Uống “thả phanh” nhanh nhập viện
TS Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai) cho biết, ngộ độc rượu bắt đầu hay gặp ở thời điểm cận Tết, kéo dài đến hết cả những ngày nghỉ lễ. Do người Việt có thói quen, năm mới đi chúc Tết các gia đình đều có tiết mục “cụng ly” chúc nhau năm mới sức khỏe dồi dào, tài lộc tấn tới. Có những trường hợp đi chúc Tết theo đoàn thể, cơ quan, mỗi cá nhân sau một buổi sáng đi chúc Tết uống đến hàng 20 - 30 chén rượu, trong khi đó lại không ăn uống tử tế dẫn đến say bí tỉ, đến vài ngày sau người vẫn còn bủn rủn, mệt mỏi. Lời chúc sức khỏe, tài lộc chưa “linh nghiệm” đã thấy tốn thêm tiền vì nhập viện, và sức khỏe rõ là giảm sút rất nhiều, thậm chí gây ảnh hưởng lâu dài đến trí não nếu bị ngộ độc nặng.
(Ảnh minh họa)
Năm nào, khoa cũng phải tiếp nhận các bệnh nhân ngộ độc rượu. Như Tết 2103, có ngày tiếp nhận 5-10 bệnh nhân ngộ độc rượu. Các bệnh nhân ngộ độc rượu nhập viện trong tình trạng mê man, nôn, thậm chí chảy máu dạ dày do uống lượng rượu quá nhiều, gây ngộ độc cấp, có trường hợp tử vong vì uống phải rượu pha methanol. Hay như vụ rượu nếp 29 Hà Nội, đã có tới 6 bệnh nhân tử vong vì uống phải rượu pha methanol.
Những ca bệnh nhập viện vì ngộ độc rượu không chỉ khiến gia đình bệnh nhân mất tết, mà chính tính mạng bệnh nhân cũng bị đe dọa. Bởi tình trạng ngộ độc rượu không đơn giản là say rồi tỉnh, mà ngộ độc rượu có thể để lại nhiều di chứng, tai nạn có hại cho sức khỏe, thậm chí là nguy kịch đến tính mạng.
Bởi khi say rượu, người say rơi vào trạng thái kích thích, bệnh nhân nói nhiều, mất kiểm soát, rất dễ nổi khùng, đánh nhau.... và người say thường coi nhẹ những hành vi có hại cho sức khoẻ. Ví dụ lái xe nhanh, không an toàn, sinh hoạt tình dục không an toàn, gây tai nạn giao thông.
PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV Việt Đức cho biết, thực tế công tác cấp cứu, điều trị trong những năm qua cho thấy trong những ngày Tết, bệnh nhân vào viện cấp cứu vì TNGT phần lớn đều có men rượu. Những ca tai nạn nặng nề, chấn thương sọ não dù được phẫu thuật, điều trị kịp thời thì nhiều bệnh nhân vẫn để lại những di chứng về thần kinh suốt đời.
Đã ở trong trạng thái hưng phấn, nếu vẫn tiếp tục uống, nồng độ rượu trong máu tăng lên, sẽ có các biểu hiện như: hoang tưởng, ảo thị, ảo thính, co giật/động kinh, viêm đa khoa thần kinh… Nồng độ cồn trong máu quá cao có thể dẫn tới hôn mê và tử vong. Về lâu dài, rượu làm thoái hoá não bộ, gây các biểu hiện như parkinson, rối loạn trí nhớ, rối loạn tâm thần...
Bệnh nhân uống rượu nhiều, ngộ độc rượu nặng cũng gây ra hội chứng tiêu cơ vân do rượu. Những trường hợp này không điều trị có nguy cơ tử vong. Hay dù có giữ được tính mạng thì những người bệnh này cũng mang di chứng suốt đời, đó là từ một người khỏe mạnh bình thường trở thành bệnh nhân suy thận, phải sống nhờ lọc thận tại bệnh viện.
Để rượu là “chén vui”Các bác sĩ khuyến cáo, rượu khi vui cũng cần có chừng mực để phòng tránh những tai nạn, nguy cơ ngộ độc có thể xảy ra. Theo đó, cần lưu ý sử dụng những loại rượu có nguồn gốc rõ ràng, tránh sử dụng loại rượu tự nấu vì không loại trừ có những loại rượu thực chất là pha cồn với rượu. Tình trạng ngộ độc do uống phải rượu giả pha methanol rất nguy hiểm. Bởi nhìn bằng mắt thường, không phân biệt được rượu nấu thông thường và rượu pha methanol nên nếu uống phải, người bệnh cũng không phân biệt được đâu là rượu giả, đâu là rượu thật. Trong khi đó, khi uống phải rượu pha methanol (để tăng độ nặng của rượu), người bệnh cũng có những biểu hiện như say rượu khác như loạng choạng, hoa mắt... thì nhiều người nghĩ là say rượu, chỉ nằm nghỉ vài tiếng là hết say nên rất nguy hiểm. Bởi khi ngộ độc rượu pha methanol để lâu sẽ khiến người bệnh rơi vào tình trạng nguy hiểm do toan chuyển hóa nặng, tím tái, hôn mê, tụt huyết áp và có thể tử vong.
Vì thế, một người cần chú ý đến nguồn gốc của rượu. Đặc biệt sau khi uống rượu vài tiếng, có tình trạng đau đầu nhiều, hoa mắt chóng, mặt, đặc biệt mờ mắt như nhìn bóng mây, khẩn trương đưa bệnh nhân đến viện để kịp thời điều trị, để càng lâu, tình trạng ngộ độc methanol càng nặng nề, người bệnh có nguy cơ tử vong cao",
Không nên uống quá nhiều loại rượu khác nhau trong một bữa nhậu. Nguy cơ này rất hay gặp trong ngày Tết, bởi đi chúc Tết, du Xuân mỗi mỗi nhà lại là loại rượu khác nhau, người thì rượu ngoại, người thì rượu ngô đặc sản, người lại rượu dân tộc ngâm tắc kè, pha mật gấu…
Theo các chuyên gia y tế, ngay cả khi sử dụng những loại rượu có chất lượng tốt, nhưng uống quá liều lượng cũng sẽ có tác hại đến sức khoẻ, vì thế nên uống ở lượng vừa đủ để không gây hại cho sức khỏe. Trên thế giới, các nước dùng “Đơn vị rượu” là một đơn vị đo lường dùng để quy đổi các loại rượu bia với nhiều nồng độ khác nhau. “Đơn vị rượu” thường có từ 8-14g rượu nguyên chất chứa trong dung dịch đó. Mỗi đơn vị tương đương 270ml bia, hoặc 1 chén rượu vang 125ml, hay 1 chén rượu mạnh 25ml.
Với nam giới không nên uống quá 3 đơn vị rượu/ngày, tương đương là không quá 800ml bia mỗi ngày (không quá hai cốc bia hơi), không quá 3 chén rượu mạnh, và không quá 375ml rượu vang…đối với nam. Còn với nữ giới, không nên uống quá 2 đơn vị rượu/ngày.
Dân trí (Theo Dân trí)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.