Ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học phát triển nông nghiệp vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên

Nguyễn Thịnh Thứ hai, ngày 23/10/2023 12:51 PM (GMT+7)
GS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đưa ra cái nhìn về ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao – công nghệ sinh học (CNSH), đồng thời tìm cách gỡ rào cản để phát huy nguồn lực trong ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tại vùng Tây Nguyên.
Bình luận 0

Tại Hội thảo "Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên", GS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã trình bày tham luận với chủ đề: "Ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học phát triển chuỗi sản phẩm nông nghiệp chủ lực, nông nghiệp hữu cơ vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên".

Nhìn tổng quan, GS.TS. Nguyễn Hồng Sơn đánh giá, vùng Tây Nguyên là một trong những trung tâm sản xuất nông sản hàng hóa lớn nhất cả nước với sự dồi dào về sản lượng và phong phú về chủng loại cây trồng. 

Thêm vào đó vùng Tây Nguyên còn có điều kiện khí hậu thuận lợi cho phát triển nhiều loại cây trồng có chất lượng cao, sản lượng lớn và khả năng cạnh tranh mạnh, như: Cà phê, hồ tiêu, bơ, sầu riêng, cao su, sâm Ngọc Linh… 

Ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học phát triển nông nghiệp vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên - Ảnh 1.

GS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam.

Trong một vài năm trở lại đây, nông nghiệp vùng Tây Nguyên ghi dấu ấn thành công khi có sự kết nối tiêu thụ nông sản phẩm một cách hiệu quả ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực cần kể đến như cà phê, cao su, hồ tiêu, sầu riêng, bơ…..Thậm chí, một số mặt hàng nông sản của vùng Tây Nguyên còn thâm nhập mạnh mẽ hơn vào các thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn hàng hóa cao như Nhật Bản và thị trường Châu Âu. 

Trong thời gian qua hầu hết lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên đều rất tích cực định hướng và chỉ đạo việc áp dụng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học (CNSH), nông nghiệp hữu cơ và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu cho các mặt hàng nông sản chủ lực của toàn vùng (cà phê, hồ tiêu, bơ, sầu riêng).

Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao – công nghệ sinh học (CNSH) - xu thế tất yếu trong thời đại công nghệ số

Theo GS.TS.Hồng Sơn, Nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) là một nền nông nghiệp ứng dụng hợp lý những công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội và bảo đảm sự phát triển nông nghiệp bền vững. 

"Phát triển các ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp và đổi mới KH&CN được coi là một trong những giải pháp then chốt, trọng tâm. Ứng dụng khoa học công nghệ giải quyết các thách thức trong phát triển nông nghiệp bằng các ưu việt của các công nghệ như: Công nghệ sinh học, công nghệ nhà kính, công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ cảm biến, tự động hóa, internet vạn vật… giúp sản xuất nông nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường. 

Mặt khác, nông nghiệp công nghệ cao giúp nông dân chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng nông sản. Cà phê, một trong những cây trồng chủ lực của Tây Nguyên đang được áp dụng nhiều ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất các sản phẩm nông sản phục vụ nội tiêu và xuất khẩu từ loại cây trồng này", ông Sơn nói.

Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam chỉ ra các công nghệ chọn tạo giống, quản lý giống. Ngoài ra, hệ thống tưới nước, thuốc bảo vệ thực vật và bón phân thông minh cũng đóng vai trò then chốt. Tiếp đến là các ứng dụng công nghệ mới trong thu hoạch, sơ chế và chế biến cà phê đã được nghiên cứu và dần áp dụng phổ biến.

Gỡ rào cản để phát huy nguồn lực trong ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tại vùng Tây Nguyên 

Ở góc độ khó khăn, GS.TS.Hồng Sơn chỉ ra những rào cản: "Những đóng góp của KH&CN cao trong sản xuất nông nghiệp vùng Tây Nguyên được nêu trên cho thấy việc phát triển sản xuất ứng dụng công nghệ cao là hướng đi đúng và đang tạo động lực mới cho ngành nông nghiệp toàn vùng. Tuy nhiên, dù có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển, ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại vùng Tây Nguyên vẫn còn gặp phải không ít khó khăn. 

Mô hình sản xuất nông nghiệp này đồng nghĩa với việc tổ chức sản xuất phải được thực hiện trên quy mô tương đối lớn và đầu tư tương xứng về mặt hạ tầng, công nghệ sản xuất trong khi dùng vốn đầu tư vào nông nghiệp tại nước ta còn thấp". 

Bên cạnh đó, thiếu đất quy mô lớn để đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ theo vùng sản xuất tập trung; thị trường tiêu thụ sản phẩm NNCNC còn hạn hẹp, không ổn định; bất cập trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, nhân lực còn hạn chế… là những rào cản cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao thời gian qua.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem