Xót xa bầy khỉ
Chùa Nhẫm Dương hay còn gọi là tổ đình Thánh Quang tại thôn Châu Xá (xã Duy Tân, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) được ví như “Hạ Long trên cạn” của mảnh đất xứ Đông. Ngày đầu năm mới, chúng tôi mới có dịp vãn cảnh chùa và không khỏi ngỡ ngàng khi nhìn thấy vị trụ trì chùa Nhẫm Dương chăm chút bữa ăn cho những chú khỉ. Vừa cho bầy khỉ ăn, sư thầy Thích Diệu Mơ mỉm cười, nói đùa với khỉ: “Nhìn mặt Ngộ Không xấu lắm”. Con khỉ lập tức nhăn mặt và dùng tay che khuôn mặt của mình như xấu hổ. Sư thầy lại nựng yêu dỗ dành nó: “Thầy đùa con thôi. Ngộ Không xinh, ăn uống ngoan đi”. Lập tức khuôn mặt con khỉ tươi tỉnh trở lại, nó cầm hộp sữa ngon lành uống hết.
LuLu “nhõng nhẽo” đòi bắt tay mỗi khi thấy sư thầy Thích Diệu Mơ đi ngang qua. M.L
Thầy Diệu Mơ kể lại: Cách đây hơn 30 năm, con người sống chan hòa với đàn khỉ trên núi Nhẫm. Khi đó, khỉ vàng nhiều không đếm xuể và rất dạn người. Thầy nhớ lại ngày thu hoạch khoai, sắn trong vườn chùa, cả đàn khỉ rủ nhau lấy trộm mang đi. Lại một lần sư thầy đào củ súng tại con mương, bầy khỉ ngồi trên cây dùng quả sộp ném vào người, rơi xuống nước lõm bõm.
Nhưng dần dần cuộc sống con người thay đổi, nhiều nhà máy xi măng chen nhau mọc lên. Những tiếng động vang trời, inh ỏi của bom mìn phá núi diễn như cơm bữa. Để bảo vệ sự hệ thống hang động đã được xếp hạng Di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia, sư thầy Thích Diệu Mơ đấu tranh bằng cách thuê người “cõng” tượng Phật lên đỉnh núi Nhẫm mới có thể giữ được. Còn đàn khi sợ hãi bỏ đi, xa lánh con người. Các con khỉ ở lại bị đe dọa bởi bẫy khỉ giăng khắp nơi trên núi. Điều khiến thầy Mơ ám ảnh là tiếng khóc của hai con khỉ con mất mẹ ngày nào cũng ngồi trên mỏm đá cạnh tháp Tổ nhìn theo hướng người ta bẫy được khỉ mẹ mang về nhà thịt, nấu cao. “Hai đứa khóc ròng mà thầy đếm đúng ba tháng mười ngày chúng mới bỏ đi. Thầy đã không cầm được nước mắt khi thấy nó khóc réo nghe ai oán như đứa trẻ nhớ mẹ đòi sữa. Nhìn hai con khỉ con gầy nhom không biết chúng có ăn uống gì không. Nghĩ đến tôi lại thương, lại trách mình dại không nghĩ đến việc bỏ tiền ra mua lại khỉ mẹ” -thầy Mơ thở dài.
Ý định nuôi khỉ của thầy Diệu Mơ thành hiện thực từ sau khi chứng kiến cảnh người đời dùng nước sôi đổ vào người khỉ. “Con khỉ tội nghiệp cứ chạy cuống cuồng trong lồng sắt. Vừa chạy, nó vừa khóc, vừa vái lạy xin tha, vừa tự dùng tay gãi trượt từng mảng lông khi bị đổ nước nóng. Người thịt khỉ khi ấy càng nhanh tay đổ nước sôi cho đến khi nó kiệt sức, gục hẳn mới thôi. Sau đó, họ mang khỉ đi mổ xẻ. Lại có lần phật tử chạy lên chùa khóc thút thít kể việc con khỉ đang sống bị người đời phát ngang đầu để múc óc ăn sống. Sau này nuôi nhiều khỉ thầy mới nhận ra một điều, khỉ rất khôn, có cảm giác, biết khóc khi đau đớn, biết chắp tay xin tha. Vậy mà sao người ta nỡ sát hại” –sư thầy nghẹn ngào.
Một chú khỉ hưởng lộc chùa.
Để bảo vệ những “đứa con” của mình, sư thầy đành nhốt khỉ trong lồng sắt.
Tính Ngố thích “âu yếm” với nam giới hơn.
Cưu mang bầy “con” nhỏ
Chỉ tay về phía bầy khỉ, thầy Mơ bảo, Trố và Ngố là hai con khỉ được thầy mua từ tay người buôn khỉ định bán sang Trung Quốc. Bị nhốt chung trong chiếc lồng sắt chật hẹp, không được ăn uống đầy đủ, hai con khỉ đói liền ăn đuôi của nhau để sống. Khi thầy mua về, hai con khỉ đã bị ăn mất một đoạn đuôi dài. Ruồi nhặng bám vào vết thương, bọ chen lúc nhúc, thầy vệ sinh cho chúng sạch sẽ và dùng thuốc chữa trị sau vài tháng mới khỏi.
Sau đó, mỗi lần có người báo bán khỉ ở đâu, sư thầy dù đang đi làm phật sự cũng tìm đến mua khỉ. Biết thầy thương yêu mua khỉ về nuôi, nhiều thương lái ép giá đến 4 – 5 triệu đồng/ 1 con khỉ. Sư thầy Diệu Mơ cũng chấp nhận mong cứu được những chú khỉ về nơi cửa thiền. Băn khoăn hỏi thầy về cách thuần phục những chú khỉ hoang dã trở lên gần gũi, sư thầy cho biết: “Khỉ rất giận dữ với con người. Bởi chúng từng bị con người đuổi bắt, hoặc thấy bầy đàn bị chết bởi tay con người. Để lấy lại lòng tin nơi khỉ, thầy phải chấp nhận bị khỉ cào, cắn đến tím tái đau nhức. Song thầy cứ để mặc cho chúng cắn nghiến. Ngay cả Chồn, suốt ngày đòi thầy ẵm bế đi ngủ nhưng ban đầu làm quen, Chồn cũng cắn thầy rướm máu. Lúc bị cắn đau, thầy chỉ bảo: “Chồn giỏi nhỉ! Cắn thầy rồi ai nuôi con”. Chồn nhìn lên thầy rồi dần nhả ra. Từ đó con không cắn nữa”. Điều đặc biệt với mỗi chú khỉ nơi chùa Nhẫm Dương được thầy cưu mang coi như con và gọi chúng là “đứa”. Mỗi con khỉ có một cái tên do thầy tự đặt. Có đứa tên Cụt vì bị người ta đánh bẫy cụt mất một cánh tay. Con Chồn nhanh nhẹn như giống như con chồn rừng. Rồi con Bin, LuLu, MiMi, Xích Lu, Vâu,… “Riêng Ngộ Không là chú khỉ được chủ đặt tên cho trước đó nên thầy vẫn gọi con vậy. Mỗi đứa lại có tính cách khác nhau như: Ngộ Không lấy cắp đồ nhanh như cắt. Nó thể vừa giả vờ bắt rận nhưng nhanh tay, nhanh chân móc điện thoại của người chơi cùng lúc nào không biết. Còn Trố tham ăn, muốn bắt tay Trố là phải đổi lấy cái gì mới bắt được tay. Ngố lại khác, con trai rất dễ tiếp xúc, được Ngố “âu yếm” hơn. Con gái mà tới Ngố là bị nàng ta cào, cắn” – sư thầy kể. Nhấp ngụm trà nóng, hướng đôi mắt xa xăm về phía núi Nhẫm, sư thầy thở dài: “Chồn mà còn thì năm nay cũng lớn lắm rồi! Đó là chú khỉ được một phật tử gửi đến cửa phật nhờ thầy nuôi cùng với đàn khỉ cho đông vui. Thú thật với cô, Chồn là đứa thông minh nhất, nhanh nhẹn, nghe lời nhất trong mấy đứa thầy đã nuôi”.
Sư thầy Thích Diệu Mơ đã không nhớ mua bao nhiêu chú khỉ và đưa chúng trở về với cuộc sống hoang dã trên núi. Tuy nhiên, những chú khỉ được thả về thiên nhiên không tránh khỏi cạm bẫy bị người đời giăng trải nhằm bắt giết.
|
Ký ức về chú khỉ biết tắm ao ùa về, thầy Mơ tự hào kể: “Mắt nó chăm chú nhìn thầy nói, tay thầy chỉ. Tiếp đó, nó liền lội ngay xuống bậc nước rồi nặn nước hùm hụp. Chao ôi! thầy đến ngỡ ngàng vì từ trước đến nay, khỉ hãi nước chứ khỉ nào có tắm thế. Lại đến lúc tắm xong xuôi, thầy gọi Chồn lên bờ nhắc: “Con tắm sạch nên đừng có đặt chân xuống đất mà phải trèo lên cây sung, cây khế qua cây thị mà về”. Nó làm y lời thầy dặn. Nhiều phật tử trong chùa nghe thầy nói không. Mấy hôm sau thầy gọi Chồn ra biểu diễn khiến mọi người ai cũng phải thán phục”. Nhưng chỉ vì nhầm lọ keo là sữa mà Chồn đã không qua khỏi.
Ao ước của sư thầy chỉ mong có ngày gây dựng được đàn khỉ đông vui, sống chan hòa với con người như trước đây. Sư thầy đã không nhớ mua bao nhiêu chú khỉ và đưa chúng trở về với cuộc sống hoang dã trên núi. Tuy nhiên, những chú khỉ được thả về thiên nhiên không tránh khỏi cạm bẫy bị người đời giăng trải nhằm bắt giết. Hiện tại, số khỉ trú ngụ nơi cửa thiền còn 8 con. Theo thầy Diệu Mơ, trên núi vẫn tồn tại một chú khỉ vàng ẩn khuất ít người thấy được. Vì nó đã quá sợ hãi với thế giới con người. Sư thầy vẫn luôn đau đáu một điều: “Trong khi con người mong có được cuộc sống thanh bình lại không để cho những loài động vật khác được yên ổn, thanh thản”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.