UBND huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La thông tin vụ cá chết hàng loạt sau phản ánh của Báo Dân Việt
UBND huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La thông tin vụ cá chết hàng loạt sau phản ánh của Báo Dân Việt
Tuệ Linh - Phạm Hoài
Thứ tư, ngày 29/11/2023 19:28 PM (GMT+7)
Sau bài phản ánh của Báo Dân Việt về tình trạng cá chết hàng loạt nghi do chất thải sơ chế cà phê ở xã Mường Bon, UBND huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La đã có báo cáo phản hồi.
Clip: Cá chết hàng loạt tại hộ gia đình ông Nguyễn Bá Mạnh ở bản Mứn Đoàn Kết, xã Mường Bon, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La.
Tối ngày 28/11/2023, Báo Dân Việt có bài: "Sơn La: Cá chết hàng loạt nghi do sơ chế cà phê ở đầu nguồn", phản ánh về tình trạng cá chết hàng loạt của hộ gia đình ông Nguyễn Bá Mạnh ở bản Mứn Đoàn Kết, xã Mường Bon, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La.
Sau khi Báo Dân Việt phản ánh, ngày 29/11/2023, UBND huyện Mai Sơn đã có báo cáo số 1335/BC-UBND gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sơn La về kết quả xác minh phản ánh của cơ quan truyền thông và mạng xã hội về tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động sơ chế cà phê quả tươi.
Một phần thông tin trong báo cáo nêu rõ: Vào 21 giờ 28 phút ngày 28/11/2023, Báo Dân Việt có đăng bài: Sơn La: "Cá chết hàng loạt nghi do sơ chế cà phê ở đầu nguồn".
UBND huyện Mai Sơn ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động sơ chế cà phê
Theo đó, nhận định được vấn đề ô nhiễm môi trường do hoạt động sơ chế cà phê quả tươi diễn ra khi vào niên vụ, ngay từ đầu năm, UBND huyện Mai Sơn đã kiện toàn Đoàn liên ngành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước và khoáng sản đối với các tổ chức, cá nhân trên địa bàn (Quyết định số 1570/QĐ-UBND ngày 22/8/2023); Kế hoạch số 11/KH-ĐLN ngày 06/10/2023 về thực hiện công tác quản lý, bảo vệ môi trường, tài nguyên nước trong hoạt động sơ chế, chế biến nông sản niên vụ 2023-2024 trên địa bàn huyện Mai Sơn và ban hành 06 văn bản chỉ đạo triển khai công tác bảo vệ môi trường, nguồn nước trong hoạt động sơ chế nông sản.
Qua rà soát niên vụ 2023 - 2024 có 145 hộ đăng ký sơ chế cà phê quả tươi tại 7 xã (Chiềng Mung, Chiềng Ban, Chiềng Mai, Chiềng Dong, Chiềng Lương, Nà Ớt, Chiềng Chung) và đã thực hiện ký cam kết về bảo vệ môi trường với UBND cấp xã. Trong đó có 66/145 hộ sơ chế cà phê đã được xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường, đăng ký môi trường với UBND xã. Các hộ còn lại đang tiếp tục hoàn thiện công trình thu gom, xử lý, lưu chứa nước thải và hồ sơ môi trường theo quy định.
Tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động sơ chế cà phê quả tươi diễn ra từ đầu tháng 11 đến nay, do đã bước vào chính vụ...
Đối với tình trạng cá chết tại xã Mường Bon: Ngày 28/11/2023, Đoàn liên ngành của huyện đã phối hợp UBND xã Mường Bon, Trung tâm Quan trắc Sở Tài nguyên và Môi trường xác minh, cá tại ao của hộ ông Nguyễn Bá Mạnh tại bản Mứn Đoàn Kết, xã Mường Bon xuất hiện tình trạng chết cá từ ngày 24/11/2023.
Nguồn nước dẫn vào ao cá lấy từ nguồn suối chảy từ xã Chiềng Ban, Chiềng Mung chảy qua bản Lẳm Cút và bản Mứn Đoàn Kết. Đoàn công tác lấy 2 mẫu nước mặt tại suối và ao cá của ông Nguyễn Bá Mạnh; 1 mẫu nước dưới đất của hộ ông Lò Văn Cới, bản Mứn Đoàn Kết (cách ao cá khoảng 200m).
Qua kiểm tra, xác minh, UBND huyện Mai Sơn nhận định: Nội dung phản ánh của Báo điện tử Dân Việt về tình trạng các chết tại xã Mường Bon là có cơ sở. Ô nhiễm môi trường do ảnh hưởng từ hoạt động sơ chế, chế biến cà phê quả tươi của các hộ gia đình, cá nhân là vấn đề không mới và thường xuyên tái diễn khi vào vụ. Tuy nhiên, để giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường gặp rất nhiều khó khăn.
Mai Sơn gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường
Thực tế cây cà phê đang là cây trồng chủ lực trên địa bàn một số huyện, thành phố của tỉnh Sơn La và các dòng suối hiện nay đều là điểm tiếp nhận nước thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi, nước thải sinh hoạt... của các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức từ thượng lưu đổ về.
Mặt khác, hiện nay hầu như cà phê quả tươi đang đổ dồn về huyện Mai Sơn, 4 cơ sở chế biến cà phê quy mô tập trung trên địa bàn tỉnh mới chỉ đáp ứng thu mua, chế biến được khoảng 1/4 sản lượng cà phê quả tươi.
Chính quyền một số xã, thị trấn chưa tập trung quan tâm chỉ đạo công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, còn ỷ lại và trông chờ vào cơ quan chuyên môn cấp huyện (chưa thực hiện hết chức trách, nhiệm vụ của mình trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường).
Chưa phát huy được sức mạnh của người dân trong việc đấu tranh với những hành vi vi phạm về môi trường.
Số lượng cán bộ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình phát triển kinh tế hiện nay, các xã, thị trấn chưa có cán bộ chuyên trách làm công tác quản lý về môi trường mà do công chức địa chính xây dựng kiêm nhiệm. Trong khi đó địa bàn rộng, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh phát sinh chất thải và sơ chế nông sản, chăn nuôi quy mô nông hộ.
Đối tượng tác động trực tiếp đến môi trường chủ yếu là các hộ gia đình, cá nhân không có nghề nghiệp ổn định, kinh tế hộ gia đình chủ yếu là chăn nuôi, trồng trọt, sơ chế nông sản, không có đủ quỹ đất để thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải đảm bảo quy chuẩn; ý thức chấp hành pháp luật còn thấp gây khó khăn cho công chức và chính quyền cơ sở trong thực thi nhiệm vụ.
Các đối tượng vi phạm có nhiều thủ đoạn nhằm chống đối cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ, vi phạm vào ngày nghỉ, ban đêm, sử dụng các thiết bị dễ thu hồi, cất giữ sau khi vi phạm, trốn tránh khi được kiểm tra... nên khó khăn trong việc kiểm tra, bắt quả tang lập hồ sơ xử lý vi phạm.
Triển khai nhiều giải pháp để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường
Về giải pháp trong thời gian tới, UBND huyện Mai Sơn giao UBND xã Chiềng Mai, Mường Bon: Thông tin tới nhân dân về các nhiệm vụ cơ quan chức năng đã triển khai khi vào niên vụ cà phê; yêu cầu nhân dân trung thực trong việc cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng và cơ quan truyền thông; khuyến cáo nhân dân không thực hiện dẫn nước từ các suối bị ô nhiễm vào ao, hồ nuôi cá.
Giao UBND xã Chiềng Ban, Chiềng Mung: Tiếp tục ra quân kiểm tra toàn bộ các hoạt động sơ chế, chế biến cà phê của các cơ sở trên địa bàn, cương quyết đình chỉ hoạt động sản xuất và xử lý theo đúng quy định đối với các cơ sở không có các hồ sơ thủ tục pháp lý về bảo vệ môi trường, không có các công trình biện pháp thu gom, lưu giữ, xử lý chất thải (nước thải, bã vỏ cà phê) đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật về môi trường.
Giao Đoàn liên ngành theo Quyết định số 1570/QĐ-UBND ngày 22/8/2023: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các sơ chế, chế biến nông sản thuộc thẩm quyền xác nhận thủ tục môi trường của UBND huyện, tham mưu xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định (nếu có). Đôn đốc, hướng dẫn UBND xã hoàn thiện hồ sơ xử lý vi phạm (nếu có) đảm bảo theo quy định hiện hành.
Giao UBND xã Chiềng Mai chủ trì, phối hợp với các phòng, ban, đơn vị của huyện tổ chức hội nghị triển khai quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở chế biến cà phê trên địa bàn xã và các giải pháp liên quan đến bảo vệ môi trường trong hoạt động sơ chế cà phê niên vụ 2023 - 2024.
UBND huyện Mai Sơn kiến nghị, đề xuất UBND tỉnh Sơn La giao Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tăng cường các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động sơ chế, chế biến nông sản. Chỉ đạo các sở ban ngành đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án phát triển vùng nguyên liệu cà phê gắn với chế biến, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Sơn La đã được phê duyệt tại Quyết định số 331/QĐ-UBND ngày 01/3/2021 của UBND tỉnh Sơn La.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.