Vành tang trắng ngày khai hội của trẻ Lý Sơn

Thứ năm, ngày 30/08/2012 16:50 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Cả năm trẻ em có hai điều vui: Ngày khai giảng và dịp Tết cổ truyền. Nhưng trong những ngày hội ấy, trẻ em Lý Sơn, nhiều đứa lại đón ngày vui trong những vành tang trắng...
Bình luận 0

“Ba đi biển xa… không về”

Đảo Lý Sơn chật như nêm, xe đạp, xe thồ ken kín các con đường nhỏ. Cu Thảo mới 5 tuổi đã biết trông em, em nó tên Nhi hơn 1 tuổi, nghịch như giặc thoáng cái đã chạy ra đường, thằng anh chặn đường quát khẽ: “Mi đi mô? Về ngay không tau đập chừ!”, thằng em lại ngoan ngoãn chạy về.

Đã hơn nửa năm nay nó phải trông em để mẹ đi ra bờ biển xa trồng tỏi, ba nó mất ngoài biển Hoàng Sa hồi tháng Giêng vừa rồi. Anh em nó bé đến nỗi chả biết được nỗi đau mất cha. Hỏi “Ba đâu?”, chú bé loắt choắt Lê Anh Thảo chỉ bảo: “Ba đi biển xa… không về”, chắc má nó hay trả lời anh em nó thế mỗi khi chúng nhớ ba.

img
Hai anh em Lê Anh Thảo và Lê Anh Nhi bị mất cha ngoài Hoàng Sa.

Mỗi năm, Lý Sơn có hơn 10 ngư dân mất xác ngoài biển vì gió bão Hoàng Sa, đã là ngư dân ra đến Hoàng Sa thì thường phải ở tuổi thanh niên, vì thế trẻ em Lý Sơn biết đến nỗi đau mất cha rất sớm, sớm đến mức không biết rằng nó là nỗi đau lớn nhất đời người.

Chị Ngô Thị Hường, mẹ hai chú nhỏ đã về, ôm con rồi bày ra cho con hai chiếc bánh tráng, chị bảo: “Sáng em đi làm sớm, không kịp cho con ăn, về buổi trưa cho chúng nó ăn tạm cái bánh tráng rồi mới nấu cơm, sợ nấu cơm muộn, chúng nó đói thì tội”.

Câu chuyện của chị Hường cũng như muôn vàn câu chuyện của những góa phụ của đảo cằn này: Chồng chị là anh Lê Thành mất trong một chuyến đi biển, con còn nhỏ, chưa có tài sản tích lũy, chị phải bế 2 con về nhà ngoại làm nghề trồng tỏi, cuộc sống muôn bề khó khăn. Việc mất chồng, mất cha trên hòn đảo nhỏ này quen thuộc đến nỗi chị có một lời so sánh làm người ta cay sè sống mũi: “Giá anh ấy mất lúc tụi nhỏ lớn hơn chút nữa thì đỡ hơn. Anh đi biển không về sớm quá nên tội cho lũ nhỏ nhà em quá”.

Đến bây giờ thì tôi thực sự không biết công lao để khẳng định chủ quyền của dân tộc Việt Nam trên Hoàng Sa và Trường Sa được xây dựng lên bằng máu của Hải đội Trường Sa lẫy lừng đất Lý Sơn hay từ những tiếng bập bẹ của con trẻ Lý Sơn “ba đi biển xa.. không về”. Nhưng thực sự, Hoàng Sa thực sự đã được vẽ lên trên bản đồ đất Việt bằng máu xương và nước mắt của dân tộc bao đời.

Những ngày vui đau xót

“Ngày khai giảng, hoặc sau kỳ nghỉ tết, tôi lại khấn thầm ông bà để mình không phải chứng kiến nỗi đau của những đứa học trò”. Thầy Trần Phúc Sinh (hiện đã là Trưởng phòng Giáo dục huyện đảo Lý Sơn) ngậm ngùi kể như thế về quãng thời gian đằng đẵng dạy học trên huyện đảo này. Những giáo viên ở Lý Sơn thì không ai tránh khỏi chuyện gặp lại học sinh của mình sau quãng thời gian xa cách khi chúng đeo vành tang trắng trên đầu (trước đây) hoặc băng tang đen trên ngực như bây giờ.

Kỳ quái lắm! Thời gian ngư dân bị mất mạng ngoài biển ở Lý Sơn thường tập trung vào lúc trẻ khai giảng và trước hoặc sau Tết cổ truyền. Biển Hoàng Sa bắt đầu sóng động từ lúc trẻ em khai giảng kéo dài đến Tết. Các thuyền bị nạn vì gió bão phần nhiều do mất cảnh giác, không phòng bị, mùa khai giảng thì nghĩ bão chưa đến, còn Tết thì nghĩ rằng mùa bão đã qua, vì thế mới có chuyện thương tâm.

Sau 3 tháng hè, sau mươi ngày nghỉ tết, các giáo viên ngoài Lý Sơn không hỏi: “Các con ăn tết (nghỉ hè) có vui không ” mà hỏi “gia đình các con bình an cả chứ?” và họ chỉ thở phào khi lũ nhỏ đồng loạt cất lời: “Thưa thầy, nhà con bình an ạ”…

Những năm gần đây, số trẻ em mất cha ở Lý Sơn lại càng tăng lên. Việc đầu tư các tàu cá lớn gặp khó khăn vì bao thủ tục của ngân hàng, việc ra khơi lại bị cản trở bởi giá dầu, bởi sự quấy nhiễu của lũ giặc biển, chính vì thế những ngư dân nghèo thường chọn cho mình một nghề đơn giản không phải mất gì nhiều, chỉ cần đầu tư… tính mạng của mình là được: Nghề lặn biển!

Ông Nguyễn Sinh Quý đã 75 tuổi có nghề lặn biển lâu năm cho biết: Ngày xưa, chúng tôi hơn 10 tuổi đã được rèn nghề lặn, hồi ấy cả ngày tập lặn, ai ngoi lên mặt nước trước tiên đều bị bắt nhịn cơm tối, tập luyện suốt nhưng ai giỏi lắm thì đến 15 – 16 tuổi mới được làm nghề. Bây giờ tôi mới biết các cụ bắt chúng tôi tập lâu thế để cơ thể quen dần với việc thay đổi áp suất và đủ thứ khác. Nay các cậu thanh niên ở Lý Sơn này ỷ có phương tiện hiện đại (bình khí, ống thở) nên làm nghề ngay mà chả luyện tập gì. Kể cả không bị tai nạn chết ngay ngoài biển thì sẽ mắc đủ chứng bệnh, thọ chả được bao nhiêu”.

Ngày khai trường năm học mới lại sắp đến, xin biển Hoàng Sa đừng đội thêm những vành tang trắng trên đầu con trẻ Lý Sơn nữa, xin đừng cướp cha của chúng như nghìn đời nay nữa...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem