VAFI đề xuất hạ dần lãi suất tiền gửi về…0%, chuyên gia nói nguy hiểm

Quốc Hải Thứ ba, ngày 22/06/2021 16:39 PM (GMT+7)
Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng, tiền gửi VND cho kỳ hạn ngắn hạn và trung hạn đang ở mức từ 3,5% - 6,2%/năm là rất cao so với các nước. Dẫn đến lãi suất cho vay cũng cao hơn, trở thành bất lợi lớn cho cộng đồng doanh nghiệp, người dân... Nên đề xuất hạ dần lãi suất tiền gửi về… 0%.
Bình luận 0

Cụ thể, theo VAFI, hiện nay các nước Âu - Mỹ, các nước Đông Âu chuyển đổi sang kinh tế thị trường, các nền kinh tế phát triển đều có mức lãi suất tiền gửi nội tệ, ngoại tệ 0%/năm. Thậm chí, một số nước còn duy trì lãi suất âm (thu phí tiền gửi) nhằm bảo đảm lãi suất cho vay cực thấp (2%- 5% tùy thuộc đối tượng vay và thời hạn vay) nhằm kích thích hệ thống doanh nghiệp và thị trường chứng khoán phát triển; đảm bảo an sinh xã hội cho người thu nhập thấp và trung bình mua nhà ở và chi tiêu tiêu dùng có lãi suất tín dụng cực thấp.

VAFI đề xuất hạ dần lãi suất tiền gửi về…0%, chuyên gia nói nguy hiểm - Ảnh 1.

Lãi suất cho vay hạ thấp sẽ tạo điều kiện cho DN vay vốn mở rộng sản xuất, vượt qua khó khăn do dịch Covid-19 (Ảnh: PAN)

Các nước trong khối ASEAN như Thái Lan, Philipine, Malaysia, Singapore cũng đang có lãi suất tiền gửi ngắn hạn cho đồng nội tệ ở mức 0%, lãi suất tiền gửi dài hạn trong khoảng từ 0,2%-0,7%/năm.

Còn với Việt Nam, tiền gửi VND cho kỳ hạn ngắn hạn và trung hạn đang ở mức từ 3,5% - 6,2%/năm là rất cao so với các nước nói trên và dẫn đến lãi suất cho vay cũng cao hơn, trở thành bất lợi lớn cho cộng đồng doanh nghiệp, người dân thuộc đối tượng thu nhập thấp và trung bình. 

Vì thế, VAFI cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đã có những tiền đề vững chắc như các nước trong khu vực để có thể thực hiện đưa dần lãi suất tiền gửi về mức 0%/năm.

Trong bối cảnh lạm phát năm nay ít nhất là 4%, thì vấn đề hạ lãi suất huy động xuống 0% là không thể có được.

"Lãi suất có thể xuống bằng 0% nếu lạm phát đâu đó ở mức 2%, thì người gửi tiền có thể chấp nhận mức lãi suất rất thấp. Nhưng nếu lạm phát ở mức 4%, mà các NH nhận tiền gửi có mức lãi suất gần bằng 0 thì người dân sẽ không gửi tiền nữa", TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng.

Về các giải pháp để dần lãi suất tiền gửi về mức 0%/năm, VAFI cho biết, có nhiều giải pháp như: Cần hạn chế mạnh dòng tiền đầu cơ chảy vào thị trường bất động sản, đồng thời kiểm soát để không cho tăng giá đất. 

Áp dụng thu thuế tài sản lũy tiến từ căn nhà thứ hai trở đi với phương châm ban đầu có thể ở mức thấp đủ để ngăn ngừa dòng tiền đầu cơ sau đó tăng dần như thông lệ các nước. 

Vafi cho rằng, giải pháp này là điều kiện tiên quyết để hạ nhanh lãi suất tiền gửi tiết kiệm.

Ngoài ra, cần hướng mạnh dòng tiền nhàn rỗi chảy mạnh vào thị trường trái phiếu với lãi suất huy động thấp, ở mức dưới 2%/năm và như vậy hệ thống ngân hàng sẽ huy động được nguồn vốn khổng lồ với kỳ hạn dài để làm cơ sở cho vay trung hạn, dài hạn với lãi suất cho vay thấp dưới mức 5%/năm.

Liên quan đến đề xuất của VAFI, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng, chủ trương muốn hạ lãi suất xuống nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đang cần vay vốn là rất tốt. Tuy nhiên, theo ông Hiếu, khả năng lãi suất liên ngân hàng về 0% hoặc thậm chí âm có thể xảy ra ở nước khác, nhưng hoàn toàn không thể diễn ra ở Việt Nam.

VAFI đề xuất hạ dần lãi suất tiền gửi về…0%, chuyên gia nói nguy hiểm - Ảnh 3.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng (Ảnh: Facebook nhân vật)

Cụ thể, theo ông Hiếu, chẳng hạn tại Mỹ, quốc gia này sử dụng lãi suất Fed Funds Overnight (là loại lãi suất các ngân hàng dùng để vay mượn nhau qua đêm trên thị trường liên ngân hàng để đáp ứng nhu cầu dự trữ bắt buộc). Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (thường gọi là Quỹ Dự trự Liên Bang Mỹ) sử dụng tất cả các công cụ chính sách tiền tệ, trong đó có công cụ thị trường mở để bán/mua trái phiếu Chính phủ và dùng công cụ đó để hạ lãi suất Fed Funds Overnight xuống bằng 0% hoặc gần 0%. Khi ngân hàng này hạ lãi suất Fed Funds Overnight bằng 0% thì tất cả các lãi suất khác đều có thể giảm xuống được.

Mỹ có thể hạ lãi suất Fed Funds Overnight xuống và nó không tạo ra một sự biến động mạnh trên thị trường mà nó tạo ra xu hướng cho tất cả các lãi suất khác giảm xuống bằng 0% hoặc giảm thấp. Trong khi đó, ở Việt Nam, có thể NHNN dùng những lãi suất điều hành như: Lãi suất thị trường mở, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất qua đêm… và NHNN với tư cách là ngân hàng trung ương nên có thể hạ lãi suất xuống.

"Chẳng hạn như khi NHNN cho vay với các NH khác, có thể cho vay với lãi suất bằng 0% và đây là quyền quyết định của NHNN. Khi đó, có khả năng đẩy tất cả các lãi suất khác bằng 0% (trên thị trường 2). Từ thị trường 2, khi lãi suất bằng 0% thì có thể đẩy lãi suất trên thị trường 1 xuống rất thấp, thậm chí gần bằng 0%, và thậm chí có những trường hợp NHNN kéo lãi suất xuống âm, cũng có thể kéo lãi suất trên thị trường 2 bằng 0%. Thế nhưng đây chỉ là… lý thuyết thôi" - ông Hiếu nói.

Trên thực tế, theo ông Hiếu, nếu bây giờ lãi suất huy động trên thị trường liên NH có thể bằng 0% và đó là nằm trong thẩm quyền, khả năng điều hành của NHNN. 

Nhưng khi lãi suất trên thị trường liên NH xuống thấp như thế này sẽ kéo theo lãi suất trên thị trường 1 xuống rất thấp. Và nguy hiểm khi lãi suất thị trường 1 xuống thấp là người dân sẽ rút tiền khỏi NH, khiến NH mất thanh khoản. Trong trường hợp này, NHNN lại phải nhảy vào "bơm" tiền để cứu sống các NH và tạo ra một khủng hoảng.

"Chính vì khủng hoảng tiềm năng này, nên ở Việt Nam lãi suất huy động trên thị trường 1 ở mức đâu đó từ 4-5%, bây giờ kéo xuống gần bằng 0% thì chắc chắn người dân sẽ rút tiền khỏi NH, gây nguy hiểm cho nền kinh tế", ông Hiếu đúc kết.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem