưa nhiều câu hỏi với kiến thức vĩ mô. Giải pháp khắc phục là Hội ND - đơn vị tổ chức hội thi, buổi giao lưu cần nghiên cứu lọc ra các nội dung kiến thức phù hợp với ND. Dung lượng và sự đa dạng của nội dung câu hỏi cần tăng dần từ dễ đến khó theo hội thi tổ chức từ cấp xã, huyện tới tỉnh…

Không tiền vẫn có mô hình

  Cũng như tuyên truyền về kiến thức, việc xây dựng mô hình bảo vệ môi trường cần được nhận thức theo hướng đi từ dễ tới khó, từ nhỏ tới lớn, phù hợp với trình độ và điều kiện kinh tế-xã hội của người dân mỗi địa phương. 

Trong những năm qua, T.Ư Hội NDVN và Hội ND nhiều tỉnh, thành phố đã tranh thủ các nguồn lực xây dựng hàng nghìn mô hình điểm về bảo vệ môi trường nông thôn. Thông qua các mô hình điểm đó để các cấp Hội ND tuyên truyền, vận động ND học hỏi, nhân rộng. Mô hình điểm rất cần thiết, nhưng không phải là cách duy nhất có thể nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cán bộ, hội viên về bảo vệ môi trường. Không thể tránh khỏi có nơi, Hội ND cho rằng, phải có dự án, phải có tiền hỗ trợ ở đâu đó mới xây dựng được mô hình. Điều này dẫn tới tình trạng kết quả Hội ND tham gia bảo vệ môi trường chỉ tồn tại trên báo cáo với một vài thông tin chung chung.

Để khắc phục tình trạng này, Hội ND các cấp cần có sự chuyển biến nhận thức về xây dựng mô hình. Thực tiễn, tại nhiều địa phương, Hội ND không có nguồn tài chính hỗ trợ, nhưng vẫn xây dựng được những mô hình tốt có ý nghĩa tuyên truyền về bảo vệ môi trường. Đó là việc thành lập các tổ, nhóm nông dân thu gom vỏ thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng; chi, tổ hội xanh, sạch, đẹp; thu gom rác thải, phế phẩm nông nghiệp ủ thành phân bón hữu cơ… Cũng như tuyên truyền về kiến thức, việc xây dựng mô hình bảo vệ môi trường cũng cần được nhận thức theo hướng đi từ dễ tới khó, từ nhỏ tới lớn phù hợp với trình độ và điều kiện kinh tế-xã hội của người dân mỗi địa phương…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem