Không thể lúc nào cũng tươi như tiếp viên hàng không
Ngày 22.4, tại Hội nghị trực tuyến với quy mô lớn, triển khai tới 715 điểm cầu này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: Hội nghị nhằm phát động phong trào trong toàn ngành y tế để thay đổi toàn diện về chất lượng dịch vụ, hướng tới mục tiêu mỗi bệnh nhân là một “khách hàng” theo đúng nghĩa. Hội nghị mong muốn sẽ lan toả tới cả cơ sở y tế cấp huyện, với sự tham gia của gần 13.000 cán bộ, nhân viên y tế.
Thời gian tới trang phục y tế sẽ phân định rõ chức danh cán bộ y tế (ảnh chụp tại BV Tâm thần T.Ư 1). D.L
Bà Tiến cho biết, hiện vẫn còn một bộ phận cán bộ ngành y chưa tuân thủ đúng các quy trình chuyên môn, thái độ không đúng đắn, thiếu văn hóa, thiếu y đức thậm chí có hành vi tiêu cực. Điều này ảnh hưởng đến hình ảnh của người cán bộ y tế, làm xói mòn niềm tin của nhân dân đối với hơn 400.000 ngàn cán bộ y tế chân chính đang ngày đêm vất vả quên mình chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Theo Bộ trưởng Tiến, các bệnh viện (BV) phải hướng tới phong cách phục vụ “đến đón tiếp niềm nở, ở chăm sóc chu đáo, về dặn dò chu đáo” như… tiêu chuẩn phục vụ của hàng không. Chỉ khác là đối mặt với nỗi đau đớn, mệt mỏi của bệnh nhân thì nhân viên y tế không thể lúc nào cũng cười tươi như tiếp viên mà phải có gương mặt hài hòa, ân cần hỏi han, chăm sóc bệnh nhân. “Trong các phàn nàn về thái độ ứng xử thì bộ phận điều dưỡng thường bị phê phán nhiều nhất. Do đó, thời gian tới, Bộ Y tế yêu cầu 100% điều dưỡng phải được tập huấn về quy tắc ứng xử với người bệnh” – Bộ trưởng Tiến nhấn mạnh.
Ông Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, Bộ Y tế sẽ có thông tư, văn bản hướng dẫn yêu cầu tất cả các sở y tế, cơ sở khám chữa bệnh đặt hòm thư góp ý; thành lập đơn vị chăm sóc khách hàng và bộ phận truyền và bộ phận truyền thông trong BV (phòng công tác xã hội); Đổi mới trang phục y tế. Theo ông Khuê, vẫn còn một số cơ sở y tế ăn mặc lôm côm, chưa nghiêm túc dẫn đến hình ảnh về nhân viên y tế còn thiếu chuyên nghiệp, tác phong luộm thuộm, gây phản cảm cho người bệnh.
Phấn đấu mỗi bác sĩ chỉ khám 50 bệnh nhân/ngày
Ông Nguyễn Quốc Anh – Giám đốc BV Bạch Mai cam kết sẽ nỗ lực thực hiện đổi mới phong cách phục vụ. Ông cũng cho biết không chỉ đưa ra các giải pháp cho phục vụ người bệnh mà cả các bác sĩ cũng đang cần trợ giúp.
“Không ít người nhà bệnh nhân quá lo lắng nên có thái độ nóng nảy, thô lỗ với nhân viên y tế khiến nhân viên cũng có phản ứng tiêu cực, dẫn đến những vụ việc quá tầm kiểm soát. Vì thế, cần có trợ giúp tâm lý, kỹ năng để nhân viên có thể vượt qua áp lực như vậy. Ngoài ra, mảng trợ giúp tâm lý cho người bệnh cũng đang bị bỏ trống. Gần đây, BV có vụ nhảy lầu tự tử của một bệnh nhân bị suy thận nặng. Đối với trường hợp người bệnh này nếu như có bác sĩ tâm lý tư vấn, trợ giúp thì sẽ không chán nản như vậy. Vì thế, dự định tháng 5.2015, BV Bạch Mai sẽ thành lập phòng trợ giúp xã hội, có bác sĩ tâm lý để chuyên tư vấn cho người bệnh và người nhà” – ông Quốc Anh chia sẻ.
Cũng quan điểm này, ông Nguyễn Minh Điển - Phó Giám đốc BV Nhi T.Ư cho biết mỗi ngày Bv tiếp nhận từ 3.000-3.500 bệnh nhân, bác sĩ phải làm việc như một cái máy thì cũng khó có thể lúc nào cũng niềm nở, nhẹ nhàng. “Chúng tôi sẽ phấn đấu tiêu chí mỗi bác sĩ chỉ khám 50 bệnh nhân/ngày để hy vọng có thể có nhiều thời gian tiếp cận bệnh nhân hơn. Tuy nhiên, chất lượng khám chữa bệnh không chỉ gói gọn vào thái độ phục vụ mà còn là cơ sở vật chất, môi trường” – ông Điển nhấn mạnh.
Trong dịp này, Bộ Y tế đã đưa ra dự thảo thông tư về việc thành lập phòng công tác xã hội trong bệnh viện; Dự thảo thông tư về Quy định trang phục y tế, Đề án Tiếp sức bệnh nhân. Sau khi lấy ý kiến, Bộ Y tế sẽ ban hành trong toàn ngành để triển khai trên toàn hệ thống các cơ sở y tế trong thời gian sớm nhất.
Đại diện BV Chợ Rẫy (TP. HCM) chia sẻ hiện BV có quy định thứ 2, thứ 3 nhân viên mặc áo xanh, thứ 4, thứ 5 mặc áo hồng còn thứ 6 mặc tự do. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tiến phản đối quyết liệt: “Bác sĩ mặc trang phục để phục vụ người bệnh chứ không phải để chiều theo ý thích của bác sĩ, giúp người bệnh phân biệt rõ đâu là bác sĩ, là điều dưỡng để khi có vụ việc xảy ra không đánh đồng trách nhiệm cho bác sĩ. Quần áo cũng tạo phong cách, tác phong làm việc chuyên nghiệp, nghiêm túc, tạo cảm giác an tâm cho bệnh nhân”
Vui lòng nhập nội dung bình luận.