Vị anh hùng nào làm quan “to” nhất triều Tống sau khi rời Lương Sơn Bạc?

Vô Kỵ Thứ sáu, ngày 12/04/2019 16:33 PM (GMT+7)
Theo Tục Thủy Hử, đồng tác giả Thi Nại Am – La Quán Trung, trong số 108 vị anh hùng Lương Sơn Bạc, chỉ còn lại 13 người tiếp tục làm quan triều đình sau trận chiến Phương Lạp. Trong số này, có một nhân vật thực sự được nhà Tống trọng dụng, sau lập nhiều đại công, được phong tới chức Tiết độ sứ 1 quận lớn. Đó chính là Mỹ Nhiêm Công Chu Đồng.
Bình luận 0

Trọng nghĩa khinh tài, có ơn lớn với Tiều Cái, Tống Giang

Chu Đồng làm chức Đô đầu mã binh ở huyện Vận Thành. Đồng cao hơn 8 thước, râu dài 1 thước rưỡi, dung mạo khá giống Võ Thánh Quan Vũ. Đồng vốn xuất thân là phú hộ bản xứ, trọng nghĩa khinh tài, võ nghệ khá cao cường, kết giao khá rộng. Chu Đồng chơi thân với Lôi Hoành và Tống Giang.

img

Khi nghe tin nhóm Tiều Cái, Ngô Dụng và 3 anh em họ Nguyễn đánh cướp Sinh Thần Cương, quan tri huyện điều phái Chu Đồng và Lôi Hoành đi tróc nã Tiều Cái. Nhưng cả hai người đều có thiện cảm với Tiều Cái, nên cố ý thả cho Tiều Cái và huynh đệ trốn thoát.

Khi Tống Giang giết Diêm Bà Tích, Chu Đồng và Lôi Hoành được lệnh đi truy bắt. Đồng biết Tống Giang chỉ có thế trốn ở trong nhà Tống Thái Công, nên liền tới tra xét, quả nhiên phát hiện ra Tống Giang đang trốn ở trong hầm. Nhưng ông và Lôi Hoành không bắt giữ mà lại thả cho Tống Giang đi, còn cho thêm một ít tiền.

Sau, Lôi Hoành lỡ tay đánh chết ca kỹ yêu của quan tri huyện nên bị tù đày, Chu Đồng chính là người áp giải bạn. Chu Đồng không nỡ nhìn bạn bị đi đày, liền tháo gông thả cho Lôi Hoành chạy rồi về nói là sơ ý để phạm nhân chạy thoát xin chịu tội. Quan tri huyện vốn có thiện cảm với Chu Đông nên không muốn bắt tội, nhưng vì cha của ả ca kỹ dọa sẽ thưa kiện lên quan trên, nên Chu Đồng bị đi đày tới Thương Châu.

Mắc bẫy, tuyệt đường phải lên Lương Sơn

Quan tri huyện ở Thương Châu thấy Chu Đồng tướng mạo oai phong, liền thu dụng vào ở trong phủ nha. Chu Đồng tính tình lễ phép, ôn hòa, rất được mọi người quý mến nên chẳng bao lâu đã yên ổn. Cậu ấm con quan tri huyện rất quý Chu Đồng, thường đòi ông dẫn đi chơi. Chu Đồng cũng chiều chuộng cậu ấm hết mực, luôn mua bánh kẹo, đồ chơi để dỗ dành cậu ấm.

img

Trong một lần đi chơi phố, Chu Đồng gặp lại Lôi Hoành, bị Lôi Hoành kéo ra một chỗ để trò chuyện. Không ngờ lúc quay lại thì bị thất lạc mất cậu ấm, ông vội cuốn quýt đi tìm thì gặp Ngô Dụng. Dụng nói với Đồng cứ yên tâm, bởi Lý Quỳ đang trông nom cậu ấm.

Chu Đồng đi tìm Lý Quỳ, tới nơi thì cậu ấm đã bị bóp cổ chết từ lâu. Chu Đồng giận quá đuổi đánh Lý Quỳ tới tận gia trang của Sài Tiến. Tới đây, bọn Ngô Dụng thú nhận đã gài bẫy ông, khiến Chu Đồng tuyệt đường lui mà gia nhập Lương Sơn.

Sau khi gia nhập “Bến nước”, Chu Đồng (vị trí thứ 12, sao chiếu mệnh Thiên Mãn Tinh) tham gia rất nhiều trận chiến, là 1 trong 8 tướng tiên phong của quân Lương Sơn. Sau khi chiêu an, ông theo nghĩa quân Lương Sơn chinh phạt Liêu, Vương Khánh, Điền Hổ và Phương Lạp, lập nhiều công lớn.

img

Chống giặc Kim, lập công lớn, làm tới chức Tiết độ sứ

Trở lại với trận chiến của nghĩa quân Lương Sơn với quân Phương Lạp. Trong 108 vj anh hùng Lương Sơn, thì 5 người không tham dự cuộc chiến với Phương Lạp do được lệnh ở lại hoặc bị gọi về; 103 người tham dự cuộc chiến với Phương Lạp thì có 76 người bị tử trận hoặc không trở về triều nhận quan tước, 27 người trở về triều. Trong đó có Chu Đồng!

Tục Thủy hử kể về quá trình tổn thất, tan rã hoàn toàn của các anh hùng Lương Sơn Bạc. Nội dung chủ yếu của truyện kể về việc nghĩa quân Lương Sơn đánh bại các cuộc đánh dẹp của triều đình nhà Tống, nhận chiêu an và tiến công nước Liêu, bình định các cuộc khởi nghĩa của Điền Hổ, Vương Khánh, Phương Lạp.

Sau khi về hàng triều đình, quân Lương Sơn được điều đi chống quân nhà Liêu xâm phạm bờ cõi nhà Tống. Quân Lương Sơn thắng quân Liêu liên tiếp nhiều trận (chiếm được Đàn Châu, Kế Châu, Bá Châu, U Châu), sắp tiến đến kinh đô nước Liêu thì vua Huy Tông theo lời các gian thần, chấp thuận cho nước Liêu giảng hoà và hạ lệnh Tống Giang rút quân.

Trở về, triều đình lại phái quân Lương Sơn đi đánh dẹp các cuộc khởi nghĩa khác của Điền Hổ, Vương Khánh và Phương Lạp. Với đội ngũ thiện chiến, tài năng, quân Lương Sơn dưới cờ hiệu của triều đình nhà Tống đã dẹp được cả ba cuộc khởi nghĩa quy mô lớn này.

Khi đánh quân Liêu và các cuộc khởi nghĩa nông dân khác của Điền Hổ, Vương Khánh, nghĩa quân Lương Sơn toàn thắng và không có tướng lãnh nào tử vong. Sự suy giảm quân số chỉ diễn ra khi quân Lương Sơn đụng độ quân Phương Lạp. Cho tới khi đánh bại quân khởi nghĩa này và bắt sống thủ lĩnh Phương Lạp, các anh hùng Lương Sơn Bạc bị tổn thất rất nhiều.

Trong 32 “đầu lĩnh” còn sống, 3 người bị triều đình sát hại (Tống Giang, Lư Tuấn Nghĩa, Lý Quỳ); 2 người tự vẫn vì phẫn chí (Ngô Dụng, Hoa Vinh); 12 người về tới kinh nhưng vẫn không nhận chức, bỏ về quê cũ hoặc đi làm đạo sĩ; 3 người nhận chức rồi sau đó từ chức vì không thích bon chen ở chốn quan trường nhiều gian thần (Sài Tiến, Lý Ứng)

Và trong số 13 vị anh hùng Lương Sơn tiếp tục làm quan, Chu Đồng chính là nhân vật được triều đình nhà Tống trọng dụng nhất. Sống sót trở về sau trận chiến Phương Lạp, Chu Đông nhậm chức Đô thống chế Phủ Bảo Định, một chức quan hàm Thất phẩm.

img

Về sau, Chu Đồng tham gia chống quân Kim, làm tướng tiên phong dưới trướng Nguyên soái Lưu Quang Thế, góp công lớn đánh lui liên quân người Kim và Ngụy Tề Lưu Dự ở trận chiến Hoài Thượng năm 1133, được phong Tiết độ sứ quận Thái Bình. Theo quan chế nhà Tống, Tiết độ sứ tương đương với “Tòng nhị phẩm”, phẩm cấp cao thứ 4 của Võ quan thời đại này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem