Vải thiều VietGAP chinh phục thị trường

Thanh Xuân Thứ bảy, ngày 21/06/2014 08:08 AM (GMT+7)
Để chủ động chinh phục những thị trường tốt, tăng thu nhập cho người trồng cũng như giảm lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc, những năm gần đây UBND tỉnh Bắc Giang đã và đang hỗ trợ nông dân đẩy mạnh sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP.
Bình luận 0

Rủ nhau học trồng vải VietGAP

Gia đình ông Nguyễn Văn Thắng ở thôn Trại 3, xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn đã ứng dụng VietGAP (quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho rau, quả tươi an toàn) cho vườn vải thiều từ 3 năm nay. Và đến nay ông đã quá rành về quy trình này. Vụ vải năm 2014, gia đình ông Thắng dự kiến thu về hơn 10 tấn vải thiều VietGAP, giá bán trung bình 20.000 đồng/kg.

“Sản xuất theo quy trình VietGAP tốn nhiều công sức hơn, mọi khâu tỉa cành, bón phân, phun thuốc trừ sâu… đều phải tuân thủ. Tuy nhiên, áp dụng VietGAP tôi thấy sản lượng vải tăng lên khoảng 10 - 20%, chất lượng quả rất tốt, không bị bệnh sâu đục cuống nữa. Đặc biệt là giá bán thường cao hơn so với vải không canh tác theo quy trình VietGAP” - ông Thắng nói.

Tương tự, gia đình chị Nguyễn Thị Ngân ở thôn Hoa Quảng, xã Tân Mộc (Lục Ngạn) trồng 6ha vải thiều, trong đó có 4ha sản xuất theo quy trình VietGAP. “Giá bán vải của gia đình từ 18.000 - 30.000 đồng/kg, nhưng giá vải VietGAP cũng còn bấp bênh lắm. Dù sản xuất theo đúng quy trình, nhưng để được chứng nhận là vải VietGAP khi đưa ra thị trường thì cũng khá tốn kém” - chị Ngân chia sẻ.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Quang Tấn - Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, sản xuất vải thiều theo quy trình VietGAP mất nhiều thời gian, công sức hơn so với sản xuất bình thường. “Ban đầu, khi triển khai quy trình này trên cây vải, chúng tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Ngoài kinh phí đầu tư cao hơn, tư duy của người dân cũng là những cản trở lớn, bởi bà con lâu nay chỉ quen với phương pháp canh tác truyền thống đơn giản. Tuy nhiên, với quyết tâm của UBND huyện, chúng tôi từng bước làm thành công ở diện hẹp và khi thấy có hiệu quả, tự người dân rủ nhau học sản xuất theo quy trình VietGAP” - ông Tấn cho biết.

Cũng theo ông Tấn, theo kế hoạch của huyện là xây dựng được 8.000ha vải thiều VietGAP vào năm 2014, nhưng đến nay đã vượt 500ha. Điều đó chứng tỏ việc áp dụng quy trình VietGAP vào cây vải đã đem lại hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng vải thiều, đa dạng hoá thị trường và quan trọng nhất là tăng giá bán, tăng thu nhập cho nông dân trồng vải.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh cho biết: Chúng tôi đánh giá cao cách làm của Bắc Giang, đặc biệt là UBND huyện Lục Ngạn khi tập trung phát triển theo chiều sâu đối với cây ăn quả, trong đó có vải thiều. Mặc dù đến nay diện tích trồng vải thiều đã giảm 1.000ha, nhưng năng suất lại tăng và đặc biệt là ngày càng đi sâu vào chất lượng với 8.500/16.000ha vải thiều áp dụng quy trình VietGAP. Đây là hướng đi đúng, để vải thiều Bắc Giang dễ dàng tiếp cận những thị trường tiềm năng nhưng khó tính như Nhật Bản, châu Âu, Hoa Kỳ…

Còn e ngại vì chi phí cao

Ông Chu Văn Báo – Trưởng phòng NNPTNT huyện Lục Ngạn cho biết: Cái khó của sản xuất vải thiều VietGAP không phải ở khâu canh tác, mà ở việc cấp chứng nhận. “Trung bình, 1ha vải thiều VietGAP muốn có giấy chứng nhận để đưa ra thị trường phải mất 5-7 triệu đồng, gồm các chi phí về: Quản lý quy trình; phân tích mẫu đất, mẫu nước; phân tích quả vải xem có sâu, bệnh hại nào không; có đảm bảo dư lượng thuốc BVTV ở giới hạn cho phép hay không…

Chứng nhận này chỉ có giá trị 1 năm, năm sau phải làm lại. Do quá tốn kém nên dù huyện có 8.500ha vải thiều trồng đúng quy trình VietGAP, nhưng chỉ khoảng 320ha được cấp chứng nhận” - ông Báo nói.

Theo ông Trần Tuấn Anh - Thứ trưởng Bộ Công Thương: “Trước tiên, UBND tỉnh Bắc Giang cần tiếp tục thực hiện quy hoạch vùng chuyên canh vải thiều, mở rộng diện tích trồng vải an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP để chinh phục các thị trường mới, giảm dần phụ thuộc vào các thị trường truyền thống và nâng cao chất lượng giá thành, tăng thu nhập cho người trồng vải”.

Ông Báo nói thêm: “Nhìn bằng mắt thường, người ta cũng dễ dàng nhận thấy quả vải VietGAP có mầu sắc đẹp hơn, hiện tượng sâu đục cuống hầu như không còn nên giá bán cao hơn vải sản xuất theo quy trình thông thường từ 1,5-2 lần. Tuy nhiên, để đưa được quả vải thiều vào các thị trường khó tính như Nhật Bản hay châu Âu, nhất định phải có chứng nhận VietGAP, còn muốn vào Hoa Kỳ phải có thêm tiêu chuẩn chiếu xạ. Để thực hiện điều này, rất cần sự hỗ trợ của các bộ ngành liên quan như Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT, Bộ KHCN...”.

 

Ông Dương Văn Thái - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, tỉnh đã đề xuất các bộ ngành hỗ trợ khoa học kỹ thuật cho người trồng vải như tưới nước nhỏ giọt; hỗ trợ phát triển quy trình sản xuất và chứng nhận VietGAP; hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem