Về Đồng Dương thăm tộc Trà

Mai Thành Dũng Thứ ba, ngày 02/09/2014 07:05 AM (GMT+7)
Từng là kinh đô Phật giáo của vương quốc Chiêm Thành, làng Đồng Dương (xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) còn lưu nhiều vết tích thời hoàng kim vương triều Indrapura (875 - 982), trong đó có phế tích Phật viện Đồng Dương, và các hậu duệ tộc Trà.
Bình luận 0

Tộc Trà

Con đường dẫn tới làng Đồng Dương thanh vắng, âm u. Đồng Dương còn có tên gọi là khu thánh địa Indrapura, tên gọi có liên quan tên của người sáng lập vương triều – Vua Indravarman II. Theo thời gian, người Chăm lui dần về phương Nam, nhưng trong quá trình tồn tại, cư dân Chăm đã tạo những giá trị văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc. Tại đây những dấu tích của người Chăm để lại khá đậm nét, không chỉ đơn thuần là các công trình kiến trúc như Phật viện Đồng Dương, mà còn là những sản phẩm văn hóa – con người. Tộc Trà là một trong số dấu ấn còn sót lại ấy.

Qua tìm hiểu gia phả tộc Trà, thuỷ tổ của tộc Trà là Trà Hoà Bố Để (trị vì những năm 1326 – 1342, có tài liệu viết là Trà Hoa Bồ Đề, là hậu duệ Vua Chế Mân, con rể Vua Chế A Nan), vua đời thứ 9 của vương triều Vijaya (988 – 1471), đóng đô ở Đồ Bàn, Bình Định. Ông là vị tiền hiền khai sáng nên tộc Trà với một địa bàn cư trú rộng lớn kéo dài từ bắc Trung Bộ đến cả Nam Bộ ngày nay. Nhưng theo nhiều nguồn tư liệu thì tộc Trà lại có trước cả thời gian sinh thời của vị vua trên; nên rất có thể người tộc Trà sau này đã suy tôn người làm vua đầu tiên của tộc làm thủy tổ.

Do chiến tranh, loạn lạc, thiên tai, dịch hoạn, xa cách địa lý… các thành viên tộc Trà ngày càng sống xa nhau, không có điều kiện tìm về với cội nguồn. Nhiều phái, chi, nhánh của tộc Trà được thành lập ở mọi miền của Tổ quốc. Tộc Trà ở làng Đồng Dương cũng là một trong những hiện tượng ngẫu nhiên của lịch sử còn lưu lại ngay trên mảnh đất Quảng Nam.

Mong mỏi của vị trưởng tộc

Trao đổi với chúng tôi, ông Trà Tấn Tôn (77 tuổi) - Trưởng nhánh II tộc Trà ở Đồng Dương cho hay: Tộc Trà ở Đồng Dương hiện có hơn 110 hộ (cả làng có 200 hộ). Trước đây, tộc có 4 nhánh, nay chỉ còn 3 (vì nhánh I không người nối dõi nên đã nhập vào nhánh II). Nhánh I có 3 hộ do ông Trà Cung làm trưởng tộc (đã mất); nhánh II có 45 hộ do ông Tôn làm trưởng tộc; nhánh III có 50 hộ do ông Trà Tấn Sắn (53 tuổi) làm trưởng tộc; nhánh IV có 10 hộ do ông Trà Tấn Tư (63 tuổi) làm trưởng tộc; và một số sống rải rác trong và ngoài tỉnh.

Qua tìm hiểu, làng Đồng Dương là nơi có người Chăm cư ngụ nhiều nhất ở Quảng Nam. Vì sao người Chăm nơi đây (không kể con dâu) toàn là người tộc Trà, mà không có những tộc Ung, Ma, Chế như các làng Chăm khác? Các cụ già phỏng đoán: Chắc là do tính tự trị làng xã của nền nông nghiệp lúa nước.

Nhưng trong suốt chiều dài lịch sử cũng phải có người tộc khác về ngụ cư chứ? Ông Trà Tấn Tôn nhận định: Tộc Trà ở đây được hình thành từ rất lâu, cùng với sự hưng thịnh của Phật giáo ở khu đền tháp Đồng Dương (IX – XV), nên trong “vùng đất thiêng” này, có một sự tách biệt về sinh hoạt đời sống với các làng xã khác, dẫn đến việc người Chăm ở tộc khác “không được phép” sinh sống ở đây.

Chẳng ai dám chắc chắn cho những nhận định này. Sau cuộc bình Chiêm của Vua Lê Thánh Tông (năm 1470), số lượng người Chăm ở Quảng Nam sụt giảm. Riêng người Chăm ở Đồng Dương, có lẽ do chính sách khoan dung tôn giáo nên Vua Lê Thánh Tông mới “du di” cho những người Chăm sinh sống ở vùng đất Phật này. Bởi vậy, vào khoảng nửa cuối thế kỷ XIX, con cháu tộc Trà ở đây rất đông, chiếm số lượng nhiều nhất cả nước.

Tộc có nhà thờ, có phả hệ, có sắc phong, nhiều hiện vật Chăm cổ, nhưng không hiểu lý do gì vào đầu thế kỷ XX, tất cả những tư liệu này bị cháy trụi sau một đêm hỏa hoạn ở đình làng Đồng Dương. Từ đó, do không ai chú ý đến việc sưu tầm nên khi các cụ già trong tộc qua đời, nhiều người tộc Trà hiểu mơ hồ về dòng máu mình đang mang trong người. Dòng di cư từ phương Bắc tiếp tục vào, người trong tộc Trà theo lệ tục không được lấy nhau, nên tộc Trà đã hoà cùng huyết thống người Việt, những phong tục dần dần bị mai một.

“Ngay cả trong giấy tờ hành chính, dân chúng tôi vẫn thừa nhận là người Kinh. Đến nay, vốn quý nhất mà cư dân nơi đây còn mang theo là cái tên của một dòng tộc – tộc Trà” – ông Trà Tấn Huệ (86 tuổi), tổ 6, thôn Đồng Dương, nói.

Nhà thờ Tiền hiền tộc Trà trải qua nhiều lần tu sửa, thay đổi vị trí nhưng hằng năm, con cháu khắp mọi miền vẫn hành hương về thăm tháp Đồng Dương và nhà thờ. Đáng mừng là cách đây khoảng 10 năm, ông Trà Tấn Lợi (79 tuổi, nguyên đại tá quân đội nhân dân Việt Nam) và ông Trà Quang Thảng (75 tuổi, ở Điện Thọ, Điện Bàn, Quảng Nam) đã bỏ nhiều năm sưu tầm nghiên cứu tộc Trà, cho xây dựng một nhà thờ tộc Trà Việt Nam, đặt ở xã Điện Thọ. Cứ 3 năm một lần, vào ngày 23.3 (âm lịch), ngày giỗ tổ tộc Trà Việt Nam lại được cử hành long trọng tại nhà thờ tộc Trà ở Điện Thọ. Con cháu tộc Trà ở mọi miền đất nước và cả ở Đồng Dương về đây sum họp.

Nhưng những giá trị văn hóa của một dòng tộc đang dần phai mờ… Hậu duệ tộc Trà bây giờ vẫn giữ được hình dáng chủng tộc với nước da đen ngăm, người thấp đậm. Họ cảm thấy nao lòng khi từng ngày, khu Phật viện Đồng Dương đi vào quên lãng; Tháp Sáng đang cố “ngoi mình” chống chọi với bão táp hiện sinh; những hàng tràm vẫn ngang ngửa, những viên gạch vẫn lăn lóc... “Con cháu tộc Trà đang rất mong nhận được sự quan tâm của các cấp ngành bảo tồn những giá trị văn hoá mà tổ tiên để lại” – ông Trà Tấn Tôn khẩn thiết.

Làng Đồng Dương là nơi có người Chăm cư ngụ nhiều nhất ở Quảng Nam. Vì sao người Chăm nơi đây (không kể con dâu) toàn là người tộc Trà, mà không có những tộc Ung, Ma, Chế như các làng Chăm khác? Các cụ già phỏng đoán: Chắc là do tính tự trị làng xã của nền nông nghiệp lúa nước. 
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem