Tỷ phú loài cá mõm nhọn như tên lửa trên đỉnh mây mù: Áp dụng công nghệ này mà cá lớn nhanh như thổi
Tỷ phú loài cá mõm nhọn như tên lửa trên đỉnh mây mù: Áp dụng công nghệ này mà cá lớn nhanh như thổi
Bùi Hồng Liên
Thứ hai, ngày 12/10/2020 06:00 AM (GMT+7)
Chưa bao giờ trong đầu người đàn ông này dám nghĩ mình đoạt được giải cao nhất trong một cuộc thi danh giá về nông nghiệp 4.0 mà bản thân ông tự khiêm tốn đánh giá dự án của mình cũng chỉ là "dạng vừa vừa".
"Được thông báo tin mình đoạt giải Vàng, đêm hôm đó tôi sướng quá, cả đêm không ngủ được…" - nông dân 4.0 Nguyễn Thế Hải chia sẻ.
Cơ duyên đến với loài cá "mõm nhọn như tên lửa"
"Tại sao anh lại chọn cá hồi, cá tầm mà không phải là hướng đi khác" - tôi hỏi. Anh Hải lắc đầu: "Cơ may đến với mình đúng lúc khó khăn, có việc là mình làm mà phải làm hết sức mình".
Lễ trao giải Cuộc thi "Làm nông thời công nghệ 4.0" sẽ được tổ chức vào ngày 13/10 tới đây tại Khách sạn Quân đội (Army), số 1 Nguyễn Tri Phương, Ba Đình (Hà Nội).
Thế rồi, người đàn ông 50 tuổi này say sưa kể cho tôi nghe về câu chuyện cái duyên để anh nuôi cá tầm, cá hồi và dự án "Ứng dụng công nghệ lọc nước tuần hoàn trong ấp trứng cá tầm, cá hồi và xử lý nguồn nước trước và sau sử dụng" ở thôn Can Hồ Mông, xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Anh Hải kể, Lào Cai là tỉnh có lợi thế to lớn cho phát triển nuôi đối tượng cá nước lạnh tại các huyện Sa Pa, Bát Xát, Bắc Hà..., với hệ thống nước suối có nhiệt độ thấp từ 8-20ºC và biên độ dao động ổn định, nguồn nước trong sạch, không bị ô nhiễm...Tuy nhiên, với địa hình miền núi cao, sản xuất cá nước lạnh có nhiều khó khăn. Hạ tầng chưa phát triển, việc khai thác và sử dụng nguồn nước lạnh chưa phát huy hết tiềm năng, hiệu quả, vẫn còn tình trạng sử dụng nguồn nước lạnh lãng phí nhất là các cơ sở nuôi ở vị trí đầu nguồn nên xảy ra tranh chấp về nguồn nước, phát sinh dịch bệnh.
Con giống và nguồn nước
"Trong cả quy trình nuôi thả, quản lý những loài cá "quý tộc" này, có rất nhiều yếu tố có thể chủ động được. Đặc biệt, trong đó con giống và nguồn nước có vai trò quyết định đến năng suất, chất lượng cá thì lại phụ thuộc rất nhiều vào mức độ đầu tư, ứng dụng KHKT công nghệ của mỗi cơ sở" - anh Hải nhấn mạnh.
Năm 2017, anh Hải bắt đầu khảo sát, đầu tư cơ sở sản xuất cá hồi, cá tầm. Nghiên cứu, học hỏi rồi đầu tư sản xuất, trong quá trình sản xuất lại không ngừng tìm hiểu, học hỏi hoàn thiện quy trình, anh Hải nhận thấy 2 vấn đề cần đầu tư vào ứng dụng khoa học công nghệ mới đạt được hiệu quả sản xuất bền vững đó là: Con giống và nguồn nước.
Nhờ ứng dụng công nghệ lọc nước tuần hoàn trong ấp trứng cá hồi, cá tầm, mà trang trại cá của anh nông dân Nguyễn Thế Hải luôn là điểm đến học hỏi kinh nghiệm của nhiều hộ gia đình mong muốn thay đổi cách nuôi cá truyền thống. Đồng thời, việc đảm bảo nguồn cung cấp giống cá đã giúp cho nhiều hộ nông dân nuôi cá của Sa Pa mạnh dạn đầu tư, xây thêm bể cá để mở rộng quy mô sản xuất.
Chẳng nói với ai câu nào trừ vợ, dốc hết vốn liếng anh tới Phần Lan và một số nước để tham khảo mua giống và xem công nghệ sản xuất giống những loài cá "quý tộc".
Anh Hải bảo, việc sử dụng nguồn nước lạnh ồ ạt ở địa phương dẫn tới việc xảy ra tình trạng thiếu nước, chất lượng nước ngày một kém thậm chí có nhiều lúc nước còn bị ô nhiễm dịch bệnh, vào mùa mưa sạt lở thì nguồn nước bị đục... không đáp ứng được yêu cầu sản xuất thì việc xử lý nguồn nước đầu vào cho sản xuất là đặc biệt quan trọng...
Để giải quyết triệt để các khó khăn này với mong muốn nâng cao hiệu quả sản xuất của gia đình và góp phần bảo vệ nguồn nước cho vùng sản xuất, bảo vệ môi trường, anh Nguyễn Thế Hải đã mạnh dạn áp dụng công nghệ lọc nước tuần hoàn của Phần Lan và tham khảo công nghệ của Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản 1 (có cải tiến cho phù hợp với thực tế) trong ấp trứng cá tầm, cá hồi và xây bể lọc xử lý nguồn nước đầu vào và bể xử lý nước sau sản xuất trước khi thải ra môi trường.
"Cái khoa học công nghệ ở Phần Lan nó ưu việt chứ, người ta nuôi và thành công như thế cơ mà. Nói ưu việt là bởi ưu điểm của hệ thống lọc này là tiết kiệm nước, có thể điều chỉnh nhiệt độ nước phù hợp với từng thời điểm, do đó tỷ lệ nở trứng cá cao, năng suất cao gấp nhiều lần so với nuôi bình thường" - anh Hải nghiêm túc nói.
Trứng cá đã thụ tinh có nguồn gốc rõ ràng, được sản xuất từ cơ sở uy tín và được kiểm dịch, kiểm tra chất lượng của cơ quản quản lý nhà nước trước khi đưa vào sản xuất, thường xuyên cập nhật hồ sơ lưu trữ và chỉ sử dụng thuốc, sản phẩm xử lý môi trường được phép lưu hành tại Việt Nam,...
Lợi nhuận 2 tỷ mỗi năm
Cá tầm, cá hồi được nuôi trồng trong nguồn nước đã được xử lý phát triển tốt, đồng đều, không dịch bệnh. Tuân thủ thực hiện thu gom, phân loại, xử lý kịp thời các chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại phát sinh trong quá trình sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản theo quy định hiện hành. Với kết quả như trên, cơ sở sản xuất cá tầm, cá hồi của anh đã được chứng nhận cơ sở sản xuất theo quy chuẩn VietGAP.
"Việc quảng bá và bán cá giống, cá thịt chủ yếu trên Zalo, Facebook và trao đổi đặt hàng trên điện thoại của cá nhân của tôi. Đối với cá giống, tôi xuất bán cho thị trường trong tỉnh, đối với cá thịt ngoài bán trong tỉnh, tôi còn xuất bán cho thị trường Hà Nội, Thái Nguyên… Đợt dịch Covid-19 vừa qua, trang trại cá của tôi cũng không bị ảnh hưởng nhiều. Cụ thể, cá giống của tôi vẫn xuất bán như bình thường, chỉ có cá thịt thì bị giảm 20-30% so với lúc chưa có dịch"- anh Hải chia sẻ.
Mỗi năm anh Hải sản xuất được trên 150 vạn cá hồi giống, trên 50 vạn cá hầm giống đáp ứng nhu cầu sản xuất cá thương phẩm của gia đình và cung ứng cá giống cho các cơ sở nuôi trong tỉnh. Với thị trường hiện tại, giá bán cá hồi giống là 5.000-7.000 đồng/con, cá tầm là 12.000-15.000 đồng/con, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình. "Lợi nhuận từ sản xuất cá giống lên đến 2 tỷ đồng/năm" – anh Hải phấn khởi khoe.
Bà Minh Hà - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lào Cai cho biết: "Hiện, toàn tỉnh có trên 150 cơ sở và hộ dân nuôi cá nước lạnh với thể tích nuôi 55.720m3 nên khó khăn về chất lượng nguồn nước đầu vào cho các bể nuôi cũng như nước thải ra sau quá trình sản xuất là một thách thức không nhỏ cho các hộ nuôi cũng như sự phát triển bền vững của vùng nuôi. Với những kết quả ứng dụng công nghệ xử lý nước của hộ anh Nguyễn Thế Hải và sự tích cực tuyên truyền, vận động của Hội Nông dân tỉnh Lào Cai và cá nhân anh Hải, chúng tôi tin rằng trong thời gian tới sẽ có nhiều hộ thả nuôi cá nước lạnh sẽ cùng áp tham gia để nâng cao hiệu quả sản xuất".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.