Về đề xuất trồng 4 vụ lúa/năm: Mong người trồng lúa tăng lợi nhuận, nhưng không dễ thực hiện
Về đề xuất trồng 4 vụ lúa/năm: Mong người trồng lúa tăng lợi nhuận, nhưng không dễ thực hiện
Huỳnh Xây
Thứ ba, ngày 16/01/2024 09:58 AM (GMT+7)
GS Võ Tòng Xuân – chuyên gia về nông nghiệp và cây lúa ở ĐBSCL vừa có một đề xuất trồng 4 vụ lúa/năm ở một số nơi có nước ngọt quanh năm để tận dụng giá gạo thế giới đang tăng cao. Về vấn đề này, có người đồng tình nhưng cũng có người cho rằng không cần thiết…
Đề xuất trồng 4 vụ lúa/năm để tận dụng cơ hội giá lúa tăng
Trong thời gian gần đây, ở ĐBSCL, giá lúa tăng mạnh, có nơi người dân đã thu lợi 3 triệu đồng/1.000m2, nhìn nhận từ tình hình này, GS Võ Tòng Xuân đã có ý kiến, nông dân có thể xem xét trồng 4 vụ lúa trong năm.
Theo GS Võ Tòng Xuân, đã có dự báo tình hình biến đổi khí hậu sẽ vô cùng khó khăn, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất lúa gạo của một số nước trên thế giới. Nếu năm 2024, nguồn cung lúa gạo vẫn ít hơn so với nhu cầu như năm 2023 thì ở một số nơi của Việt Nam, có thể nâng lên thêm 1 vụ lúa, tức trồng 4 vụ lúa/năm. Đây là điều rất khả thi.
"Vùng ĐBSCL dọc theo biên giới Campuchia, nhất là ở An Giang, Đồng Tháp và một số địa phương lân cận có nước ngọt quanh năm, có khoảng 1,5 triệu ha dành riêng để sản xuất 3 vụ lúa trong năm. Khi cần thiết, có thể tăng thêm 1 vụ nữa. Để làm được điều này, thay vì sạ lúa, thì người dân cấy lúa. Cụ thể, khi hạt lúa gần chín thì người dân có thể bắt đầu làm mạ cho vụ kế tiếp. Lúc lúa vụ trước thu hoạch, nhanh chóng làm đất rồi lấy mạ có sẵn cấy xuống. Với giống lúa 3,5 tháng/vụ thì dư sức để người dân trồng lúa 4 vụ trong năm" – GS Xuân phân tích.
Lãnh đạo một đơn vị chuyên sản xuất giống lúa ở ĐBSCL cho rằng, việc trồng lúa 4 vụ/năm vẫn thực hiện được nếu sử dụng mạ để cấy ngay sau khi thu hoạch vụ lúa trước và luôn gặp điều kiện thuận lợi. Tuy nhiên, việc trồng lúa liên tục, không cho đất nghỉ ngơi phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố chi phối khác. "12 tháng chia cho 4 vụ thì chỉ có 90 ngày/vụ lúa. 90 ngày thì làm sao phải đảm bảo gieo sạ, thu hoạch trong 90 ngày đó, có nhiều yếu tố chi phối lắm, nền cần nghiên cứu thật kỹ" – vị này nói.
GS Võ Tòng Xuân nhấn mạnh, về vấn đề này phải nói thêm là với kỹ thuật trồng lúa của ngày xưa khó làm. Khi làm lúa liên tục trong năm, không cho đất nghỉ ngơi sẽ làm cho lúa vụ sau không tốt, bị ngộ độc hữu cơ.
Còn hiện nay, kỹ thuật trồng lúa đã cao hơn nhiều, nên có thể làm được các vụ lúa liên tục trong năm.
"Với kỹ thuật hiện nay, bằng cách thay nước ra vào một cách khoa học trong ruộng thời gian đầu, kết hợp với việc bồi dưỡng cho đất đủ các loại phân bón hữu cơ vi sinh thì cây lúa đề kháng được các loại mầm bệnh, phát triển rất tốt từ vụ này sang vụ khác, cho chất lượng gạo ngon" - GS Võ Tòng Xuân nói.
GS Võ Tòng Xuân nói thêm, hiện giá lúa gạo ngày càng tăng, đây là cơ hội của ngành hàng lúa gạo Việt Nam khi mà chúng ta đang ngày có càng nhiều giống lúa ngắn ngày, chất lượng và năng suất cao.
Nông dân: Người đồng tình, người không muốn
Trao đổi với phóng viên Dân Việt về ý kiến cho trồng 4 vụ lúa/năm của GS Võ Tòng Xuân, anh Dương Văn Siêu - Phó giám đốc Hợp tác xã Thuận Thắng (huyện Thới Lai, TP.Cần Thơ) tỏ ra đồng tình và cho rằng đề xuất rất có tính khả thi.
"Theo tôi, trồng lúa 4 vụ/năm vẫn khả thi nếu bà con đồng lòng, quan trọng là khâu chọn giống để cấy và phải áp dụng theo 1 quy trình thống nhất, trong 1 khu đê bao khép kín và có trạm bơm. Tránh tình trạng hộ này làm 4 vụ, còn hộ khác cho nước nào ngâm đất, không làm hoặc chuyển qua làm rau màu" - anh Siêu nói.
Để cách trồng lúa 4 vụ/năm đạt hiệu quả cao, theo anh Siêu, trong quá trình sản xuất, người dân cần phải canh thời tiết để né dịch bệnh. Đồng thời, đề xuất các công ty thuốc bảo vệ thực vật sản xuất ra các sản phẩm phân hủy rơm rạ nhanh hơn hiện nay.
Ban đầu, người dân có thể trồng lúa 4 vụ/năm thử nghiệm từ 50-100ha trong khoảng thời gian từ 1-2 năm. Nếu thành công, có thể nhân rộng. Hiện nay, ở TP.Cần Thơ, các địa phương như Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh và Thới Lai đảm bảo không có nước mặn xâm nhập và đã có đê bao hết rồi nên bà con có thể an tâm làm lúa 4 vụ.
Nông dân Nguyễn Văn Bé Hai cho rằng, trồng lúa 3 vụ/năm thì nông dân có thể cho đất nghỉ ngơi khoảng 1 tháng/vụ. Riêng vụ lúa thu đông, sau khi thu hoạch, nông dân cho nước lũ vào 1 tháng để lấy phù sa, từ đó vụ đông xuân trúng mùa hơn.
Anh Siêu còn cho hay, trồng 4 vụ lúa/năm còn là cách để chia sẻ thời tiết giữa các vụ được hài hòa hơn. Tuy cách làm này có thể làm năng suất vụ lúa đông xuân không cao bằng làm lúa 3 vụ/năm nhưng giúp các vụ còn lại có năng suất cao hơn.
Còn ông Nguyễn Văn Bé Hai ở xã Tân Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp thì cho rằng, đáng lẽ nông dân chỉ trồng lúa 2 vụ/năm. Do nông dân "quá ham" nên đã làm thêm 1 vụ nữa. "Hiện nông dân làm 3 vụ/năm là vừa, không nên tăng lên 4 vụ/năm. Phải cho thời gian đất nghỉ ngơi, đất không nghỉ ngơi được sẽ xuất hiện nhiều sâu bệnh, lại tốn thêm chi phí sản xuất" - ông Bé Hai nói.
Ngành nông nghiệp TP.Cần Thơ nói không cần thiết
Ông Trần Thái Nghiêm - Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.Cần Thơ cho biết, sản xuất lúa hay các mặt hàng nông sản khác đều phải đi theo định hướng thị trường, tức bán cái thị trường cần, chứ không phải bán cái mình có. Về thị trường, thế giới cần là gạo chất lượng cao. Chiến lược của Việt Nam cũng là phát triển gạo ngon, chất lượng cao để đi vào thị trường cao cấp để nâng giá trị.
Ông Nghiêm phân tích, những giống lúa chất lượng cao, thơm, dẻo như gạo ST 25 (từng đi thi đạt danh hiệu Gạo ngon nhất thế giới) có thời gian sinh trưởng trên 100 ngày. Còn gạo có phẩm cấp thấp, thời gian sinh trưởng ngắn hơn thì nhu cầu thị trường thế giới không nhiều. Nếu 1 giống lúa chất lượng cao có thời gian sinh trưởng bình quân 100 ngày thì 3 vụ trong năm đã mất 300 ngày. Về mặt kỹ thuật, khuyến cáo của ngành nông nghiệp thời gian cho đất nghỉ ngơi hợp lý và tối ưu nhất sau mỗi vụ là 21 ngày (làm đất, xử lý rơm rạ). Như vậy, coi như 1 năm chỉ đủ thời gian trồng lúa 3 vụ.
Do đó, theo ông Nghiêm, nếu trồng lúa 4 vụ/năm chỉ còn cách duy nhất là rút ngắn thời gian sinh trưởng cây lúa còn từ 80-85 ngày/vụ. Việc làm giống chất lượng cao, có thời gian sinh trưởng ngắn sẽ rất đẹp nhưng lại là bài toán rất khó cho các viện, trường.
Đối với việc cấy mạ, ông Nghiêm cho hay, sẽ tốn chi phí rất cao cho nông dân, bởi dịch vụ cấy mạ tốn khoảng 800.000 đồng/1.000m2 (trong khi gieo sạ truyền thống chỉ ở mức 150.000 đồng). Hơn nữa, việc làm mạ cấy chỉ giúp rút ngắn được có khoảng 10 ngày/vụ (mạ cấy là loại 10 ngày tuổi).
Được biết, 1 máy cấy vận hành tốt làm được 4-5ha/ngày. Đối với TP.Cần Thơ, 75.000ha xuống giống trong vòng 10 ngày/vụ thì 1 ngày như vậy cần phải xuống giống 750ha, tức cần khoảng 2.000 máy cấy. Địa phương không đủ máy để thực hiện khâu này.
Theo Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.Cần Thơ, tuy giá lúa tăng cao trong thời gian qua nhưng cũng rất bấp bênh, chỉ cần các nước lớn như Ấn Độ cho phép xuất khẩu thì giá lúa ở ĐBSCL sẽ giảm xuống. Kể cả giá lúa cao như hiện nay thì thu nhập người dân vẫn ở mức thấp nhất cho nên không cần thiết để đẩy lên 4 vụ lúa/năm.
"Đối với địa phương, nông dân đã làm lúa 3 vụ mấy chục năm nay rồi nên rất khó thực hiện thêm. Về góc độ quản lý ngành thì sở chưa đồng thuận với ý tưởng 4 vụ lúa/năm" - ông Nghiêm nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.