Về Quy Nhơn, ngắm nét thơ trong miền đất võ…

Thứ tư, ngày 26/03/2014 14:06 PM (GMT+7)
Quy Nhơn (Bình Định) nổi tiếng với danh xưng “miền đất võ” Tây Sơn, với Quang Trung uy danh lẫy lừng, nhưng có đến Quy Nhơn mới biết, xứ sở này không phải chỉ toàn đao gươm, không phải chỉ toàn “Ai về Bình Định mà coi, con gái Bình Định vác roi đánh chồng”.
Bình luận 0

Quy Nhơn nay ngập trong non nước hữu tình, trong những câu chuyện huyền ảo và trong đôi câu thơ mềm mượt của nhà thơ Yến Lan:

“Đây là chốn nương mây và cậy nguyệt,

Đàng chờ xe, sông nước ước mong thuyền!

Tịch dương liễu không biết mình đang biếc,

Tương tư trời, tương tư nhạc triền miên…”

Từ huyền thoại tình yêu ở Ghềnh Ráng…

Ghềnh Ráng nằm cách thành phố Quy Nhơn khoảng 2km về phía Đông, là một quần thể sơn thạch thuộc dãy Xuân Vân. Nơi đây nhiều ghềnh, lắm rạn, ngư dân đi qua thường phải nhả bớt gió trong buồm cho thuyền đi chậm lại, gọi là ráng, lâu dần thành tên Ghềnh Ráng.

Hòn Chồng. Ảnh: Internet)
Hòn Chồng. Ảnh: Internet

Ngoài tên “cúng cơm”, Ghềnh Ráng còn được biết đến với tên ghép Ghềnh Ráng – Tiên Sa. Tương truyền, ngày xưa có một cô gái xinh đẹp, nết na ở Bồng Sơn bị một tên quan cùng làng truy đuổi ép làm vợ nên phải chạy trốn vào Quy Nhơn. Tới Ghềnh Ráng, bỗng dưng sấm chớp bão bùng, núi nứt một khe lớn, nàng liền bước vào rồi biến mất. Khi giông tan, trời quang, mây tạnh, khe núi biến thành một dòng suối mát, uốn lượn trên sườn núi như một dải lụa nối trời với đất. Dân gian gọi đó là suối tiên. Người yêu cô gái tìm đến chỉ thấy bóng người thương lúc ẩn lúc hiện, chàng vừa gọi vừa chạy theo cho đến khi cả người lẫn bóng cùng biến mất.

Cảm thương cho đôi uyên ương nơi trần thế không được nên nghĩa vợ chồng, phải thoát tục thành tiên mới được ở bên nhau, người đời đã gán cho Ghềnh Ráng thêm hai chữ Tiên Sa.

Ghềnh Ráng được bao bọc bởi biển cả mênh mông, nhờ bàn tay sóng biển đẽo gọt tạo nên nhiều hang động, núi đá độc đáo, một trong số đó là Hòn Chồng nổi tiếng với hai vách đá dựa vào nhau, thế đá mong manh nhưng vẫn đứng vững mặc phong ba bão táp như đôi vợ chồng nghĩa tình nặng sâu, gắn bó bên nhau trước gian nan, thử thách.

img
Khu mộ Hàn Mạc Tử. Ảnh: Internet

Từ Hòn Chồng hướng mắt về phía Đông – Nam có thể thấy Bãi Trứng gồm vô số hòn đá tròn trịa, nhẵn nhụi, lấp lánh dưới ánh mặt trời. Cung đường biển uốn lượn, nước xanh màu trời cùng bãi cát vàng mịn óng. Ghé thăm Bãi Trứng vào buổi chiều tà, áp đôi bàn chân lên mặt đá mát lạnh, nhắm mắt thả mình vào không gian rì rào sóng vỗ mới thưởng hết cái “hồn” của biển, của núi non. Theo sử sách ghi lại, vì mê đắm vẻ đẹp trời biển bao la mà Nam Phương hoàng hậu đã chọn chốn này làm bãi tắm riêng của mình.

…Đến nơi an nghỉ của thi nhân…

Phía trên Bãi Trứng, men theo con đường nhựa trước cổng Ghềnh Ráng, vượt qua dốc Mộng Cầm, leo lên hơn trăm bậc thang nằm lọt thỏm giữa hai hàng cây xanh mát, du khách sẽ đến được đồi Thi Nhân, nơi đặt mộ phần của nhà thơ Hàn Mạc Tử.

img
Lều thơ Dzũ Kha. Ảnh: Internet

Mộ được lát bằng đá mài, đầu mộ có tượng Đức Mẹ Maria, xung quanh là khu vườn với những phiến đá khắc thơ Hàn Mạc Tử theo phong cách thư pháp như “Người đi một nửa hồn tôi mất/một nửa hồn kia bỗng dại khờ” hay “Trăm năm vẫn một lòng yêu/Và còn yêu mãi, rất nhiều em ơi!”.

Hướng mộ quay lưng vào núi, trước mặt là vịnh biển yên bình. Từ đây, du khách có thể phóng xa tầm mắt đến đầm Thị Nại, nơi có cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam, nằm trong hệ thống cầu đường Nhơn Hội dài gần 7 Km nối liền thành phố Quy Nhơn với bán đảo Phương Mai.

Cách khu mộ Hàn Mạc Tử không xa có căn lều nhỏ của “người đàn ông say thơ Hàn” Dzũ Kha. Mến mộ và xem Hàn Mạc Tử như người tri kỉ, Dzũ Kha gắn bó với Ghềnh Ráng hơn 30 năm qua. Bên cạnh việc tình nguyện trông nom mộ của thi nhân, Dzũ Kha cháy hết mình với ngòi “bút lửa”, tỉ mẩn khắc đôi dòng thơ “điên” lên những tấm gỗ thông, gỗ mít.

Trong gian nhà đơn sơ ấy, du khách có thể dễ dàng tìm thấy những câu thơ Hàn Mạc Tử mà mình yêu thích hoặc đặt Dzũ Kha viết theo yêu cầu. Từ lâu, người dân trong vùng và cả du khách bốn phương đã xem “lều thơ” của Dzũ Kha như một địa chỉ văn hóa, một món quà tinh thần hấp dẫn.

Và còn nhiều, nhiều nữa những “nét thơ” mà Quy Nhơn điểm tô lên chiếc áo của mình, những Bãi Nhạn rợp trời cánh nhạn lúc chiều tà, Hàm Rồng róc rách nước chảy, vi vút thanh âm của núi rừng hay chùa Sơn Long rêu phong cũ kĩ.

Ai bảo đất võ là khô cứng, là không có thơ, Quy Nhơn sẽ chứng minh điều ngược lại, đến với Quy Nhơn là đến với “đất võ trời thơ”, đến với chốn “núi non thô mộc, sông biển mượt mà”.

Hiện tại, đường bay TP.HCM - Quy Nhơn do VNA khai thác hàng ngày có 2 chuyến bay, khởi hành tại Sân bay Tân Sơn Nhất vào lúc 07g50 và 11g25 và hạ cánh tại sân bay Quy Nhơn lúc 9g00 và 12g35. Đối với chiều ngược lại, hàng ngày cũng có 2 chuyến bay khởi hành tại Quy Nhơn lúc 09g55 và 13g25 và hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất sau 1 tiếng 5 phút.

Giá vé một chiều cho chặng bay TP.HCM - Quy Nhơn dao động từ 600 ngàn đồng đến 2 triệu 600 ngàn đồng, chưa bao gồm thuế phí.

Nguyễn Như Quỳnh (Nguyễn Như Quỳnh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem