Cụ thể, hệ thống ETC tại các trạm thu phí BOT do Bộ GTVT là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền được chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 dự án có tổng số 44 trạm, gồm 26 trạm trên QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên và 18 trạm trên các tuyến cao tốc và các quốc lộ khác được bổ sung vào dự án.
Trạm thu phí do VEC quản lý.
Trong đó, có các trạm thu phí do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc (VEC) quản lý (tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và Bến Lức - Long Thành). Tiến độ đối với các trạm trên QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên đã lắp đặt và vận hành theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (chỉ còn trạm tránh TP Thanh Hóa và Cai Lậy đang dừng thu do thay đổi vị trí trạm). Đối với 18 trạm được bổ sung vào dự án, đã vận hành thương mại được 4 trạm.
Đối với giai đoạn 2, có tổng số 33 trạm, đã lựa chọn được nhà đầu tư là Liên danh Tập đoàn Công nghệ - Viễn thông Quân đội (Viettel), Công ty Cổ phần đầu tư công nghệ Hạ tầng Vietin, Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ viễn thông Việt Vương, Công ty Cổ phần công nghệ Tiên Phong. Dự kiến sẽ lắp đặt và phấn đấu hoàn thành các trạm trong năm 2019 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng.
Theo bộ GTVT, các trạm thu phí của các nhà đầu tư tư nhân (dự án BOT) sẽ hoàn thành việc lắp đặt, vận hành hệ thống ETC trong năm 2019. Đối với các trạm trên tuyến cao tốc do VEC quản lý (là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước) còn nhiều vướng mắc, rất khó hoàn thành tiến độ theo yêu cầu.
Nêu rõ khó khăn, Bộ GTVT cho rằng, nguyên nhân các dự án của VEC chậm triển khai thu phí không dừng được Bộ GTVT chỉ ra là do việc đầu tư hệ thống ETC tại các dự án cao tốc do VEC quản lý được thực hiện theo phương án VEC sử dụng nguồn vốn của dự án để đầu tư, vận hành hệ thống ETC tại trạm. Sau đó, kết nối với trung tâm dữ liệu thuộc dự án thu phí tự động không dừng giai đoạn 1 do Bộ GTVT đang triển khai.
Bộ GTVT chỉ đạo VEC, tạo mọi điều kiện để tháo gỡ các vướng mắc nhưng đến thời điểm này chỉ có tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình cơ bản đáp ứng tiến độ yêu cầu. Các tuyến còn lại do nguồn vốn đầu tư của các dự án không còn nên VEC đã đề xuất phương án thuê đơn vị cung cấp thiết bị ETC tại trạm và sử dụng chi phí quản lý thu phí để trả chi phí này.
Tuy nhiên, tiến độ triển khai vẫn chậm, không đáp ứng yêu cầu. Ngoài ra, việc chuyển VEC về Ủy ban quản lý vốn Nhà nước khi quy định pháp luật về phân cấp, phân quyền chưa rõ ràng cũng ảnh hưởng đến tiến độ triển khai.
Công điện số 849/2019, Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước khẩn trương đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống thu phí điện tử tự động không dùng tại các dự án do VEC quản lý. Đồng thời Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về tiến độ thu phí điện tử tự động không dừng do VEC quản lý.
Để đảm bảo tiến độ hệ thống thu phí tự động không dừng, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ủy ban quản lý vốn Nhà nước đôn đốc, chỉ đạo VEC, chịu trách nhiệm triển khai hệ thống ETC tại các dự án của VEC quản lý, bao gồm việc ký hợp đồng dịch vụ với nhà cung cấp dịch vụ do Bộ GTVT lựa chọn để đảm bảo kết nối liên thông với hệ thống thu phí tự động do Bộ GTVT đang triển khai. Đồng thời, có giải pháp xử lý nghiêm trường hợp VEC triển khai không đảm bảo tiến độ yêu cầu.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.