Tuyệt đối cấm khai thác cây kim cương bán sang Trung Quốc

Thứ năm, ngày 22/11/2012 06:52 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Liên quan đến việc người dân ở Tây Nguyên “săn” cây kim cương bán cho thương lái Trung Quốc, PV phỏng vấn ông Ngô Tiến Dũng - Phó vụ trưởng Vụ Bảo tồn thiên nhiên - Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT).
Bình luận 0

Ông Dũng cho biết: Kim cương là thực vật nguy cấp quý hiếm thuộc nhóm IA nghiêm cấm khai thác cây kim cương thương mại. Việc khai thác theo kiểu hủy diệt sẽ ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, giảm giá trị của nguồn gen quý.

Kim cương có 4 chi họ khác nhau, trong đó chi họ có tên khoa học Anoectochilus spp thuộc nhóm IA (thực vật nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại) ban hành theo Nghị định 32/2006/NĐ-CP ngày 30.3.2006 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp quý hiếm.

img
Tình trạng khai thác cây kim cương vẫn chưa giảm.

Việt Nam có 12 loại thuộc chi họ Anoectochilus này. Các loại kim cương hay còn gọi với các tên khác nhau như lan kim tuyến, lan gấm, lá gấm, thạch tầm… đang được khai thác đều thuộc thuộc chi họ này.

Vậy việc khai thác loại cây kim cương làm ảnh hưởng thế nào đến đa dạng sinh học?

- Đây là loại cây quý hiếm, có thể cạn kiệt trong tự nhiên nên mới được đưa vào Nghị định 32/2006. Việc khai thác một cách hủy diệt như hiện nay càng làm cho loại cây này trở nên nguy cấp hơn. Đặc biệt, loại cây này là loại cây phát triển theo mùa, nếu bị khai thác tận diệt cùng lúc thì nguy cơ tuyệt chủng càng cao.

Kim cương không chỉ có mặt ở Kom Tum như báo chí tập trung phản ánh mà còn có tại nhiều tỉnh Tây Nguyên và khu vực miền núi phía Bắc. Tại những khu vực ngoài Kom Tum, việc khai thác vẫn đang diễn ra.

img
Ông Ngô Tiến Dũng

Các thương lái cho biết, cây kim cương được khai thác sẽ được bán sang Trung Quốc. Ông có nắm được cây này sẽ được dùng vào việc gì không?

- Có một số tài liệu cho thấy, đây này là cây thuốc chữa bệnh. Nhưng chưa ai nghiên cứu và công bố chính thức trong cây kim cương này có những chất gì, có tác dụng ra sao.

Hiện nay, chúng ta chưa có điều tra nghiên cứu xem thương lái Trung Quốc mua về để làm gì. Chúng tôi đang đợi Chi cục Kiểm lâm các tỉnh báo cáo sau đó sẽ tiến hành làm rõ.

Để kiếm soát tốt hơn, theo ông, cần có giải pháp gì?

- Việc quản lý loại cây này được quy định cụ thể trong Nghị định 32/2006/NĐ-CP. Trong đó, trách nhiệm quản lý được giao về cho cơ quan kiểm lâm ở các địa phương. Để kiểm soát được tình hình, việc quan trọng nhất là phải tuyên truyền cho người dân hiểu và bắt một vài trường hợp thu mua để xử lý.

Với bà con, chúng tôi khuyến cáo, đây là loại cây được quản lý chặt chẽ, cấm khai thác. Ngoài ra, nếu cứ bán ra nước ngoài, nước bạn có thể nuôi cấy mô, nhân giống sẽ làm giá trị của loại cây này thấp đi.

Xin cảm ơn ông!

Được phép trồng cây kim cương

Ông Ngô Tiến Dũng cho biết: “Việc nuôi trồng loại cây này và các loại động thực vật quý hiếm khác đang được khuyến khích vì đây là một biện pháp bảo tồn. Tuy nhiên, muốn nuôi trồng phải được cấp phép của chi cục kiểm lâm, việc buôn bán các loại cây này cũng phải tuân theo các quy định của Nhà nước. Hiện nay, ở Vườn quốc gia Tam Đảo (Vĩnh Phúc) cũng đang có một dự án gây nuôi loại cây này. Bà con cũng cần lưu ý, cây này chỉ tồn tại và phát triển tốt ở dưới tán rừng; nếu trồng ở vườn nhà sẽ không phát triển mạnh như dưới tán rừng”.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem