Cụ thể, trên trang FB có tên Trang Thao Mandy xuất hiện hình ảnh hai bệnh nhân bị xuất huyết dưới da kèm theo status kêu gọi mọi người không nên ăn thịt lợn ở thời điểm này do dịch tả lợn châu Phi có thể lây sang người.
Thực tế, đây là những biểu hiện của bệnh liên cầu khuẩn do người bệnh đã sử dụng thịt lợn sống, tiết canh chưa qua nấu chín.
Việc chia sẻ, tung tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội là vi phạm pháp luật. Trong ảnh: Hình ảnh một chia sẻ trên mạng xã hội không chính xác về dịch tả lợn châu Phi, gây hoang mang dư luận.
Điều đáng lo ngại là, sau đó, tốc độ chia sẻ, lan truyền status này nhanh đến chóng mặt với hơn 40.000 lượt chia sẻ cùng hàng nghìn lượt comment, trong khi một số người khẳng định đây là chiêu "câu" like, tung tin thất thiệt thì cũng có nhiều người tỏ ra sợ hãi, kêu gọi mọi người tạm ngừng sử dụng thịt heo.
Tại các chợ dân sinh, rất nhiều bà nội trợ cũng tỏ ra lo ngại khi dịch tả lợn châu Phi đang bùng phát và hoang mang không biết dịch này có lây sang người hay không, sức mua tại các chợ cũng chững lại, đẩy giá lợn hơi đang có chiều hướng giảm. Hiện, giá lợn hơi ở nhiều địa phương phía Bắc chỉ còn khoảng 41.000 - 42.000 đồng/kg.
Trước những thông tin thất thiệt này, ông Nguyễn Văn Long - Trưởng phòng Dịch tễ (Cục Thú y, Bộ NNPTNT) cho biết, Bộ NNPTNT đã ngay lập tức báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông vào cuộc để xử lý những thông tin thất thiệt này.
Tiêu hủy lợn bị dịch tả lợn châu Phi tại Thái Bình. Ảnh: Trần Quang.
Cũng theo ông Long, tuy bệnh dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus chỉ gây bệnh ở lợn nuôi và lợn rừng; không gây bệnh cho các loài động vật khác, lợn bệnh có khả năng chết lên đến 100%; bệnh lây lan nhanh, gây thiệt hại lớn nhưng bệnh Dịch tả lợn châu Phi không lây nhiễm và gây bệnh ở người.
Virus có sức đề kháng cao, tồn tại lâu ở ngoài môi trường và trong các sản phẩm của lợn. Bệnh lây lan trực tiếp từ lợn bệnh sang lợn chưa mắc bệnh, sản phẩm lợn mang mầm bệnh, hoặc gián tiếp qua các loài vật chủ trung gian mang mầm bệnh (ve mòng, côn trùng, gặm nhấm, chim di cư,..), các phương tiện vận chuyển, thức ăn chăn nuôi, dụng cụ chăn nuôi và cả yếu tố con người.
Trước sự hoang mang của người tiêu dùng, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng phát đi thông điệp: Dịch tả lợn châu Phi không gây bệnh trên người do đó, người dân cần bình tĩnh, không nên hoang mang tẩy chay tiêu dùng các sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh.
PGS.TS.Phan Thanh Tâm (Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm - Đại học Bách khoa Hà Nội) cũng khẳng định, người dân không nên quá hoang mang, vì bệnh tả Châu Phi không lây sang người.
"Người dân không nên tẩy chay thịt lợn bởi đây là thực phẩm đóng vai trò cung cấp protein cực kỳ quan trọng đối với con người. Nguồn protein có trong thịt có chất lượng rất cao, có đầy đủ các axit amin thiết yếu cho sức khỏe cho người lớn và trẻ nhỏ" - bà Tâm nói.
Theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, hành vi tung tin thất thiệt, sai sự thật trên mạng xã hội, gây hoang mang dư luận, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khác là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.