Trần Thu Dung (Từ Paris)
Thứ ba, ngày 21/02/2023 14:17 PM (GMT+7)
Lần đầu tiên về Việt Nam đón xuân sau 35 năm. Hồi hộp chờ đợi xem sự đỏi thay ở quê hương. Nghe nói Việt Nam đón Tết tây và Giáng Sinh bây giờ vui lắm. Tôi chọn vào ngày về đúng Tết tây để về hưởng thụ cả hai Tết ta và tây cùng một đợt.
Cách đây hơn 35 năm chỉ nhà thờ lớn ở Lý Quốc Sư làm lễ đón Giáng sinh. Các con chiên đến dự lễ lưa thưa vì còn e ngại nhiều thứ. Cây thông nhỏ và sự trang trí rất đơn giản. Cuộc sống giờ đây ấm no, quan niệm tôn giáo cởi mở. Giáng sinh, Tết tây khắp nơi trang hoàng khắp nơi đầy hấp dẫn. Từ cây thông hoàng tráng, lấp lánh đèn đến những ông già Noel bày khắp nơi. Trẻ em tung tăng cùng gia đình chụp ảnh.
Tết tây vừa dứt, đến Tết ta. Các cửa hàng đào, mai, lan điệp trang hoàng lộng lẫy. Ở Việt Nam đúng nghĩa tháng giêng là tháng ăn chơi, nói chính xác: Tháng một dương lịch là tháng ăn chơi nếu Tết ta rơi vào tháng này. Năm nay Tết rơi vào 22 tháng giêng. Cả tháng này thiên hạ lo mua sắm trang trí. Có nơi sắm cây thông nhựa, treo các chú gấu trắng, tuần lộc Bắc cực. Đến giữa tháng bắt đầu đổi phông, thay vào cành đào, chậu quất, hoặc bày song song. Nhà nào cũng có chậu quất cảnh, cành đào. Những cành đào to, lớn được bẻ cong khi còn non để tạo dáng như cây cảnh… Nhiều nhà sang, đào chưa tàn đã vứt thay cành đào mới to hơn với hy vọng lộc tràn vào cả năm.
Chùa, đền người đi như nêm cối. Mê tín dị đoan phát triển. Nghệ thuật lên đồng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thế giới dường như biến tướng thành bói toán chữa bệnh tào lao. Thời trước, chùa đúng nghĩa thanh tịnh. Người đi lễ lặng lẽ, âm thầm. Giờ khắp nơi đốt vàng mã, hương khói ngạt thờ. Ngay các nơi kinh doanh, nhà băng, công sở cũng có lư hương lớn để đốt vàng mã. Số tiền vô bổ này nếu tích lại dùng xây được nhiều trường học cho trẻ em miền núi. Phật thánh được nhét đầy tiền lẻ xung quanh mất cả cảnh quan. Tôi đi du lịch Hà Giang hy vọng xem Tết dân tộc ra sao. Khi đi qua nghĩa trang Vị Xuyên, mênh mông mộ liệt sĩ. Chuyến đi sẽ đầy ý nghĩa nếu cô hướng dẫn viên du lịch cho dừng lại vài phút để thắp nén hương cảm tạ những người lính đã hy sinh vì tổ quốc bảo vệ biên giới chống quân xâm lược Trung Quốc thay bằng cho khách vào đền cô Cầu Mã thắp hương…
Tết lai rai, lễ hội khắp nơi
Người ta chơi lai rai từ Giáng Sinh đến tận mồng 6 tết Ta.
Trước kia mọi người lo gói bánh chưng, lo ngâm đỗ, ngâm nếp, lo rửa lá giữa trời rét buốt, nước nóng không có… Lo nồi to, lo củi, lo chỗ nấu…đủ thứ lo rồi chia nhau công việc. Thời thiếu thốn, tất cả như đoàn kết yêu thương nhau, sẵn sàng hỗ trợ cho nhau mượn nồi, rủ nhau nấu chung. Tình làng nghĩa xóm đầm ấm, Tết như đi trẩy hội. Áo quần mới dành cho thời điểm đó mới mặc. Con cháu về tụ hội đông vui. Mùi bánh chưng, mùi giò chả, hoa quả chín cây thơm phức.
Bây giờ đời sống hiện đại, chỉ cú điện thoại có ngay bánh chưng, giò, nem mang đến. Dường như không cảm thấy hương vị bánh chưng thơm dẻo. Bánh chưng để tủ lạnh, bày sẵn cứng ngắt vỏ. Xưa ít nhưng chất lượng cao. Bánh chưng nóng hổi cắt ra bằng dây lạt rất đẹp, mềm và dậy mùi. Ra chợ hoa, đào mai tự nhiên cùng các loại hoa đua sắc, mùi thơm của hoa phảng phất. Bây giờ hoa, quả đều ép đúng ngày bằng hoa chất nên dường như không có mùi tự nhiên.
Sống ở Việt Nam sướng hơn chân trời tây. Ở tây, không được nghỉ tết ta. Trẻ em vẫn đi học bình thường, mọi người đều đi làm. Đôi khi sếp quan tâm cũng cho nghỉ ngày mồng một. Mọi người chỉ đón Tết dương lịch. Ở Việt Nam lễ hội triền miền: Tết tây, Tết ta, lễ tình nhân, lễ Halloween, lễ Giáng Sinh, Quốc khánh… chưa kể lễ sinh nhật, con đầy năm đầy tháng, mừng thượng thọ, cưới, tổ chức linh đình khắp nơi. Du nhập tràn lan các lễ nước ngoài, kết hợp lễ truyền thống dân gian tổ chức khắp nơi. Lễ xôi, lễ ông táo, lễ chọi trâu, lễ rước ông lợn… tạo cảm giác cả năm có lễ hội.
Nở rộ dịch vụ thuê hoa, thuê áo.
Nhận lời mời, tôi ghé đi cùng vài người bạn đến làng hoa tận Phú Thượng. Xưa nhà nào có cành hoa nho nhỏ, bây giờ đi đâu thấy chậu hoa khủng bày trong sảnh. Dịch vụ cho thuê hoa rầm rộ. Chợ hoa trở thành địa điểm kinh doanh chụp ảnh, cho thuê áo dài. Hoa giả nhiều hơn hoa thật, trang trí đỏ vàng chóe như trong đền chùa. May bệnh dịch Covid đã giảm, chứ không biết chiếc áo đó bao nhiêu người khoác lên trong một ngày.
Các cửa hàng bày bán hoa quả, bánh nhập bên Tây về rất đắt nhưng cũng bán chạy. Những cây đào to, được chở bằng xe bán tải, ra vào tập nập chứng minh sự giàu sang và nhà rộng ở Việt Nam ngày nay. Trước năm 1989 nhiều nhà chẳng mua nổi cành đào. Tết đến chẳng có nổi gói mứt.
Văn minh, lịch sự
Điều hấp dẫn nhất, đó là nếp sống văn minh. Thiên hạ hay đồn cháo chửi, bún mắng… hàng tôm hàng cá… Trẻ em giờ đây lễ phép hơn nhiều. Một giai đoạn, sau 1975, nhiều người than, chê trẻ em, thanh niên hỗn và người lớn hay văng tục. không còn vẻ đẹp của người Hà Thành lịch sự xưa.
Thực ra Hà Nội bây giờ đâu chỉ người Hà Nội gốc. Nơi lung linh nhất, công việc dễ tìm kiếm nhất, ắt thu hút người tứ xứ. Hà Nội là trái tim của cả nước, đâu của riêng ai. Một Hà Nội mở rộng ra tận Ba Vì, và ruộng, có trâu bò gặm cỏ, tất phải khác Hà Nội xưa. Trước kia tốt nghiệp trung học, vào đại học cả khu đếm trên đầu ngón tay. Ngày nay, trường đại học công, tư nở rộ như hoa thu hút cả hàng triệu sinh viên cả nước.
Nhà cao ốc, chung cư cao cấp mọc lên nhiều. Tuy nhiên, nhiều nơi, nhất là chung cư này, trẻ em thanh niên rất lễ phép. Những chuyến buýt miễn phí từ Ecopark ra Hà Nôi, tôi đã chứng kiến rất nhiều những câu chào hỏi lịch sự, và được chú tài đáp lại cũng rất lịch thiệp: "Bác tài ơi, tôi quên cái thẻ ở nhà, có lên được không?, "Chú tài ơi, cháu đi học vội quên thẻ". "Vâng, bác cứ lên", "cháu cứ lên". "Cám ơn chú tài, chào chú tài…". Lòng tin về sự chân thật, hay lòng vị tha, những câu đáp nhã nhặn của người lái làm ấm lòng những người trên xe.
Nhân hậu, ấm áp tình người
Tôi bị ngã bong gân bất ngờ, đúng hai ngày trước khi về, đành lê ra sân bay, không kịp xin chế độ ưu tiên giúp người khó khăn đi lại của hàng không. Nhìn hàng người xếp rồng rắn vào cửa khẩu, tôi thì chân cà thọt, thấy mình không thể chịu nổi tôi liền nói nhân viên cửa khẩu: Chị ơi, tôi bong gân đau chân, không xếp hàng được".
Tôi chỉ hy vọng ngồi ghế chờ đến lượt, nhưng cô nhân viên mặc trang phục hải quan nói: "Cô cứ đi vào ngay đi". Rồi cô nói luôn anh bạn đồng nghiệp đang đứng gần chỗ kiểm soát hộ chiếu: "Cô này đau chân, ưu tiên trước em nhé…"
Vào trong khi qua khâu kiểm tra an ninh, tôi hỏi: "Cô đau chân, có phải cởi giầy không, mà cới giầy cô phải ngồi". Một thanh niên trẻ an ninh đáp nhẹ nhàng: "Cô cứ từ từ ngồi ghế này, cởi giầy nhé". Anh bỏ giầy giúp tôi qua máy, nhanh nhẹn bảo: "Cô đi qua cái máy rà luôn này, để khỏi phải kiểm tra nhiều lại… cô nhé"….
Lê vào đến cửa đợi, tôi ngồi đợi tất cả lên, mới vào để khỏi phải đứng chờ, vì không xin dịch vụ ưu tiên. Vào đến cửa máy bay, thấy tôi đi cà nhắc, kéo cái va li xách tay nhỏ, cô chuyên đãi viên nhẹ nhàng đỡ tôi, và cầm giúp chiếc vali, chỉ tôi vào tận nơi. Một cô rất trẻ ra nói "Sao cô không xin dịch vụ miễn phí, cô bị đột xuất à, cô ngồi đây, cần gì gọi cháu nhé. Chút nữa cháu xin dịch vụ đón cô ở Paris, cho cô đỡ vất vả".
Tôi thật bất ngờ sự chăm sóc ân cần đến thế. Tôi được xếp một chỗ khá tốt, chỉ có mình tôi. Hàng hai chỗ, một chỗ trống, gần nhà vệ sinh. Hóa ra lời nhờ cậu làm vé ngoài cửa sân bay hiệu nghiệm, Khi làm thủ tục vé, nhân viên ngoài quầy hỏi tôi thích ngồi ghế ngoài phải không? Tôi liền đáp: "Cô bị bong gân, chân đau, cháu cho cô chỗ nào ít ai đi qua, cô không phải đứng dậy, hay sợ họ dẫm vào bàn chân, và gần nhà vệ sinh, vì cô đi lại khó khăn, bác sĩ khuyên ít di chuyển". Tôi cứ nghĩ nói thế thôi, chắc gì được. Lên máy bay mới thấy tôi đã ưu tiên một chỗ ngồi thoái mái thuận tiện nhất.
Hình ảnh những cô gái Việt Nam mặc áo dài xanh lượn qua lại với những câu chào hỏi lịch sự và quan tâm sức khỏe làm ấm lòng những người xa Tổ quốc. Sự chân tình bất ngờ, việc được chăm sóc như chăm cha mẹ làm tôi xúc động. Tình yêu con người đất nước càng mạnh. Những hình ảnh bôi xấu về một Việt Nam thô lỗ, như cháo chửi, bún mắng hay được truyền trên mạng bị xóa sạch trong đầu.
Đi Hội An, tôi cũng thử ăn cơm hàng cháo chợ. Những người bán hàng rong cũng rất lịch sự mời chào, vẫn vui vẻ dù tôi đã vào nói không thích ăn miến sang ăn hàng cháo bên cạnh…
Yêu lắm những người Việt lịch sự văn minh. Lúc xuống máy bay trong khi chờ xe lăn, nữ chiêu đãi viên còn đưa thêm tôi chai nước để dùng. Tôi thực sự cảm động. Lúc sắp xuống, tôi xin phép được chụp ảnh chung cả phi hành đoàn trên chuyến bay trước lúc từ giã. Các cô rất ngạc nhiên, cũng vui lòng ra chụp ảnh. Sau đó, tôi mới rút cuốn sách của tôi vừa xuất bản để trong túi ra tặng đoàn như một lời cảm tạ.
Nụ cười thân mật chia tay trên máy bay
Bạn bè thấy chân đau đều quan tâm. Người nhiệt tình đi mua băng, thuốc dán lạnh, người mang lá dân tộc đặc trị dù rất xa, người đến lo xếp vali, lo mọi việc. Người sẵn sàng chở tôi ra sân bay. Tất cả chỉ là bạn bè. Cha mẹ mất từ lâu, các chị đều già. Bạn bè chân tình giúp đỡ làm đỡ tủi thân khi trở về quê hương cha mẹ đã khuất núi.
Không phải khi đau chân mà ngay cả lúc bình thường. Khi thấy tôi đứng tuổi xách lỉnh kỉnh túi về chỗ ở Ecopark, có thanh niên, bảo vệ không quen biết đều giúp đỡ một tay đưa đồ vào thanh máy… Đi đâu cũng gặp nụ cười xuân vui vẻ. Cuộc sống khấp khá, con người vui vẻ chào xuân.
Những lời chào và sự giúp đỡ vô tư của các chiêu đãi viên hàng không Việt Nam, Những câu cảm ơn lịch sự của người lái xe, bà bán bún, các cháu, tình bạn làm ấm lòng người xa xứ.
Ra đi, lại muốn trở về giữa quê hương đầy tình người nồng hậu…
Cảm ơn những cô gái chiêu đãi viên hàng không xinh đẹp đầy ấn tượng về lòng nhân ái, tình người Việt với khách. Cảm ơn tất cả.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.