Vay vốn đầu tư nuôi cá, nông dân Hải Dương thu nhập khá
Vay vốn đầu tư nuôi cá, nông dân Hải Dương thu nhập khá
Thu Hà
Thứ năm, ngày 25/06/2020 06:10 AM (GMT+7)
Từ nguồn vốn Quỹ HTND, hàng nghìn hộ nông dân ở Hải Dương đã có điều kiện đầu tư cải tạo mở rộng diện tích ao nuôi, mua cá giống cùng các loại thức ăn chăn nuôi, từ đó nâng cao thu nhập từ nghề nuôi cá.
Gia đình anh Vũ Văn Bắc là một trong những hộ đầu tiên ở thôn Côi Hạ, xã Phạm Trấn, huyện Gia Lộc mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích đất ruộng kém hiệu quả của gia đình sang đào ao thả cá truyền thống như trôi, mè, trắm, chép. Với diện tích 14 mẫu, anh Bắc chia làm 9 ao nuôi cá, trong đó có 5 ao nuôi cá thương phẩm và 4 ao nuôi cá giống.
Anh Bắc chia sẻ: "Để đầu tư mô hình nuôi cá với quy mô lớn như hiện nay, gia đình tôi cần rất nhiều vốn. Rất may, tháng 5/2019, gia đình tôi được Hội ND tỉnh tạo điều kiện cho vay 100 triệu đồng từ Quỹ HTND. Với số tiền đó, tôi đã đầu tư cải tạo mở rộng diện tích ao, mua cá giống cùng các loại thức ăn chăn nuôi".
"Nhờ nguồn vốn vay của Quỹ HTND mà mô hình của gia đình tôi được mở rộng, thu nhập cao hơn những năm trước. Năm 2019, tôi xuất bán 100 tấn cá thương phẩm đem về doanh thu cả tỷ đồng. Nhiều năm liền, gia đình tôi đều đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở địa phương" - anh Bắc phấn khởi khoe.
Tương tự anh Bắc, anh Phạm Văn Thuấn (ở thôn Côi Thượng, xã Phạm Trấn) cũng được vay vốn Quỹ HTND để đầu tư nuôi cá. Anh Thuấn chia sẻ: "Tham gia dự án sử dụng vốn Quỹ HTND, gia đình tôi được vay 30 triệu đồng. Với số tiền này, tôi cải tạo và mở rộng ao nuôi cá Hiện tại, với diện tích 4 mẫu nuôi thủy sản, gia đình tôi thu lãi cả trăm triệu đồng mỗi năm".
Bà Nguyễn Thị Kim Cúc – Chủ tịch Hội ND xã Phạm Trấn cho biết: Ngay từ đầu năm, Hội ND xã đã xây dựng Kế hoạch số 04 về giao chỉ tiêu vận động xây dựng Quỹ HTND với mức 5.000 đồng/hội viên; đồng thời vận động các hộ sản xuất kinh doanh giỏi ủng hộ. Tính đến tháng 6/2020, Hội ND xã đang quản lý hơn 600 triệu đồng vốn Quỹ HTND, trong đó nguồn tỉnh là 500 triệu đồng và nguồn cơ sở đạt gần 130 triệu đồng.
Bà Cúc khẳng định: "Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền vận động, cùng với việc quản lý hiệu quả vì vậy số vốn hàng năm tăng trưởng tốt. Từ nguồn vốn Quỹ HTND đã xuất hiện nhiều mô hình làm ăn có hiệu quả như gia đình ông Vũ Văn Bắc (thôn Côi Hạ), gia đình ông Phạm Văn Thuấn, Vũ Xuân Thơi (thôn Côi Thượng)...".
Thu nhập tăng gấp 4-5 lần
Theo báo cáo của Hội ND tỉnh Hải Dương: Tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh đạt trên 75 tỷ đồng. Nguồn vốn Quỹ HTND các cấp được quản lý chặt chẽ theo đúng nguyên tắc và điều lệ; đang giúp 3.839 hộ hội viên, nông dân vay phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Bà Phạm Thị Thanh Tâm – Chủ tịch Hội ND tỉnh Hải Dương cho biết: Xác định rõ tầm quan trọng của nguồn vốn Quỹ HTND, các cấp Hội ND tỉnh Hải Dương đã có nhiều nỗ lực vượt bậc trong công tác xây dựng, quản lý, tăng trưởng nguồn vốn. Hội ND nhiều huyện, thành phố đã tích cực tham mưu cho cấp ủy và chính quyền địa phương đưa vào kế hoạch hàng năm trích ngân sách bổ sung nguồn vốn cho Quỹ HTND cùng cấp.
Đến nay, 12/12 huyện, thị xã, thành phố được UBND cùng cấp trích từ nguồn ngân sách bổ sung cho quỹ cấp huyện. Bên cạnh đó, công tác kiện toàn Ban điều hành, Ban kiểm soát quỹ cấp huyện được chỉ đạo thực hiện thường xuyên. Hiện, toàn tỉnh có 12/12 huyện, thành phố, thị xã và 259/259 cơ sở xây dựng được nguồn Quỹ HTND, đạt 100%; tăng trưởng nguồn vốn Quỹ HTND đạt mức từ 20%/năm trở lên.
Trên địa bàn, một số đơn vị Hội cấp huyện có nguồn vốn Quỹ HTND tăng trưởng cao, tiêu biểu như: TP.Chí Linh đạt hơn 1 tỷ đồng; huyện Thanh Hà đạt 990 triệu đồng; huyện Nam Sách đạt 947 triệu đồng; huyện Gia Lộc đạt 878 triệu đồng; huyện Ninh Giang đạt 860 triệu đồng… Cùng với đó, nhiều đơn vị ở cấp cơ sở cũng vận động nguồn vốn Quỹ HTND đạt cao như: Xã Tân Hương (huyện Ninh Giang) đạt 138,9 triệu đồng; xã Tân Việt (huyện Thanh Hà) đạt 126,9 triệu đồng... Nhiều mô hình, dự án vay vốn từ nguồn Quỹ HTND đã phát huy hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu như: Mô hình thâm canh trồng cây ăn quả tại xã Tân Việt (huyện Thanh Hà); nuôi trồng thủy sản ở xã Hưng Đạo (huyện Tứ Kỳ), xã Đoàn Kết (huyện Thanh Miện); trồng cây rau màu chuyên canh cho giá trị kinh tế cao ở xã Đoàn Thượng (huyện Gia Lộc)…
Từ các dự án vay vốn theo nhóm hộ, nhiều nơi đã xây dựng và thành lập được các câu lạc bộ, tổ hợp tác liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm... Qua đó, giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc quy hoạch các vùng sản xuất, hình thành nên thương hiệu các sản phẩm đặc thù của mỗi địa phương.
Các cấp Hội đã xây dựng và hình thành được 410 mô hình kinh tế tập thể mang lại hiệu quả kinh tế cao; giúp quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn diễn ra nhanh và mạnh. Ước tính bình quân giá trị thu nhập trên mỗi đơn vị diện tích đã tăng gấp 4 - 5 lần so với việc trồng lúa như trước đây. Nhiều mô hình nhờ triển khai tốt cho mức thu nhập đạt từ 200 triệu đến - hơn 1 tỷ đồng/năm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.