Tỷ phú sầu riêng ở Đồng Nai, vô vườn nhìn đâu cũng thấy trái, nhiều người đến xem

Thứ tư, ngày 02/08/2023 18:54 PM (GMT+7)
Ông Phạm Văn Nhanh, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Phú An trồng sầu riêng ở huyện Tân Phú, (tỉnh Đồng Nai) là một trong những điển hình tiêu biểu. Không chỉ làm giàu cho mình, ông còn giúp nhiều nông dân khác cùng vươn lên trở thành tỷ phú.
Bình luận 0

Những năm gần đây, từ phong trào thi đua phát triển kinh tế, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp hiệu quả, mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Nỗ lực làm giàu

Những ngày đầu bước chân  lập nghiệp ở vùng đất ấp 4, xã Phú An (huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai), ông Phạm Văn Nhanh cũng như nhiều nông dân trong xã chủ yếu canh tác cây điều, cây mía.

Dù nỗ lực bám đất, bám rẫy nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Khoảng giữa năm 2000, ông Nhanh bắt đầu mạnh dạn chuyển qua trồng sầu riêng.

Là loại cây trồng mới, phải đối diện với nhiều thách thức, rủi ro song nhờ chịu khó học hỏi và tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất, ông đã thành công với mô hình này. Vùng đất bạc màu năm nào giờ đây đã mang về cho ông khoản thu nhập tiền tỷ.

Tỷ phú sầu riêng ở Đồng Nai, vô vườn nhìn đâu cũng thấy trái, nhiều người đến xem - Ảnh 1.

Ông Phạm Văn Nhanh (thứ hai, từ trái qua), tỷ phú nông dân trồng sầu riêng chia sẻ về kỹ thuật trồng sầu riêng. HTX Dịch vụ nông nghiệp Phú An (huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) do ông Nhanh làm Giám đốc đang trồng 200ha sầu riêng.  Ảnh: Đ.LÊ.

Theo ông Phạm Văn Nhanh, lúc đầu ông trồng sầu riêng cũng rất khó khăn. Đặc biệt là về khoa học kỹ thuật, chưa nắm rõ quy trình sản xuất, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, những dịch bệnh trên cây sầu riêng vẫn còn xảy ra. 

Trải qua nhiều năm, ông cũng đã nắm bắt được, đồng thời tham gia các buổi hội thảo và tuyên truyền cho các thành viên trong HTX. Nhìn chung bà con rất phấn khởi cũng nhờ có mã vùng trồng và áp dụng những khoa học kỹ thuật hiện đại.

Hiện nay, ông Nhanh có 7ha trồng sầu riêng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, mang lại thu nhập hàng năm cho gia đình trên 4 tỷ đồng; giải quyết việc làm thường xuyên cho 20 lao động và khoảng 13 lao động thời vụ.

Theo bà Lại Thị Thảo, Chủ tịch UBND xã Phú An (huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) thì ông Nhanh là một trong những người đầu tiên của Phú An gắn bó với cây sầu riêng. 

Từ hộ trước đây khó khăn trở thành hộ giàu của địa phương, hàng năm mang lại thu nhập lớn từ cây sầu riêng. 

Để HTX Dịch vụ nông nghiệp Phú An hoạt động bài bản và được cấp mã số vùng trồng cây sầu riêng như hiện nay, ông Nhanh đã đổ rất nhiều tâm huyết. Vừa làm giàu cho mình, ông cũng đóng góp  kinh phí làm đường, hỗ trợ cho những hộ khó khăn ở địa phương.

Liên kết phát triển mô hình kinh tế HTX trồng sầu riêng

Không chỉ phát triển kinh tế cho bản thân, ông Nhanh cũng đã đứng ra vận động và thành lập HTX Phú An. Hiện nay, HTX do ông Nhanh điều hành đã tổ chức sản xuất, kinh doanh hiệu quả với 200ha sầu riêng đã đạt chuẩn VietGAP và tiến hành xuất khẩu sầu riêng thành công qua thị trường Trung Quốc theo đường chính ngạch. 

Với vai trò của mình, ông đã hướng dẫn cho thành viên HTX và hội viên nông dân đăng ký thủ tục mã vùng trồng sầu riêng. Đến nay HTX đã được cấp 1 mã vùng trồng cho 17 hộ với tổng diện tích 122 ha sầu riêng.

Bên cạnh đó, ông cũng là người tích cực tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Theo ông Phạm Thanh Toản, người dân xã Phú An  thì ông Phạm Văn Nhanh làm trưởng ấp đã tận tình giúp đỡ bà con, hướng dẫn cách chăm sóc cây sầu riêng. Những bà con không biết quy trình chăm sóc cây sầu riêng thì được hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất đạt năng suất cao hơn.

Ông Phạm Văn Nhanh chia sẻ, ở địa phương hiện có khoảng 600ha diện tích sầu riêng và cũng đã thành lập thêm 3 tổ hợp tác. 

Việc làm mã vùng trồng cho cây sầu riêng rất quan trọng vì sẽ được mua bán, xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Trung Quốc chứ không phải buôn bán trôi nổi thông qua thương lái như trước đây. 

Để xây dựng thương hiệu và phát triển bền vững cây trồng có giá trị kinh tế cao này, ngoài việc đăng ký mã vùng trồng để xuất khẩu thì các ngành và chính quyền địa phương cần có định hướng quy hoạch vùng phát triển, tránh tình trạng nông dân tự phát ồ ạt trồng. 

Đồng thời hơn ai hết nông dân trồng sầu riêng cũng phải tuân thủ đúng các quy trình, tiêu chuẩn về sản xuất sầu riêng đáp ứng được thị trường xuất khẩu.

Nhờ nỗ lực phấn đấu và có những bước đi mạnh dạn trong sản xuất mà ông Nhanh không chỉ vươn trở thành lên thành tỷ phú, qua đó còn dẫn dắt nhiều nông dân ở địa phương phát triển hiệu quả mô hình trồng sầu riêng, mang lại thu nhập cao cho người dân trong vùng.

Với sự đóng góp đó, ông Phạm Văn Nhanh đã được UBND tỉnh Đồng Nai tặng Bằng khen nông dân điển hình tiên tiến tiêu biểu tỉnh Đồng Nai năm 2023 và được tuyên dương gương điển hình tiên tiến tỉnh Đồng Nai năm 2023.

Minh Long-Đào Lê (Báo Đồng Nai)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem