Ukraine nóng bỏng trở lại

Thứ ba, ngày 11/03/2014 07:02 AM (GMT+7)
Tại nhiều thành phố ở Ukraine đã xuất hiện những cuộc tuần hành đẫm máu, giữa hai phe, một bên là ủng hộ sự thống nhất của Ukraine còn một bên là ủng hộ Nga.
Bình luận 0
Tại thành phố Sevastopol, phe thân Nga đã đánh đập những người biểu tình đối lập. Còn tại thành phố phía Đông Luhansk, những người thân Nga đã giành được trụ sở chính quyền địa phương và buộc thị trưởng từ chức. Hàng trăm người thân Nga đã sử dụng gậy gộc tấn công một nhóm người Ukraine tụ họp kỷ niệm 200 năm Ngày sinh của nhà thơ Taras Chevtchenko - anh hùng tranh đấu cho nền độc lập của Ukraine. Cũng nhân ngày lễ biểu tượng này, người dân Ukraine được kêu gọi biểu dương tinh thần độc lập trên toàn quốc. Tại Kiev, Thủ tướng lâm thời Arseni Iatseniouk tuyên bố là “Ukraine không nhường cho Nga một cm lãnh thổ”.

“Tối hậu thư”

Ngày 9.3, Bộ Ngoại giao Nga đã ra tuyên bố nêu rõ, Nga phẫn nộ trước tình trạng vô luật pháp đang chiếm ưu thế tại các vùng phía Đông Ukraine do hậu quả hành động của các chiến binh được gọi là “cánh hữu” được sự dung túng của những người tự xưng danh là chính phủ mới. Trang web của Bộ Ngoại giao Nga cũng đưa tin: “Tình trạng đã đến mức mà ngày 8.3, những người vũ trang đeo mặt nạ đã nổ súng vào người biểu tình hòa bình tại Kharkov. Kết quả là có những người bị thương”. Ngoài ra, Mátxcơva cũng cáo buộc, cảnh sát Dnipropetrovsk bắt giữ 7 nhà báo Nga, với lý do được cho là họ chỉ quan tâm đến “một số hình ảnh khiêu khích”.

Cảnh sát chống bạo động Ukraine chặn lối vào tòa nhà chính quyền ở Donetsk ngày 9.3.
Cảnh sát chống bạo động Ukraine chặn lối vào tòa nhà chính quyền ở Donetsk ngày 9.3.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga cho rằng “các quan chức Ukraine vi phạm của tất cả các hiệp định song phương, không cho công dân Nga vào lãnh thổ Ukraine, thực sự đã đặt ra rào cản cho sự hợp tác biên giới”.

Tuy nhiên, trái ngược với tuyên bố của Mátxcơva, Kiev lại cho rằng, chính Nga mới là đầu mối của sự bất ổn hiện nay. Ngày 9.3, người đứng đầu Trung tâm truyền thông Bộ Quốc phòng Ukraine tại Crimea - ông Vladislav Seleznev dẫn các nguồn tin tại Kerch cho biết, lính thủy đánh bộ của Hải quân Ukraine tại thành phố này đã được Nga trao thời hạn tới ngày 16.3 để "suy nghĩ và đưa ra quyết định về nơi họ sẵn sàng phục vụ".

Trang mạng báo Ukraine Ngày nay ngày 10.3 dẫn nguồn trên cho biết trong ngày 9.3, người đứng đầu đơn vị bảo vệ bờ biển Hạm đội Biển Đen của Nga - Thiếu tướng Alexander Ostrikov đã nhiều lần tới gặp các binh sĩ “mũ nồi đen” của Ukraine. Theo ông Seleznev: “Đại diện Hạm đội Biển Đen đã đề nghị suy nghĩ tới ngày 16.3 để ra quyết định về nơi sẵn sàng tiếp tục phục vụ và viết các báo cáo liên quan”. Các thủy thủ Ukraine được hứa sẽ được trả lương theo tiêu chuẩn của Liên bang Nga cùng các ưu đãi khác. Ông còn cho biết: “Trong trường hợp ngược lại, các binh sĩ lính thủy đánh bộ của Hải quân Ukraine sẽ đối mặt với hành động vũ lực”. Hiện phía Nga chưa có bình luận gì trước thông tin này.

Phương Tây quyết siết chặt Nga

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã điện đàm với 6 nhà lãnh đạo phương Tây trong đó có Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức. Cùng lúc đó, Ngoại trưởng John Kerry một lần nữa điện thoại với đồng sự Nga Serguei Lavrov và cảnh báo mọi nỗ lực ngoại giao sẽ tiêu tan nếu Nga có động thái sáp nhập Crimea. Cho đến nay, Nhà Trắng đã chuẩn bị kế hoạch trừng phạt nhằm vào Nga, tuy nhiên, giới doanh nhân Mỹ đã đưa ra những cảnh báo khiến Nhà Trắng cần phải cân nhắc.

Ngày 10.3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh với Tổng thống Mỹ Barack Obama rằng tất cả các bên cần bình tĩnh và kiềm chế liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine nhằm tránh làm leo thang căng thẳng. Thông cáo đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc trích lời ông Tập Cận Bình: “Cần sử dụng các giải pháp chính trị và ngoại giao để giải quyết cuộc khủng hoảng này”.

Các lãnh đạo doanh nghiệp lớn như Pepsico, General Electric hay Boeing gây áp lực với chính quyền Obama và Quốc hội để được bảo đảm nếu trừng phạt Nga thì các biện pháp phải được áp dụng đồng loạt trên thế giới chứ không chỉ có Mỹ đơn phương thực thi.

Các tập đoàn hiện đang đầu tư rất lớn vào Nga này muốn tránh bị Mátxcơva trả đũa nếu như các nước khác - đặc biệt là EU không hưởng ứng trừng phạt cùng với Mỹ. Năm 2012, Pepsico đã kiếm được gần 5 tỷ USD trong các hoạt động ở Nga. General Electric thì sản xuất các động cơ chạy khí đốt tại hai nhà máy ở Nga, còn Boeing vẫn là nhà cung cấp chủ lực máy bay cho hãng hàng không Nga.

Cựu đại sứ Mỹ tại Mátxcơva, Michael McFaul hoài nghi các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga có thể mang lại kết quả. Ông phát biểu trên tờ Washington Post rằng: “Tôi nghĩ, ông Putin sẵn sàng hy sinh nền kinh tế nếu ông ta quyết sáp nhập Crimea vào Nga”.

Đức Hoàng (Đức Hoàng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem