Vì sao dự án bò sữa công nghệ cao ở tỉnh Bình Thuận chấm dứt hoạt động?
Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận đồng ý chủ trương chấm dứt hoạt động dự án chăn nuôi bò sữa công nghệ cao
Bùi Phụ
Chủ nhật, ngày 05/12/2021 19:14 PM (GMT+7)
Ngày 5/12, nguồn tin Dân Việt cho biết, ông Lê Tuấn Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành văn bản đồng ý chủ trương chấm dứt hoạt động của dự án trồng cây ngắn ngày và chăn nuôi bò sữa, bò thịt công nghệ cao tại xã Sông Bình, huyện Bắc Bình của Công ty Cổ phần Sữa Thông Thuận.
UBND tỉnh Bình Thuận giao Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn Công ty Cổ phần Sữa Thông Thuận tự thanh lý dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về thanh lý tài sản khi dự án đầu tư chấm dứt hoạt động theo quy định tại khoản 4 Điều 48 Luật Đầu tư năm 2020. Đồng thời, Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động dự án nói trên.
Xử phạt doanh nghiệp bò sữa
Bên cạnh đó tỉnh cũng giao Sở Tài nguyên Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND huyện Bắc Bình kiểm tra, xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm pháp luật về đất đai của Công ty CP Sữa Thông Thuận trên phần diện tích 368 ha tại xã Sông Bình của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận. Đồng thời, UBND huyện Bắc Bình có trách nhiệm phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận làm việc với công ty CP Sữa Thông Thuận để tiến hành giải quyết, xử lý các vấn đề liên quan đến thủ tục đất đai của dự án, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật và lợi ích của nhà đầu tư.
Trước đó, ngày 18/4/2017, Công ty CP sữa Thông Thuận phối hợp UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức lễ khởi công Khu phức hợp nông nghiệp công nghệ cao chăn nuôi bò và chế biến các sản phẩm từ sữa.
Khu phức hợp nông nghiệp công nghệ cao chăn nuôi bò và chế biến các sản phẩm từ sữa có tổng diện tích trên 835ha, bao gồm các dự án: Trồng cây ngắn ngày và chăn nuôi bò sữa, bò thịt công nghệ cao; dự án đầu tư Cụm công nghiệp Sông Bình (24ha), bao gồm xây dựng Nhà máy chế biến sữa, Nhà máy chế biến thịt, Nhà máy nước tinh khiết và Nhà máy bao bì, đóng gói theo công nghệ tiên tiến. Riêng Nhà máy chế biến sữa có vốn đầu tư 850 tỷ đồng, với quy mô: Sữa tươi tiệt trùng 100 triệu lít/năm; sữa chua 90 triệu hũ/năm; sữa đặc 85 triệu hộp/năm.
Theo Sở NNPTNT Bình Thuận, dự án thất bại do đã chọn vùng đất nghèo dinh dưỡng, khô hạn quanh năm, không thể đủ cỏ tươi để nuôi số lượng bò sữa tới gần 20.000 con. Chủ đầu tư từng nhập bò giống từ nước ngoài về đây, nhưng bò chết dần và chậm phát triển do thiếu cỏ tươi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.