Tỷ phú "gàn" và hành trình ghép nho dại vùng nắng hạn Tháp Chàm

Quỳnh Nguyễn Thứ sáu, ngày 12/10/2018 13:30 PM (GMT+7)
Hơn nửa đời người găn bó với cây nho, ông Sáu Lang luôn mong muốn áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, nâng cao giá trị của loại quả đã làm nên thương hiệu cho vùng đất nắng hạn Ninh Thuận. Những ngày đầu áp dụng ghép, trồng nho giống mới lên gốc nho dại, nhiều người kêu ông Lang là "gàn, khùng...".
Bình luận 0

Tiên phong ghép nho dại Coudere

Ông Nguyễn Thường Lang ở phường Mỹ Hải (TP.Phan Rang – Tháp Chàm,  Ninh Thuận) được nhiều người biết đến với tên gọi Sáu Lang – là nông dân tiên phong trong việc ghép và trồng nho dại.

img

Ông Sáu Lang chăm sóc những cây nho bonsai 11 năm tuổi. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Những năm thập niên 90 do nông dân chưa áp dụng tiến bộ kỹ thuật, sâu rầy bùng phát mạnh cộng với thời tiết diễn biến thất thường khiến vườn nho bị chết sạch, người nông dân điêu đứng không có miếng cơm ăn. Khi ấy, nhiều hộ trong vùng đã bắt đầu phá bỏ loại cây mà họ từng coi là miếng cơm manh áo để tìm hướng đi mới. Đó là giai đoạn mà mỗi lần nhắc lại ông Sáu Lang vẫn còn chảy nước mắt.

Đang lúc bĩ cực, thông qua một hội thảo diễn ra tại Tuy Phong (Bình Thuận), ông Sáu Lang may mắn được tiếp nhận 10 cành nho Coudere 1613 và nắm bắt thêm nhiều kiến thức hay trong kỹ thuật trồng nho. Vậy là ông tự mình giâm, chiết giống mới sau đó mày mò ghép trên thân cây nho dại. Thời điểm ấy, ông vay ngân hàng 12 triệu tương đương 3-4 cây vàng. Chi phí bỏ ra nhiều mà bán không được nên ông mang nho giống đi cho không, đồng thời mở hội thảo tại vườn để tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi sang trồng giống nho mới.

img

Nhờ chịu khó, tìm tòi và áp dụng tiến bộ kỹ thuật, ông Sáu Lang đã vươn lên làm giàu từ gốc nho dại, nhờ nghề ươm nho giống và nho kiểng. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

“Khi ấy nợ nần bù cổ, đem giống cho không mà mừng dữ lắm. Phải đến khi qua 1 vụ thấy nho cho năng suất gấp đôi lại giảm phân, giảm công làm... người ta mới mua ào ào, không có để bán. Túc tắc rồi cũng trả được nợ, cất nhà đón vợ con về ở chứ mấy năm vật lộn làm nho tui toàn ở lì ngoài trại”. – Ông Sáu Lang tâm sự về những ngày khốn khó.

Ông Sáu Lang khẳng định đến giờ ở Ninh Thuận không kiếm nổi giống nho truyền thống bởi 100% là cây ghép. Giống nho mới không chỉ cho năng suất cao mà trái ăn cũng giòn ngọt hơn trước. Cây nho giống thương hiệu Sáu Lang hiện nay không những cung cấp trong nước, mà còn vươn sang Lào, Campuchia... với khoảng 800 – 1 triệu gốc đem lại doanh thu 1,5 tỷ đồng.

Khát khao trồng nho sạch xuất khẩu

Đã từng một lần thay đổi được thói quen làm nho truyền thống của người nông dân Ninh Thuận, ông Sáu Lang vẫn trăn trở để tìm hướng phát triển cho loại cây đặc sản của địa phương mình. Ông luôn tự hỏi tại sao mình ăn nho Mỹ được mà Mỹ không ăn nho mình? Bên Đài Loan, Mỹ, Pháp xuất qua mình tại sao mình không xuất qua đó?

img

Nho Ninh Thuận hoàn toàn có thể xuất khẩu ra thị trường quốc tế nếu đạt chuẩn. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Vài năm trở lại đây, không chỉ nho mà nhiều loại nông sản Việt Nam ồ ạt sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Riêng ông Sáu Lang không áp dụng VietGap trên vườn nho của mình bởi ông nhận định cách làm này mới đem lại nho an toàn chứ chưa phải nho sạch, tiêu thụ loanh quanh trong nước chứ chưa thể xuất khẩu. Chưa kể thực tế không phải người nông dân nào cũng tuân thủ theo đúng tiêu chuẩn này.

Bữa Hội thảo bênTƯ Hội NDVN tui đã thẳng thắn bày tỏ ý kiến với ông chủ tịch Hội rằng nho không làm VietGap được đâu. Nếu làm theo tiêu chuẩn VietGap là liên canh, liên cư phân vùng nó mới diệt được con sâu con bướm, con ong.... còn ở Việt Nam mình còn làm manh mún nên không theo được.

Ông Sáu Lang kể chuyện trồng nho cách đây vài chục năm ông bà lấy con sâu diệt con sâu. Thời ấy đám trẻ như ông cứ rảnh là bắt sau bỏ vô thùng nhựa, để người lớn ngâm vi sinh cho sâu thúi đi chảy ra nước, rồi lấy nước đó xịt cây trồng, hôm nào thấy có mưa xuống là mừng lắm. Sau này do người nông dân dùng thuốc bảo vệ thực vật nhiều quá nên vỏ trái nho bị bào mòn đi, mỏng ra nên hễ mưa xuống là bể tan tành. Cả tỉnh Ninh Thuận có hơn 1000 ha nho, lượng nho làm ra chưa đủ cung ứng nhưng giá lại rất thấp bởi sức cạnh tranh không cao so với nho Trung Quốc.

img

Ông Sáu Lang cùng công nhân xây dựng nhà kính trồng rau và nho sạch. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Suốt 10 nhiệm kỳ, ông Sáu Lang kiên trì đề nghị với Hội hỗ trợ một mô hình làm nho sạch tại Ninh Thuận để làm gương cho người nông dân thấy được và làm theo. Ví dụ như Đà Lạt làm rau trong nhà kính cho lợi nhuận rất cao, nếu làm nho sạch trong nhà kính, có tem để chứng tỏ được nguồn gốc, xuất xứ, đã kiểm định Pasteur thì mới nâng cao được giá trị và xuất khẩu.

Ông bảo, nông dân nói được, làm được mà quyết không được! Bây giờ bỏ ra 5-700 triệu thì họ không có khả năng. Nâng cao giá trị trái nho để xuất khẩu được thì đời sống của người nông dân cũng sẽ thay đổi. Hiện nay chúng ta hoàn toàn làm được nhưng không chịu làm và chưa dám làm.

Thêm một lần tiên phong,hiện  ông Sáu Lang tự vay vốn làm nhà kính, xây hồ xử lý tạp chất để nước tưới cây đảm bảo là nước sạch. Ông cho biết, trước mắt gia đình sẽ trồng thí điểm rau mầm, rau thủy canh theo công nghệ sạch sau đó tiến tới trồng nho sạch. Quá nửa đời người, ông Sáu Lang vẫn không ngừng học hỏi, tìm tòi những giống nho mới chất lượng. Tâm nguyện lớn nhất của ông là cùng bà con Ninh Thuận tạo những trái nho đạt chuẩn, được thị trường quốc tế đón nhận.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem