UBND và Chủ tịch 14 tỉnh, thành bị nhắc đích danh phải thi hành bản án từ 2021 về trước

Nguyễn Hoà Thứ bảy, ngày 25/03/2023 19:00 PM (GMT+7)
Bộ Tư pháp vừa đề nghị UBND, Chủ tịch UBND nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải có giải pháp tổ chức thi hành dứt điểm hàng chục bản án có hiệu lực từ năm 2021 trở về trước.
Bình luận 0

Bộ Tư pháp vừa phát đi thông tin gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị quan tâm, chỉ đạo thực hiện và báo cáo tình hình chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và kết quả thi hành án hành chính.

Theo Bộ Tư pháp, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp tăng cường kiểm tra công tác chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính, kiến nghị xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có vi phạm.

Đồng thời theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các bộ, ngành địa phương trong công tác chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính…

UBND, Chủ tịch 14 tỉnh, thành bị nhắc đích danh phải thi hành bản án từ 2021 về trước - Ảnh 1.

TP.HCM là 1 trong 14 địa phương bị Bộ Tư pháp đề nghị phải có giải pháp thi hành dứt điểm 56 bản án thuộc trách nhiệm có hiệu lực từ năm 2021 trở về trước nhưng đến năm 2023 chưa thi hành xong. Ảnh: Vũ Tú/Laodong

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Tư pháp đề nghị các đơn vị liên quan tiếp tục quan tâm, phối hợp, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật tố tụng hành chính, thi hành án hành chính và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, Bộ Tư pháp đề nghị các bộ, ngành và địa phương tập trung quan tâm, chỉ đạo, quán triệt, thực hiện, chỉ đạo thực hiện các giải pháp để nâng cao hiệu quả việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính; chỉ đạo rà soát và tổ chức thi hành dứt điểm các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính đã có hiệu lực thi hành.

Bộ Tư pháp đề nghị UBND, Chủ tịch UBND các tỉnh, TP.Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Bắc Kạn, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Cà Mau, Đắk Lắk, Kiên Giang, Khánh Hòa, Phú Yên, Quảng Trị, Thanh Hóa, Tiền Giang có giải pháp tổ chức thi hành dứt điểm 56 bản án thuộc trách nhiệm thi hành của UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh có hiệu lực thi hành từ năm 2021 trở về trước nhưng đến nay chưa thi hành xong.

Bộ Tư pháp cũng đề nghị các đơn vị chỉ đạo làm rõ nguyên nhân, xem xét và xử lý trách nhiệm theo quy định đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan trong các vụ việc trên theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Tư pháp cũng đề nghị các đơn vị phối hợp với Bộ Tư pháp triển khai rà soát, đánh giá và báo cáo tình hình chấp hành pháp luật tố tụng hành chính, kết quả công tác thi hành án hành chính tại địa phương khi có kế hoạch kiểm tra hoặc thông báo lịch làm việc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, án hành chính hiện nay đang có vấn đề, đang có rất nhiều tồn tại xung quanh án hành chính.

Theo ông Bình, tỷ lệ hủy, sửa nhiều hơn các án khác, có năm lên đến 4% và án hành chính không được thực thi nghiêm túc, gây bức xúc cho người dân.

"Những tồn tại này có phải do thẩm phán nể nang hay không? Báo cáo với Quốc hội việc nể nang là có thật. Khi xét xử, các thẩm phán xét xử các vụ án của UBND cùng cấp thì cũng có câu chuyện nể nang, nhưng tỷ lệ không nhiều. Đại đa số các thẩm phán đều phát huy bản lĩnh, chuyên nghiệp, xét xử các vụ án hành chính nghiêm túc, tuy vậy việc nể nang vẫn còn chứ không phải không có" - Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình khẳng định, việc nể nang không phải nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ huỷ, sửa án hành chính cao. Tỷ lệ huỷ, sửa cao đến từ do các tranh chấp phát sinh có xu hướng tăng về số lượng và chủ yếu liên quan đến đất đai rất phức tạp.

Việc đánh giá chứng cứ, áp dụng pháp luật trong một số vụ án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng UBND, Chủ tịch UBND hoặc người đại diện không chấp hành nghiêm quy định của luật Tố tụng hành chính.

Cụ thể, nhiều vụ án UBND, Chủ tịch UBND cung cấp tài liệu, chứng cứ không đầy đủ hoặc không đúng thời hạn theo yêu cầu của tòa án, có vụ việc không cung cấp chứng cứ dẫn đến thời gian giải quyết vụ án bị kéo dài.

Nhiều vụ án, Chủ tịch UBND hoặc người đại diện có đơn xin giải quyết, xét xử vắng mặt, thậm chí có trường hợp vắng mặt tại các phiên đối thoại hoặc các phiên tòa nhưng không có đơn xin phép vắng mặt. Điều này dẫn đến tòa án phải hoãn phiên tòa, gây khó khăn cho công tác xét xử và bức xúc cho người khởi kiện.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem