Vạ miệng, văn hóa phát ngôn và chính quyền trọng dân

Hoàng Linh Thứ hai, ngày 04/07/2016 06:00 AM (GMT+7)
Có trường hợp không phải do vạ miệng hay bị cắt cúp mà là người phát ngôn có vấn đề về văn hóa.
Bình luận 0

 Sau khi Chính phủ công bố thủ phạm gây thảm họa môi trường biển miền Trung là Formosa, gần như ngay lập tức trên mạng xã hội truyền đi hình ảnh ông Võ Tuấn Nhân- Thứ trưởng Bộ TNMT cùng phát biểu gây sốc trước đó: “Thủ phạm gây cá chết là thủy triều đỏ, không phải Formosa”.

 Ông Võ Tuấn Nhân phủ nhận phát ngôn này.

 Ông Nhân cho hay, tại buổi họp báo ngày 27.4, ông đã đọc thông cáo báo chí công bố nguyên nhân ban đầu về việc cá chết hàng loạt tại miền Trung như sau:

"Sau cuộc họp kín liên Bộ chiều nay, cơ quan quản lý Nhà nước, các nhà khoa học đã đi tới thống nhất có 2 nhóm nguyên nhân chính dẫn hiện tượng cá chết hàng loạt:

Thứ nhất là do tác động của các độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người trên đất liền và trên biển. Thứ hai do hiện tượng dị thường tự nhiên tác động kết hợp với tác động của con người tạo nên hiện tượng tảo nở hoa của nước mà trên thế giới gọi là hiện tượng thủy triều đỏ.

"Đến thời điểm hiện nay, qua kiểm tra và thu thập chứng cứ, chưa có bằng chứng để kết luận về  quan hệ liên quan của Formosa và các nhà máy đến vấn đề cá chết hàng loạt.

Qua số liệu quan trắc và đánh giá của các cơ quan nghiên cứu khoa học, cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan, môi trường nước biển chưa phát hiện các thông số môi trường vượt quy chuẩn quy định", ông Nhân đọc rõ nội dung thông báo.

Theo lời ông Nhân, tại thời điểm cách 2 tháng, vị đại diện Bộ TNMT mới chỉ nói chưa có bằng chứng để kết luận về mối quan hệ liên quan của Formosa và các nhà máy đến vấn đề cá chết hàng loạt chứ không khẳng định "cá chết do thuỷ triều đỏ, không phải do Formosa".

 Như vậy theo ông Nhân đây là “vạ miệng” do cắt cúp phát biểu chứ ông không hề phát ngôn nguyên văn như vậy.

  Cũng trong vụ khủng hoảng truyền thông Formosa, ông Chu Xuân Phàm- đại diện truyền thông Formosa cũng làm công luận nổi giận với phát ngôn: “Muốn bắt cá, bắt tôm hay nhà máy,cứ chọn đi.Nếu chọn cả hai thì thủ tướng cũng không giải quyết được…”.

 Sau đó ông Chu Xuân Phàm không nói mình bị trích dẫn sai mà hành động rất trách nhiệm với bản thân là xin lỗi người dân Việt Nam về phát ngôn không đúng đắn của mình.

 Trong cả hai câu chuyện về phát ngôn nêu trên, ranh giới giữa cái gọi là “cắt cúp làm sai lệch nội dung” hay “rút gọn để tóm rõ ý chính” là rất mong manh, chỉ có người trong cuộc mới hiểu ý định thật sự của mình.

img

 Nhưng cũng có trường hợp không phải vạ miệng hay cắt cúp mà là người phát ngôn có vấn đề về văn hóa.

 Trao đổi với PV Tiền Phong về tính hiệu quả dự án xe buýt nhanh BRT, ông Trần Anh Tú - nguyên giám đốc Ban QLDA Đầu tư phát triển giao thông đô thị Hà Nội (hiện chuyển công tác sang làm phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Đường sắt Hà Nội-một công ty lớn sẽ tiếp quản toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội) đã nói: “Không hiệu quả, không phải việc của chúng mày. Chúng mày làm báo không có chuyên môn. Chúng mày là cơ quan báo chí hay cơ quan thẩm định?”. Hoặc “Ùn tắc không phải việc của chúng mày.  Chúng mày là cơ quan báo chứ có phải là chuyên môn, chuyên ngành”, “Chúng mày mượn báo chí hay lộng ngôn”.

 Như vậy rõ ràng ông cán bộ này thiếu văn hóa trong phát ngôn, xúc phạm truyền thông.

 Ở đây có vấn đề về tầng văn hóa, ứng xử của quan chức và ý thức pháp luật, lòng tự trọng.

 Thành ủy TP Hà Nội đã chỉ đạo làm rõ phát ngôn không chuẩn mực của ông Trần Anh Tú và nếu chính xác, sẽ có hình thức xử lý thích hợp. Thế  nhưng liệu nó có làm thay đổi được văn hóa phát ngôn của quan chức hay không thì còn phải chờ đợi vào chính họ mà chủ yếu là ý thức trách nhiệm công chức, lòng tự trọng.

 Có phát ngôn thô bạo dễ xử lý như trường hợp ông Trần Anh Tú nhưng cũng có phát ngôn sai sự thật nhưng sau đó người phát ngôn có thể chối bỏ nó.

 Một lời nói bốn ngựa khó theo, người xưa nói vậy, phát ngôn cũng như mũi tên được bắn khỏi cung, không thể lấy lại được. Bởi vậy các cán bộ nên cẩn trọng khi phát ngôn trước dư luận, đừng để những lời nói thô thiển hoặc vô trách nhiệm tạo nên những ấn tượng xấu trong lòng dân. Các cấp chính quyền cũng nên có những hình thức xử lý nghiêm những quan chức phát ngôn gây hậu quả xấu. Ấy là cách duy nhất để xây dựng hình ảnh một chính quyền chuyên nghiệp, gần dân và trọng dân. 

                                                                     

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem