Về quê mở nghề làm hương

Thứ ba, ngày 05/06/2012 09:23 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Loay hoay đi tìm nghề, rồi tự mở xưởng và nhận nông dân vào học nghề, chị Nguyễn Thị Xiêm đã giúp hàng chục người dân ở xã Lương Phong (Hiệp Hòa, Bắc Giang) có việc làm và thu nhập ổn định.
Bình luận 0

Chị Nguyễn Thị Xiêm (SN 1979) ở phố Gió là Chủ nhiệm HTX Thủ công mỹ nghệ Lương Phong, vừa được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang tặng bằng khen vì có công đưa nghề làm tăm hương về làng.

img
Chị Nguyễn Thị Xiêm (giữa) cùng công nhân làm việc tại xưởng sản xuất hương xuất khẩu.

Mở lớp tại xưởng

Chị Xiêm quê gốc ở Thanh Miện (Hải Dương), theo chồng về phố Gió. Sau ngày cưới, hai vợ chồng đã có thời gian dài bươn chải ở Hà Nội, nhưng cuộc sống ở đô thị đắt đỏ, hai vợ chồng quyết định về quê lập nghiệp.

Nhưng về quê ruộng ít, nghề thì không có, sau nhiều đêm suy nghĩ, chị quyết định đi học nghề. Được một người quen mách mối, chị về xã Bảo Khê (TP. Hưng Yên) - cái nôi của nghề hương để học nghề. Nhưng đây là nghề gia truyền, người ngoài khó mà học được bí quyết. Thấy chị tha thiết, một nghệ nhân ở đây đã rộng lòng truyền dạy cho. Sau gần nửa năm vừa học, vừa làm, chị thấy nghề làm hương rất công phu, đòi hỏi phải khéo léo, chịu khó, nhưng đổi lại có thu nhập khá và đầu ra ổn định.

Sau khi thạo nghề, tham gia sản xuất và được các cơ sở ở Hưng Yên bao tiêu sản phẩm, đầu năm 2008, chị Xiêm vận động một số xã viên của HTX Thủ công mỹ nghệ Lương Phong thành lập xưởng sản xuất hương ở phố Gió. Chị mời người dân đến xưởng và thuê thợ ở Hưng Yên về dạy nghề miễn phí cho bà con. “Khi dạy nghề, tôi phải bỏ ra chi phí khá lớn mua nguyên liệu làm thử, nhưng có nhiều người đang học lại bỏ dở nên chi phí dạy nghề đội lên. Đến khi thấy có người học thành nghề và làm có thu nhập ổn, ai cũng quyết tâm học đến nơi đến chốn”- chị Xiêm cho hay.

Nhiều nông dân có việc làm

Với 10 đầu máy se hương được đầu tư gần 600 triệu đồng, tính từ năm 2008 đến nay, cơ sở của chị Xiêm đã dạy nghề cho khoảng 100 học viên. Trong số đó, gần 50 lao động đang làm tại xưởng của chị, với thu nhập từ 2 - 7 triệu đồng/người/tháng.

Chị Nguyễn Thị Hà ở thôn Khánh, công nhân đang làm tại cơ sở của chị Xiêm tâm sự: "Trước đây, tôi làm ruộng, hết mùa chỉ ở nhà làm việc lặt vặt. Từ khi chị Xiêm mở cơ sở sản xuất hương ở xã, tôi xin vào học nghề, học xong được chị nhận vào làm luôn. Nhờ vậy mà 3 năm nay gia đình tôi có của ăn của để, mua sắm được đồ dùng, lo cho con cái ăn học".

Ông Lưu Văn Tú - Phó Chủ tịch UBND xã Lương Phong cho biết: “Nhờ xưởng sản xuất hương của chị Xiêm, hàng chục hộ dân được học nghề, có việc làm và thu nhập ổn định. Nhiều hộ đã thoát nghèo, xây được nhà cửa khang trang...”.

Theo chị Xiêm, hương xuất khẩu và hương nội đều có quy trình sản xuất giống nhau là phối trộn nguyên liệu, se hương và phơi khô. Tuy nhiên, nguyên liệu hoàn toàn khác nhau. Hương tiêu thụ nội địa được làm từ nhựa thông, nhựa trám và than của một số thân cây khô, còn hương xuất khẩu làm từ than hoạt tính, mùn...

Khách hàng nước ngoài không chú trọng hương có thơm hay không, mà chủ yếu yêu cầu kích cỡ cây hương phải đều nhau, thân hương bóng mịn, cháy đều. Để đáp ứng yêu cầu này, người thợ phải tuân thủ quy trình khắt khe khi phối trộn nguyên liệu, chỉ cần sai lệch một chút về tỷ lệ phối trộn là hỏng cả mẻ nguyên liệu.

Hiện mỗi tháng cơ sở chị Xiêm sản xuất 20 - 30 tấn hương thành phẩm. Chị đã ký hợp đồng với một doanh nghiệp ở Hưng Yên để xuất hương sang Ấn Độ, Trung Quốc. "Doanh thu của xưởng đạt 2 - 3 tỷ đồng/tháng, lãi 300 - 400 triệu đồng, nhưng tôi vui nhất là tạo được việc làm cho người dân" - chị Xiêm nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem