Ukraine quyết "xoay trục" về phía phương Tây
Theo hãng tin Reuters, với 303 phiếu ủng hộ, nhiều hơn 77 phiếu so với yêu cầu tối thiểu và chỉ có 8 phiếu chống, dự luật về bãi bỏ quy chế không liên kết đã được Quốc hội Ukraine thông qua ngày 23.12.
Quy chế không liên kết của Ukraine được xác lập vào năm 2010 đòi hỏi nước này trung lập về chính trị, không gia nhập bất kỳ liên minh quân sự nào và không dính líu đến các cuộc chiến tranh.
Quốc hội Ukraine đã thông qua dự luật bãi bỏ quy chế không liên kết, mở đường cho nước này gia nhập NATO.
Dự luật bãi bỏ quy chế không liên kết được Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko trình Quốc hội vào ngày 18.12. Ông Poroshenko đã yêu cầu dự luật này được thông qua khẩn cấp trong nỗ lực đưa Ukraine gia nhập Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
"Việc này sẽ dẫn đến hướng đi riêng của Ukraine: hội nhập vào châu Âu và châu Âu - Đại Tây Dương", ông Poroshenko viết trên Twitter cá nhân.
Tổng thống Petro Poroshenko cam kết sẽ tìm cách đưa Ukraine gia nhập NATO
Tương tự, phát biểu trước cuộc bỏ phiếu, Ngoại trưởng Ukraine, ông Pavlo Klimkin cũng nhấn mạnh, động thái trên tỏ rõ quyết tâm của Kiev nhằm xoay trục sang châu Âu và phương Tây.
“Cuộc bỏ phiếu sẽ giúp đẩy nhanh quá trình hội nhập của Ukraine vào châu Âu và khu vực châu Âu - Đại Tây Dương”, ông Klimkin khẳng định.
Trong khi đó, phóng viên BBC tại Kiev David Stern đưa tin, hiện chưa rõ khi nào Ukraine sẽ nộp đơn xin gia nhập NATO và nhiều quan chức xem đây là viễn cảnh còn xa vời.
Phát ngôn viên của NATO tại Brussels hôm qua cũng nhấn mạnh, cánh cửa NATO luôn rộng mở và Ukraine sẽ trở thành một thành viên của NATO nếu quốc gia này đưa ra đề nghị cũng như đáp ứng được những tiêu chuẩn và thực hiện những nguyên tắc cần thiết. Tuy nhiên, phát ngôn viên cũng lưu ý, việc xem xét, cân nhắc để gia nhập liên minh quân sự này sẽ phải mất hàng năm.
Phản ứng dữ dội của Nga
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 23.12 lên tiếng cảnh báo, việc Ukraine từ bỏ quy chế không liên kết sẽ chỉ khiến tình hình thêm căng thẳng.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov
Ông Lavrov nhấn mạnh, động thái trên là phản tác dụng, chỉ gây thêm đối đầu và tạo ảo tưởng rằng, việc thông qua những luật như vậy có thể giải quyết cuộc khủng hoảng sâu sắc trong nước của Ukraine.
"Nó sẽ chỉ làm leo thang đối đầu và tạo ra ảo tưởng rằng có thể giải quyết cuộc khủng hoảng sâu sắc bên trong Ukraine bằng việc thông qua những dự luật như vậy", hãng tin Itar-Tass dẫn lời ông Lavrov.
Theo ông Lavrov, con đường mang tính xây dựng và ý nghĩa hơn nhiều là "bắt đầu đối thoại với chính bộ phận người dân Ukraine, vốn đã bị lãng quên hoàn toàn kể từ khi xảy ra cuộc đảo chính".
Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh, Ukraine không còn con đường nào ngoài việc cải cách hiến pháp với sự tham gia của tất cả các khu vực, cùng các lực lượng chính trị ở nước này và lưu ý, Ukraine có trách nhiệm phải thực hiện một cuộc cải cách như vậy, vốn được thông qua hồi tháng 4.
Trong khi đó, theo Telegraph, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cũng lên tiếng cảnh báo rằng việc Ukraine bỏ quy chế trung lập sẽ mang lại "những hậu quả tiêu cực" và Nga sẽ phải "trả đũa".
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev
"Về bản chất, việc nộp đơn gia nhập NATO sẽ biến Ukraine thành một bên có thể sẽ đối đầu quân sự với Nga", ông Medvedev viết.
Tuy nhiên, theo Telegraph, Thủ tướng Medvedev không nói rõ các biện pháp trả đũa của Nga.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.